Hoạt động ngân hàng

Sóc Trăng: Kích cầu tăng cho vay vốn hỗ trợ khách hàng

ThS. Trần Trọng Triết 19/06/2024 17:30

Ngành Ngân hàng tỉnh Sóc Trăng phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều buổi làm việc, trao đổi, đối thoại giữa ngân hàng với khách hàng, trong đó có các buổi làm việc trực tiếp giữa ngân hàng và khách hàng... để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cơ cấu nợ, giảm lãi suất, giải ngân các gói tín dụng, nhằm tiếp thêm nguồn lực tài chính giúp doanh nghiệp đầu tư phục hồi sản xuất kinh doanh.

agribank-giam-lai-suat-cho-vay..jpeg
Sóc Trăng: Kích cầu tăng cho vay vốn hỗ trợ khách hàng

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Sóc Trăng đã bám sát chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn, tổ chức triển khai các nhiệm vụ của ngành gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong đó, tập trung chỉ đạo, đôn đốc các ngân hàng triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Triển khai đầy đủ, kịp thời các giải pháp điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước nhằm kéo giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, triển khai nhiều chương trình, gói tín dụng có lãi suất ưu đãi thấp hơn 1 - 2,5% so với mức lãi suất cho vay thông thường đối với người dân và doanh nghiệp.

Theo bà Trương Thị Bạch Thủy, Giám đốc Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết, huyện Châu Thành, sau thời gian dài khó khăn, hợp tác xã đã tiếp cận được nguồn vốn vay 500 triệu đồng với lãi suất ưu đãi từ sự hỗ trợ của các sở, ngành và chính quyền địa phương. Nhờ đó đã giúp hợp tác xã giải quyết phần nào khó khăn về nguồn vốn sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Còn ông Trần Vũ Phương, Giám đốc Hợp tác xã Thanh Phú, huyện Mỹ Xuyên cho biết, khi có được nguồn vốn vay ưu đãi, đơn vị đầu tư mua thêm máy móc, nguyên liệu, nhờ đó hoạt động sản xuất, kinh doanh có sự chuyển biến rõ nét. Hiện hợp tác xã đang có đơn hàng tiềm năng trị giá khoảng 4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Phương cũng rất lo lắng vì sợ không đủ nguồn lực đáp ứng do thời gian gối đầu đơn hàng kéo dài, gây khó cho hợp tác xã trong xoay đồng vốn. Vì vậy, hợp tác xã rất mong muốn được tiếp cận vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng trong tỉnh để phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Theo báo cáo từ Agribank chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, kể từ ngày 26/3/2024 đến 30/6/2024, đối với dư nợ phát sinh mới Agribank áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn không quá 9%/năm; trung dài hạn không quá 10%/năm áp dụng đối với kỳ lãi suất đầu tiên. Với mức lãi suất cho vay hiện nay, Agribank tiếp tục chuyển tải thông điệp mạnh mẽ nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tối ưu chi phí vay, kịp thời bổ sung nguồn vốn tái cơ cấu hoạt động, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Trong đợt giảm lãi suất lần này, Agribank chi nhánh tỉnh Sóc Trăng đã điều chỉnh giảm lãi suất 18.281 khoản vay với dư nợ được giảm lãi tương đương 2.572 tỷ đồng.

Agribank cũng luôn thực hiện tốt vai trò chủ đạo, tiên phong, dẫn dắt thị trường theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước; đi đầu trong việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ trực tiếp các đối tượng khách hàng, chủ động nắm bắt, tháo gỡ khó khăn của người dân trong tiếp cận vốn.

Ngoài ra, Vietbank - một ngân hàng khác đóng trên địa bàn tỉnh, cũng đã thực hiện rất tốt chức năng huy động vốn, cung ứng vốn cho nền kinh tế của tỉnh và đặc biệt là sự đóng góp cho nguồn thu ngân sách của tỉnh nhà. Từ nguồn vốn cho vay của đơn vị đã giúp cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có điều kiện mở rộng và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Sóc Trăng đến nay, dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đạt 129.310 tỷ đồng, có 1.158 doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng, với dư nợ cho vay là 21.631 tỷ đồng, tăng 6.302,4 tỷ đồng.

Thấu hiểu, chia sẻ những khó khăn, ngành Ngân hàng đã đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Các giải pháp hỗ trợ được triển khai một cách chặt chẽ, quyết liệt, đặc biệt là các giải pháp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp kéo giãn thời gian trả nợ, không bị chuyển nợ xấu làm hạn chế khả năng tiếp cận các nguồn vốn ngân hàng. Triển khai các giải pháp nhằm kéo giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Cụ thể, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc tinh thần của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, ngày 23/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước, quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Theo ông Phạm Kim Hùng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 738 lượt khách hàng với dư nợ được cơ cấu là 435 tỷ đồng.

Dự báo tới đây tình hình kinh tế tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Khó khăn là không tránh khỏi nhưng cơ hội vẫn đan xen. Cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh cần tranh thủ thời cơ và để thành công rất cần sự đồng hành, tiếp sức của các tổ chức tín dụng, giúp doanh nghiệp có nguồn lực tài chính ổn định, lãi suất phù hợp để phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Sóc Trăng.

ThS. Trần Trọng Triết