Nhà đầu tư ồ ạt xả hàng, VN-Index lao dốc hơn 21 điểm
Sau khi nỗ lực giữ vững mốc 1.300 điểm không thành, nhà đầu tư đồng loạt "xả hàng" khiến VN-Index lao dốc nhanh và giảm hơn 20 điểm.
Thị trường phiên cuối tuần (ngày 14/6) mở cửa trong sắc xanh, song động lực không được duy trì lâu và hiện tượng giằng co lại xuất hiện khiến VN-Index trồi sụt quanh mốc tham chiếu.
Áp lực bán bất ngờ tăng mạnh trong phiên chiều khiến VN-Index trượt mất gần 22 điểm so với mốc tham chiếu, đặc biệt là trong phiên ATC.
Thanh khoản bán khớp lệnh tăng vọt 72% so với buổi sáng. Mức giao dịch bất thường này đi cùng với diễn biến giảm giá la liệt. Trong bối cảnh thị trường nghiêng nhiều về phía giảm thì nhóm cổ phiếu viễn thông và công nghệ thu hút dòng tiền tốt với VTP, CTR là 2 mã đáng chú ý.
Trong rổ VN30, kết phiên chỉ còn ghi nhận SSB và FPT tăng nhẹ trên dưới 1%. Còn lại 28 cổ phiếu khác trong rổ VN30 đều đóng cửa giảm, đáng chú ý là GVR giảm 6,65%, PLX giảm 4%, VPB giảm 3,9%, STB giảm 3,5%, SAB giảm 3,4.
Thanh khoản thị trường hôm nay tăng vọt, với tổng giá trị giao dịch cả 3 sàn đạt hơn 33.000 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng mạnh với tổng giá trị ròng đạt 571 tỷ đồng, tập trung bán VRE, VHM, VND.
Chốt phiên hôm nay, sàn HOSE có 89 mã tăng và 366 mã giảm, VN-Index giảm 21,6 điểm (-1,66%), xuống 1.279,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,11 tỷ đơn vị, giá trị đạt 29.362 tỷ đồng, tăng gần 25% về khối lượng và 27% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 100 triệu đơn vị, giá trị đạt 2.576,6 tỷ đồng.
Sàn HNX có 56 mã tăng và 139 mã giảm, HNX-Index giảm 4,39 điểm (-1,77%), xuống 243,97 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 105,8 triệu đơn vị, giá trị đạt 2.085,4 tỷ đồng, tăng 43,5% về khối lượng và 35,4% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,33 triệu đơn vị, giá trị đạt 51,3 tỷ đồng.
Sàn UPCoM có 182 mã tăng và 195 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,96 điểm (-0,97%), xuống 98,05 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 105 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.560,4 tỷ đồng, tăng 43,5% về khối lượng và 35,4% về giá trị. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,87 triệu đơn vị, giá trị đạt gần 73 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều mất điểm, với VN30F2404 giảm 18 điểm, tương đương -1,35% xuống 1.317 điểm, khớp lệnh hơn 204.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 53.000 đơn vị.
Tuần này, thị trường đã đạt được mục tiêu vượt mốc 1.300 điểm với sự hỗ trợ từ nhóm vốn hóa lớn. Mặc dù vậy, động lực của VN-Index chưa thực sự tốt và tình trạng giằng co vẫn còn hiện hữu ở phần lớn các phiên giao dịch. Dường như tâm lý chung còn thận trọng khi thị trường đang ở khu vực điểm quan trọng. Điều tích cực là dòng tiền vẫn có luân chuyển giữa các nhóm ngành hoặc một số cổ phiếu nhất định.
VN-Index kết phiên cuối tuần với nến đỏ giảm điểm mạnh do thiếu động lực từ nhóm bluechip và áp lực bán lớn vào phiên chiều, nhưng đóng cửa tuần chỉ điều chỉnh giảm nhẹ so với tuần trước.
Với diễn biến hiện tại, CTCK Vietcombank (VCBS) khuyến nghị các nhà đầu tư không nên hoảng loạn bán tháo trong những phiên rung lắc. Xác suất cao thị trường sẽ xuất hiện những nhịp phục hồi ngay sau những phiên gia tăng áp lực bán đột ngột.
"Nhà đầu tư nên tận dụng những phiên phục hồi để rà soát cơ cấu lại danh mục, tích cực chốt lời các mã cổ phiếu đã có lợi nhuận để bảo toàn thành quả đồng thời bán giảm những mã đã suy yếu và giảm dưới vùng hỗ trợ để hạn chế tối đa rủi ro trong ngắn hạn", chuyên gia VCBS nhận định.