Thị trường

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Ngân hàng Nhà nước có khả năng đáp ứng nhu cầu về vàng

Minh Ngọc 18/06/2024 09:46

Đây là nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, khi chia sẻ với Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ về diễn biến thị trường vàng hiện nay, cũng như các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm ổn định thị trường vàng thời gian qua.

ts.-tran-tri-hieu.jpg

Đây là nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, khi chia sẻ với Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ về diễn biến thị trường vàng hiện nay, cũng như các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm ổn định thị trường vàng thời gian qua.

Phóng viên: Dưới góc nhìn chuyên gia về tài chính - ngân hàng, ông đánh giá như thế nào về diễn biến thị trường vàng hiện nay?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trước bối cảnh thị trường vàng diễn biến hết sức phức tạp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động, linh hoạt trong điều hành các chính sách, can thiệp kịp thời và thành công kéo giá vàng trong nước về tiệm cận giá vàng thế giới. Nhờ các giải pháp can thiệp của NHNN đã đưa giá vàng từ mức 92,4 triệu đồng/lượng (ngày 10/5), giảm xuống còn 76,98 triệu đồng/lượng (tính đến ngày hôm nay 18/6 - PV), chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới giảm xuống còn 5 – 6 triệu đồng/lượng - đây là mức chênh lệch hợp lý.

Tuy nhiên, số người có thể mua được vàng hiện còn khiêm tốn do nguồn cung chưa đáp ứng sức cầu của thị trường vàng, dẫn đến một số biến tướng đang xảy ra như có đối tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế. Điều này cho thấy, vẫn còn một chặng đường để đạt đến mục tiêu phát triển và ổn định thị trường vàng.

Phóng viên: Ông nhận định như thế nào về các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước đối với thị trường vàng thời gian qua?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Với giải pháp bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước nhằm ổn định thị trường vàng, NHNN đã đạt được mục tiêu về giá, còn mục tiêu hài hòa cung – cầu vẫn cần tiếp tục triển khai.

Tại cuộc họp về chính sách quản lý thị trường vàng và bàn sửa đổi Nghị định số 24/2012/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định số 24) mới đây, NHNN cho biết, sẽ đáp ứng nhu cầu về vàng trên toàn lãnh thổ. Tôi tin rằng, NHNN có khả năng làm được điều đó với nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào. Đồng thời, NHNN cũng có đủ khả năng và biện pháp để tiếp tục bình ổn thị trường vàng.

Phóng viên: Từng có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở Mỹ và một số nước phát triển khác. Vậy, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số nước trên thế giới mà Việt Nam có thể tham khảo?

Việc sở hữu một số lượng vàng nào đó mang về nhà cất giữ không phù hợp với xu hướng quốc tế.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tôi thấy rằng, người dân Việt Nam đang có những thói quen giữ vàng không theo thông lệ quốc tế như gom vàng và cất giữ tại nhà. Còn tại các nước tiên tiến, cụ thể như ở Mỹ, người dân không có thói quen mua vàng miếng, vàng vật chất do chứa đựng nhiều rủi ro liên quan đến vấn đề an ninh và người mua vàng phải mua bảo hiểm.

Phần lớn nhà đầu tư vàng ở Mỹ thường mua chứng chỉ vàng tại thị trường chứng khoán và các công ty kinh doanh vàng sẽ phát hành chứng chỉ vàng chứ không trao vàng vật chất đến tay nhà đầu tư. Những chứng chỉ này có chứng nhận số lượng và giá trị vàng rõ ràng, minh bạch và có giá trị lên xuống tùy theo thị trường. Việc sử dụng chứng chỉ vàng có những ưu điểm là an toàn, tiện lợi, không sợ vàng giả, vàng thiếu tuổi, thiếu trọng lượng, không mất phí gia công dập ra vàng miếng.

Theo tôi, đây là giải pháp Việt Nam nên học hỏi để góp phần quản lý thị trường vàng. Các cơ quan quản lý nên cân nhắc cho phép các nhà kinh doanh vàng có thể phát hành chứng chỉ vàng được trao tay trên thị trường thứ cấp, tránh việc sở hữu một số lượng vàng nào đó mang về nhà cất giữ. Đây là giải pháp được nhiều nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng rất hiệu quả.

Việt Nam cũng đã thành công trong việc chống vàng hóa nền kinh tế. Kể từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời, hiện tượng vàng hóa đã được tiêu trừ. Người dân không còn đổ xô vào đầu tư vàng và thanh toán bằng vàng, các ngân hàng cũng không được huy động vàng và cho vay vàng. Có thể thấy, hiện tượng vàng hóa trong các hoạt động kinh tế ngày nay không còn.

Phóng viên: Để thị trường vàng phát triển lành mạnh và ổn định, theo ông, giải pháp trước mắt cũng như lâu dài của Chính phủ, NHNN là gì? Vì sao?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Để thị trường vàng phát triển lành mạnh và ổn định, theo tôi, trước mắt, cần có lượng vàng đủ để đáp ứng nhu cầu vàng khi mà giá vàng đang kéo xuống rất sâu như hiện nay. Khi cung và cầu quân bình với nhau, giá vàng và thị trường sẽ đạt được mục tiêu ổn định.

Về dài hạn, Nghị định 24 cần thay đổi theo hướng: 1) Thương hiệu vàng quốc gia của SJC cần được xóa bỏ để các nhà kinh doanh vàng cạnh tranh bình đẳng trên thị trường vàng; (2) Trao lại quyền nhập khẩu vàng cho doanh nghiệp kinh doanh vàng nhưng dưới sự định hướng của NHNN.

Khi các vấn đề trên được giải quyết, thị trường vàng trong nước sẽ phát triển và ổn định. Tâm lý găm giữ vàng, đầu tư vàng trong dân cũng sẽ thay đổi.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Ngọc