Các Hiệp hội ngành, nghề

Xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi vào quý III

Nguyễn Huyền 11/06/2024 - 09:19

Trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn thách thức kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 5 tháng đầu năm 2024 vẫn tăng 6% so với cùng kỳ. Kỳ vọng xuất khẩu sẽ phục hồi trong quý III/2024, khi tồn kho giảm và nhu cầu tăng vào dịp lễ Tết cuối năm.

xuat-khau-tom-5331.jpeg
Ảnh minh họa

Tại Hội nghị toàn thể hội viên năm 2024 của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP nhấn mạnh, nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng lớn bởi quá trình đô thị hóa, hạn hán, xâm nhập mặn,… dẫn đến sản lượng nuôi thủy sản suy giảm, nguồn khai thác tài nguyên cạn kiệt, nguyên liệu không đáp ứng đủ nhu cầu của các nhà máy, buộc doanh nghiệp phải tăng nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ chế biến. Trong bối cảnh đầy khó khăn và thách thức xuất khẩu thủy sản trong 5 tháng qua vẫn tăng trưởng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Báo cáo tại hội nghị, ông Trương Đình Hòe cho biết, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt gần 3,6 tỷ USD tăng 6% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc đã soán ngôi vị của Mỹ, trở thành thị trường nhập khẩu tôm số 1 của Việt Nam, chiếm 20% tỷ trọng, chủ yếu nhờ tăng mạnh nhập khẩu tôm hùm xanh, xuất khẩu tôm sang Mỹ chiếm tỷ trọng 17,4%. Mặc dù nhập khẩu đang phục hồi dần nhưng giá xuất khẩu sang Mỹ vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang Nhật Bản giảm nhẹ 3%, trong khi sản xuất sang EU tăng 1%.

Xuất khẩu cá tra mang về gần 757 triệu USD, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai thị trường chi phối vẫn là Trung Quốc và Mỹ, chiếm lần lượt là 27% và 18% tổng giá trị xuất khẩu cá tra. Trong khi xuất khẩu sang Mỹ có tín hiệu phục hồi khả quan (tăng 18%) thì xuất khẩu sang Trung Quốc – thị trường số 1 lại giảm 14%.

Giá xuất khẩu trung bình cá tra sang các thị trường chính nhìn chung đã phục hồi so với quý IV/2023 và những tháng đầu năm, nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ.

Trong top 4 thị trường hàng đầu, chỉ có Mỹ có dấu hiệu tích cực hơn với tăng trưởng 7%, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và EU gần như chỉ tương đương so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng nhẹ 2%.

Sự phục hồi chậm và dè dặt của thị trường, áp lực cạnh tranh về giá xuất khẩu và nguồn cung cùng với những khó khăn trong sản xuất chế biến trong nước như chi phí đầu vào tăng, nguyên liệu thiếu hụt,… đang và sẽ tiếp tục tác động đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2024.

Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm tăng 6%, trong đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp thành viên VASEP đạt hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức, chiến tranh, biến đổi khí hậu, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn tăng trưởng khả quan cho thấy thị trường đang có sự phục hồi dù chưa bằng 2023.

“Doanh nghiệp thủy sản năng động sáng tạo và luôn biết cách “biến” thách thức thành thời cơ. Dự báo quý II, xuất khẩu thủy sản sẽ đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ. Kỳ vọng sau quý III nhu cầu thị trường và giá xuất khẩu sẽ phục hồi, đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt như mục tiêu đề ra, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 54 tỷ USD nông sản của chính phủ giao”, ông Tiến nói.

Nguyễn Huyền