Doanh nghiệp

Bất ngờ khoản cổ tức "khủng" từ Honda, Toyota và Ford mang về cho VEAM mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận

Hoàng Hà {Ngày xuất bản}

Hàng năm VEAM đều báo lãi hàng nghìn tỷ đồng, trong đó một phần không nhỏ đến từ cổ tức "khủng" từ các liên doanh liên kết như Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam.

veam.jpg

VEAM tiền thân công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, thuộc Bộ Công Thương được thành lập ngày 12/5/1990 với mục tiêu trọng tâm của ngành cơ khí Việt Nam là Công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Ngày 18/1/2017, theo Quyết định 4874/QĐ-BCT về việc cổ phần hoá Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, VEAM tổ chức thành công ĐHĐCĐ lần thứ nhất, chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ 13.288 tỷ đồng. Sau cổ phần hóa, Bộ Công Thương vẫn nắm giữ 88,47% cổ phần của VEAM.

Theo website của VEAM, công ty hiện có 27 đơn vị thành viên. Các đơn vị thành viên của VEAM với trên 20.000 cán bộ công nhân viên là các công ty sản xuất và kinh doanh máy móc, phụ tùng phục vụ cho sản xuất nông lâm ngư nghiệp và giao thông vận tải.

Tuy nhiên, những năm qua, các khoản đầu tư sinh lãi lớn của VEAM chủ yếu đến từ phần vốn nắm giữ tại các liên doanh ô tô hàng đầu là Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam và Ford Việt Nam.

Trong đó chỉ tính riêng giá trị thuần theo phương pháp vốn chủ sở hữu, các khoản đầu tư vào Ford và Toyota đều tăng gấp đôi về giá trị. Thậm chí, khoản đầu tư 359 tỷ đồng vào Honda Việt Nam còn tăng gấp 12 lần, lên 4.280 tỷ đồng.

dau tu vao cty lien ket VEA.jpg
Nguồn: BCTC kiểm toán 2023 của VEA

Với khoản đầu tư này, hàng năm VEAM đều nhận được khoản cổ tức "khủng" từ các liên doanh liên kết mới ghi nhận vào doanh thu tài chính hàng năm. Năm 2023, riêng Honda đã mang về cho VEAM hơn 2.900 tỷ đồng cổ tức, trong khi năm 2022 là gần 2.200 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh, hàng năm VEAM đều báo lãi hàng nghìn tỷ đồng, trong đó năm 2022 lãi kỷ lục 7.665 tỷ đồng. Năm 2023 lợi nhuận sau thuế sụt giảm 18% so với năm 2022, nhưng vẫn đạt mức 6.265 tỷ đồng. Sang quý I/2024, công ty báo lãi sau thuế đạt 1.435 tỷ đồng.

VEAM.png

Dù lãi lớn nhưng tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, VEAM vẫn bị đơn vị kiểm toán đưa ra loạt ý kiến ngoại trừ.

Theo đó, đơn vị kiểm toán nêu rõ VEAM chưa đánh giá khả năng phục hồi đối với các khoản phải thu đã quá hạn thanh toán với giá trị hơn 44 tỷ đồng. Kiểm toán viên không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về việc đánh giá khả năng thu hồi các khoản trên. Đây cũng là nguyên nhân khiến kiểm toán không xác định được có cần thiết phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi hay không.

Cùng với đó, tại ngày 31/12/2023, công ty trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho hơn 739 triệu đồng trong khi giá trị hàng tồn kho tồn đọng, chậm luân chuyển là hơn 123,8 tỷ đồng. Kiểm toán viên không đánh giá được giá trị thuần có thể thực hiện của hàng tồn kho chậm luân chuyển một cách hợp lý.

Ngoài ra, công ty còn có các khoản chi phí treo chờ xử lý gần 457 tỷ đồng đang được phản ánh trên khoản mục chi phí trả trước và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. Kiểm toán không thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp để đánh giá về khả năng thu được lợi ích kinh tế trong tương lai đến các khoản chi phí đang treo...

Với việc báo cáo tài chính năm của công ty bị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ 3 năm liên tiếp trở lên, hơn 1,3 tỷ cổ phiếu VEAM trên sàn UPCoM hiện vẫn trong diện cảnh báo của HNX.

Trong phiên ngày 12/6, sau thông tin Tổng Giám đốc Phan Phạm Hà bị bắt, cổ phiếu VEA đã giảm 2,53% xuống 46.200 đồng/cổ phiếu và bị bán ròng gần 62 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong vòng một tháng trước đó, thị giá của cổ phiếu VEA đã tăng hơn 28%, lên mức 47.500 đồng/cổ phiếu (kết phiên ngày 11/6).

Vốn hóa của VEA tính đến ngày 12/6 ở mức hơn 61.390 tỷ đồng (khoảng hơn 2,4 tỷ USD). Với mức vốn hóa này VEAM là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất ngành ô tô cũng như là một trong những doanh nghiệp có vốn hóa lớn trên cả 3 sàn.

Một điểm đáng chú ý nữa với cổ phiếu VEA là tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 tới đây (ngày 20/6), công ty dự kiến tiếp tục trình cổ đông thông qua việc niêm yết cổ phiếu VEA tại Sở giao dịch chứng khoán khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật liên quan.

Thực tế, việc VEAM trình ĐHĐCĐ chuyển sang sàn niêm yết không phải mới bởi kế hoạch này đã được công ty đề ra từ 2018 đến nay, tuy nhiên vẫn chưa thành.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, trả lời cổ đông về lộ trình niêm yết cổ phiếu VEA, Chủ tịch HĐQT VEAM cho biết, các nội dung ngoại trừ đều là các vấn đề liên quan đến các tồn tại phát sinh từ nhiều năm trước, cần có thời gian để xử lý, giải quyết. Tuy nhiên, ban lãnh đạo VEAM xác định việc niêm yết cổ phiếu tại các sàn chứng khoán HoSE hay HNX là mục tiêu quan trọng, cần kiên trì thực hiện.

Mới đây, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM, mã VEA) công bố thông tin, ngày 10/6, VEAM đã nhận được thông báo của Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TP. Hà Nội liên quan đến quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với ông Phan Phạm Hà, Tổng Giám đốc VEAM về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Cùng ngày, Hội đồng quản trị (HĐQT) của VEAM đã thông qua quyết định bãi nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc với ông Phan Phạm Hà.

Theo thông tin từ báo cáo thường niên 2023 của VEAM, ông Phan Phạm Hà được Bộ Công Thương bổ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc VEAM từ tháng 7/2020. Ông Hà cũng là người đại diện 38% vốn của Bộ Công Thương tại VEAM.

Trước đó, tháng 8/2019, cơ quan công an cũng đã khởi tố nguyên Chủ tịch HĐQT và nguyên Tổng Giám đốc VEAM về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Đến tháng 10/2023, thêm một nguyên Tổng Giám đốc VEAM và một Phó Tổng Giám đốc VEAM bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Hoàng Hà