Cần "gỡ vướng" cho doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ
Trong cơ cấu xuất khẩu cá ngừ những năm gần đây, có tới hơn 50% giá trị được tạo ra từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu do khai thác trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến và không ổn định.
Rất khó làm giấy xác nhận nguyên liệu (S/C)
Cách đây 10 năm, Việt Nam đứng thứ 8 trên bản đồ xếp hạng các quốc gia xuất khẩu cá ngừ thế giới. Năm 2022, xuất khẩu cá ngừ đạt 1 tỷ USD, cho thấy tiềm năng phát triển của ngành hàng này.
Đến năm 2023, đã vươn vị trí thứ 5 xét về kim ngạch, chỉ sau Thái Lan, Ecuador, Tây Ban Nha và Trung Quốc.
Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tháng 5/2024, xuất khẩu cá ngừ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, tăng 21% so với cùng kỳ.
Lũy kế, 5 tháng đầu năm đạt hơn 386 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ. Trong đó, hai thị trường lớn nhất là Mỹ, EU tăng trưởng lần lượt là 22% và 36% so với cùng kỳ, chiếm 37% và 23% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ.
Hiện Việt Nam đã có các nhà máy chế biến cá ngừ có công nghệ cao, có kinh nghiệm, có kỹ năng - sản phẩm có uy tín ở cả trăm thị trường.
10 năm trước, ngành cá ngừ chỉ có vài doanh nghiệp nhỏ lẻ, nguyên liệu nhập khẩu hầu hết phải “mua lại” qua nhiều công ty trung gian nước ngoài, đẩy giá thành và chi phí cao.
Đến nay, Việt Nam đã xây dựng được ngành hàng cá ngừ “tỷ đô”, đứng vào top đầu thế giới. Doanh nghiệp đã lớn mạnh về quy mô lẫn công nghệ, đủ bản lĩnh để chiếm lĩnh thị trường toàn cầu. Đặc biệt là thị trường nguyên liệu.
Đây là yếu tố quyết định tới sự phát triển của ngành hàng cũng như năng lực cạnh tranh trên toàn cầu của Việt Nam mà không phải quốc gia nào cũng có thể làm được.
Bằng chứng là hàng năm, Việt Nam đón trên 20 tàu đánh bắt/tàu cấp đông của nước ngoài vận chuyển hàng trăm nghìn tấn cá ngừ nguyên liệu vào bán trực tiếp cho doanh nghiệp trong nước. Việc này trước đây không hề có.
Tuy nhiên, cũng trong cơ cấu giá trị xuất khẩu cá ngừ những năm gần đây, điều bất cập là có tới hơn 50% giá trị được tạo ra từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu do khai thác trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến và không ổn định.
"Tiềm năng và dư địa cho ngành cá ngừ Việt Nam còn lớn hơn nhiều nếu như chúng ta nỗ lực vượt qua những thách thức nội tại và giải quyết được những khó khăn về nguồn nguyên liệu", bà Cao Thị Kim Lan, Uỷ viên BCH VASEP, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO) đã nhấn mạnh tại Hội nghị Hội viên VASEP năm 2024 vừa tổ chức ngày 10/6 vừa qua.
Nhiều bất cập cần được tháo gỡ
Bà Lan cho biết, đối với nguồn nguyên liệu khai thác trong nước, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh rất khó làm giấy xác nhận nguyên liệu (S/C), cho dù họ đã tăng cường làm việc với các đầu mối và kiểm tra kỹ lưỡng, nhưng vẫn không an tâm sau khi đã chốt mua xong nguyên liệu.
“Việc các doanh nghiệp mua nguyên liệu xong không được cấp S/C, là nằm ở các khâu phía trước đó nên họ khó có thể biết được, như việc xác nhận điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) tàu cá, hay việc tàu cá khai thác ở vùng biển không đúng quy định…. Cho dù những tàu cá này vẫn được phép ra khơi khai thác, được kiểm tra và cho phép cập cảng bình thường”, bà Lan cho biết thêm.
Mặt khác, từ 2-3 tháng nay có khá nhiều các tàu cá lắp đặt hệ thống giám sát qua mạng VNPT bị lỗi liên tục, khiến tàu cá mất kết nối giám sát hành trình từ 6 tiếng trở lên, có tàu mất đến 2-3 ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến khâu làm giấy S/C của doanh nghiệp.
Đại diện cho Hiệp hội VASEP, bà Lan nêu 3 kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp, cụ thể:
Thứ nhất, các tỉnh, địa phương triển khai tốt và kịp thời việc xác nhận điều kiện ATTP tàu cá, cảng cá, cũng như thực hiện nghiêm việc cho phép xuất bến-cập bến của tàu cá khi không đủ các điều kiện như pháp luật đã quy định.
Kiến nghị Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn xem xét sửa đổi quy định, để có thể cấp giấy xác nhận nguyên liệu S/C ngay cho doanh nghiệp khi đã họ hoàn thành việc bốc dỡ nguyên liệu từ tàu cá, có sự giám sát của nhân viên cảng về chủng loại, khối lượng... tại cảng cá; có hướng dẫn, chỉ đạo việc giải quyết giấy S/C cho những trường hợp tàu cá bị mất kết nối do lỗi của nhà cung cấp dịch vụ được xác nhận.
Kiến nghị Bộ thiết lập số hóa hệ thống dữ liệu đầu vào nguyên liệu, liên thông từ cảng cá đến trung ương. Đây là việc rất quan trọng cho công tác quản lý, là thông tin cơ bản để chính phủ và bộ có các chỉ đạo, và quyết sách phù hợp.
“Hy vọng là phần mềm hệ thống Truy xuất nguồn gốc điện tử mà Cục Thủy sản đang hướng dẫn cho các tỉnh sử dụng sẽ hỗ trợ được đáng kể vấn đề này”, bà Lan nói.
Thứ hai, các doanh nghiệp cá ngừ đã cùng VASEP chủ động nghiên cứu để tuân thủ tốt Nghị định 37/2024 mới ban hành và có hiệu lực từ ngày 19/5/2024. Tuy nhiên, doanh nghiệp hết sức băn khoăn, quan ngại khi thấy một vài quy định tại Nghị định 37 chưa phù hợp, thiếu khả thi có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sản xuất và xuất khẩu bình thường.
Ví dụ, quy định kích thước tối thiểu cho phép khai thác cá ngừ vằn 500mm (1/2 mét) là hoàn toàn không phù hợp với thực tế. Size 500mm trở lên chỉ chiếm tỷ lệ trung bình 5-7% trong các lô khai thác ngừ vằn hiện nay, tiêu chuẩn thương mại quốc tế bình thường hiện nay nhỏ hơn rất nhiều, và đặc biệt chưa thấy quốc gia nào quy định cấm khai thác ngừ vằn nhỏ hơn 500mm.
Quy định này sẽ khiến từ ngư dân phải thay đổi lưới có kích thước mắt lưới đáp ứng, các tổ chức quản lý cảng cá thêm tiêu chí “ngư cụ” vào phần kiểm tra cấp phép xuất bến -cập bến và các doanh nghiệp thì sẽ không có nguồn nguyên liệu ngừ vằn để thu mua sản xuất xuất khẩu.
Ngoài ra, quy định “Không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu” cũng gây nhiều khó khăn.
Hiện doanh nghiệp lúng túng và hoang mang bởi không thấy định nghĩa “trộn lẫn….trong cùng 1 lô xuất khẩu” trong các văn bản pháp lý liên quan từ Luật Thủy sản đến Nghị định 37.
Bà Lan cho biết, thực tế trong giao thương xuất khẩu quốc tế xưa nay, việc ghép container (các thùng hàng hóa khác nhau) hoặc trộn nhiều loại sản phẩm khác nhau trong một sản phẩm đặc thù là việc hết sức bình thường khi mà doanh nghiệp luôn có hồ sơ và kiểm soát tốt từng loại sản phẩm khác nhau.
Thứ ba, tại Quyết định 5523 ký ngày 21/12/2023 của Bộ NN-PTNT và Nghị định 37 của Chính phủ, trong đó có một số quy định và yêu cầu mới liên quan tới vấn đề nhập khẩu nguyên liệu để chế biến, xuất khẩu vào EU và nhập khẩu nguyên liệu bằng container, gây tâm lý e ngại khó đáp ứng được khi phát sinh thêm nhiều yêu cầu về chứng từ có liên quan.
Yêu cầu chứng nhận trên H/C, yêu cầu chứng từ C/C, giấy phép khai thác, thời gian khai báo trước khi tàu cập cảng (72 giờ với tàu cá nước ngoài, 48 giờ với tàu container khá dài cho các chặng đến từ các cảng Đông Nam Á)..., một số quốc gia và nhà cung cấp đã từ chối các yêu cầu mới này, đồng nghĩa Việt Nam sẽ mất đi nguồn cung.
"Các doanh nghiệp mong mỏi cơ quan chức năng trong thực thi các yêu cầu mới cần linh hoạt, vừa có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường vừa tránh gây tác động khó khăn thêm đối với các nhà cung cấp, hạn chế và ngăn ngừa chuỗi cung ứng nguyên liệu không còn "cập bến" vào Việt Nam mà dịch chuyển về lại Thái Lan, quay lại thời kỳ 10 năm trước đây", bà Lan nhấn mạnh.