Quốc gia mua gạo lớn nhất của Việt Nam muốn khôi phục quyền nhập khẩu gạo của NFA: Doanh nghiệp nói gì?
Thượng viện Philippines đồng ý sửa Luật Thuế quan gạo (RTL), nhưng chưa chịu khôi phục hồi quyền nhập khẩu của Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) như tờ trình của Hạ viện.
Thượng viện và Hạ viện Philippines sẽ đạt thỏa thuận thông qua dự luật sửa đổi RTL?
Liên quan đến nhu cầu thực tế và an ninh lương thực quốc gia, trước đây, Chính phủ Philippines giao cho NFA mở thầu nhập khẩu gạo tập trung theo hình thức G2G (cơ chế liên Chính phủ) hoặc G2P (Chính phủ - tư nhân), nên mặt hàng gạo không phải chịu thuế nhập khẩu.
Dưới thời chính quyền Tổng thống Duterte đã bãi bỏ quyền quản lý của NFA đối với lĩnh vực gạo, bao gồm khả năng cấp phép cho các bên tham gia thị trường, kiểm tra kho hàng và giám sát biến động tồn kho, đồng thời tự do hóa nhập khẩu gạo.
Vào đầu tháng 6/2024, Tổng thống Philippines, ông Ferdinand Marcos Jr. đã phê duyệt việc giảm thuế nhập khẩu đối với gạo, than đá và các mặt hàng cơ bản khác.
Trong khi đó, Hạ viện Philippines lại đang quyết tâm sửa đổi Luật Thuế quan gạo (RTL), vì cho rằng mục tiêu giảm giá gạo thông qua sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các thương nhân thương mại đã không đạt được kết quả như mong muốn.
Khôi phục quyền nhập khẩu của NFA là một điều khoản quan trọng đã được Hạ viện phê duyệt. Các nhà lãnh đạo Hạ viện tin rằng, việc cho phép NFA tái gia nhập thị trường gạo trong nước sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh với các thương nhân thương mại, có khả năng làm giảm giá gạo.
Ngoài việc tìm kiếm sửa đổi RTL, Chính phủ Philippines đã giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống 15%, một biện pháp nhằm hạ giá gạo. Việc giảm thuế dự kiến kéo dài đến năm 2028.
“Hạ viện và Thượng viện sắp đạt được thỏa thuận thông qua dự luật sửa đổi Luật Thuế quan gạo (RTL)”, Chủ tịch Hạ viện Philippines - ông Martin Romualdez cho biết hôm 16/6, sau cuộc gặp chính thức đầu tiên với Chủ tịch Thượng viện Francis “Chiz” Escudero.
Dự luật được đề xuất tại Hạ viện cho phép NFA mua và bán gạo trong các trường hợp khẩn cấp và tăng hỗ trợ năng suất cho nông dân lên 15 tỷ Peso.
Đạo luật RTL có hiệu lực từ ngày 5/3/2019 đã thay thế các hạn chế định lượng đối với gạo nhập khẩu bằng mức thuế từ 35 - 40%. RTL cũng hạn chế chức năng của NFA với tư cách là cơ quan dự trữ gạo đệm, đảm bảo lượng gạo dự trữ khẩn cấp được mua độc quyền từ những người trồng lúa địa phương.
Doanh nghiệp thích bán gạo cho thương nhân Philippines hơn
Nhận xét về việc mua bán gạo với thương nhân Philippines và NFA trong trường hợp NFA được phép nhập khẩu gạo trở lại, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành IV cho biết, trước đây, NFA mở thầu cung cấp gạo dạng G2G, nên các công ty nhà nước của Việt Nam tham gia đấu thầu là chính. Bây giờ, nếu cả thương nhân và NFA cùng mua gạo Việt Nam, thì các doanh nghiệp sẽ chọn bán cho thương nhân.
Theo ông Thành, bán cho thương nhân Philippines thì tiến trình đàm phán sẽ nhanh hơn, thanh toán nhanh mà lượng bán hàng không lớn, khoảng 3.000, 5.000 hoặc 10.000 tấn. Như vậy, giao dịch trên từng hợp đồng sẽ rất nhanh chỉ trong vòng 1 tháng là xong.
Trong khi NFA thường mua hàng với số lượng lớn, từ 30.000 - 50.000 tấn, và dù doanh nghiệp có đủ lượng gạo bán nhưng với tâm lý lo ngại bán khối lượng lớn sẽ có rủi ro nhiều hơn, áp lực tài chính cũng lớn hơn và cùng nhiều vấn đề khác nên họ chọn bán với thương nhân.
“Giả sử, bên mua sử dụng cả 2 hình thức cho tư nhân và NFA cùng nhập khẩu gạo, doanh nghiệp Việt Nam vẫn ưu tiên chọn bán cho tư nhân hơn là bán cho NFA. Bán cho thương nhân thì quá trình đàm phán diễn ra nhanh và mau chóng chốt hợp đồng, vì họ không phải xin ý kiến của ai. Giao dịch với NFA, là công ty nhà nước nên phải mất thời gian chờ xin ý kiến của các bên liên quan”, ông Thành nói.
Năm 2024, Philippines có thể nhập khẩu 4,6 triệu tấn gạo, cao hơn dự báo ban đầu
Mới đây, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã điều chỉnh dự báo nhập khẩu gạo của Philippines trong năm 2024 và 2025, tăng thêm 500.000 tấn. Do đó, nước này sẽ vẫn là nước mua gạo hàng đầu thế giới trong những năm này.
Trong một báo cáo USDA vừa công bố, nhập khẩu gạo của Philippines trong năm 2024 có thể đạt tới 4,6 triệu tấn trong khi nhập khẩu gạo năm 2025 có thể lên tới 4,7 triệu tấn.
USDA trích dẫn mức tiêu thụ ngày càng tăng của Philippines với mức thuế giảm nhập khẩu gạo của chính quyền Ferdinand Marcos Jr. là lý do chính cho dự báo điều chỉnh.
Tháng 5 năm ngoái, USDA đưa ra dự báo, ước tính Philippines chỉ sẽ nhập khẩu tối đa 4,1 triệu tấn gạo cho năm 2024 và 4,2 triệu tấn cho năm 2025.
Theo dữ liệu từ Cục Công nghiệp Thực vật, tính đến ngày 6/6 có 2,174 triệu tấn gạo nhập khẩu đã được chuyển đến Philippines.
Trong đó, phần lớn nguồn cung gạo nhập khẩu đến từ Việt Nam, với 1,59 triệu tấn, chiếm 73%; kế đến là từ Thái Lan với 339,670 nghìn tấn, Pakistan với 148,618 nghìn tấn, …