Hoạt động ngân hàng

Đồng Nai: Lan toả chương trình tín dụng chính sách

ThS. Trần Trọng Triết 21/06/2024 - 08:09

Với việc được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, mua nhà ở xã hội… cuộc sống của nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đổi thay.

Đáng chú ý, cùng với nguồn vốn cân đối từ trung ương, mỗi năm tỉnh Đồng Nai luôn chủ động bố trí nguồn vốn địa phương phục vụ hoạt động cho vay tín dụng chính sách của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Đồng Nai. Điều này góp phần tăng cường “sức mạnh” về vốn ưu đãi và hoạt động cho vay vốn tín dụng chính sách trên địa bàn.

Những năm gần đây, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác chuyển sang đều đạt trên 200 tỷ đồng/năm. Qua đó, Đồng Nai là 1 trong 6 tỉnh, thành phố có nguồn vốn ngân sách địa phương chiếm tỷ lệ lớn trong hệ thống NHCSXH.

Có được nguồn vốn NHCSXH chi nhánh Đồng Nai đã cho vay các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và các đối tượng khác đến nay đạt tổng dư nợ tín dụng chính sách đang cho vay và quản lý là hơn 5,3 nghìn tỷ đồng. Trong số này có 1,37 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện) ủy thác chuyển sang NHCSXH.

giai-ngan-von-tin-dung-chinh-sach-cho-nguoi-dan..jpg
Đồng Nai: Lan toả chương trình tín dụng chính sách

Theo báo cáo từ NHCSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai, tính đến cuối tháng 5/2024 đã có 69 khách hàng được thông báo đủ điều kiện được vay mua nhà ở xã hội với tổng số tiền gần 51 tỷ đồng.

Nhằm tạo sự chủ động trong nguồn vốn cho vay, NHCSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã chủ động tham mưu UBND tỉnh chuyển vốn ủy thác ngay từ những tháng đầu năm. Tính đến thời điểm hiện tại, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua hệ thống NHCSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai đạt 214 tỷ đồng, hoàn thành 107% kế hoạch năm.

Trong số này, thành phố Biên Hòa là đơn vị cấp huyện có số vốn ngân sách ủy thác chuyển sang hệ thống NHCSXH cao nhất với 10 tỷ đồng. Các đơn vị xếp sau là huyện Trảng Bom với 7 tỷ đồng, 2 huyện Long Thành và Vĩnh Cửu cùng ở mức 6 tỷ đồng; thành phố Long Khánh, huyện Nhơn Trạch, huyện Thống Nhất đều đã ủy thác số tiền 5 tỷ đồng; riêng các huyện: Tân Phú, Xuân Lộc, Định Quán, Cẩm Mỹ đều đã bố trí chuyển 4 tỷ đồng.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy tác dụng tích cực, giúp dân tự tạo việc làm, chăm lo học tập cho con em, xây dựng các công trình cơ bản phục vụ cuộc sống… Nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay này của người dân rất lớn. Mỗi năm, chính quyền địa phương đều chủ động điều tiết ngân sách địa phương để ủy thác sang hệ thống NHCSXH ngay từ đầu năm.

Bên cạnh đó, NHCSXH còn chủ động huy động vốn từ nguồn tiền nhàn rỗi tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân để tham gia gửi tiết kiệm vào hệ thống NHCSXH tỉnh. Điều này giúp bổ sung thêm nguồn vốn cho vay của đơn vị.

Ông Lê Bá Chuyên, Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai chia sẻ, lãi suất của khoản tiền gửi tiết kiệm tại hệ thống NHCSXH bằng với các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn tỉnh. Việc gửi tiết kiệm vào hệ thống NHCSXH còn góp sức cùng Nhà nước thực hiện chương trình an sinh xã hội trong việc giúp thêm nhiều gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn tiếp cận được vốn tín dụng chính sách.

Thời gian qua, đã có nhiều cá nhân, tập thể gửi tiết kiệm vào đơn vị, NHCSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai rất trân trọng sự chung tay này và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân.

Cùng với sự chủ động bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương, thu hút tiền gửi tiết kiệm trong dân, tại Đồng Nai, cả hệ thống chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở còn tích cực tham gia vào quá trình thực hiện cho vay và quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách.

Nhờ đó chất lượng tín dụng chính sách luôn duy trì và đảm bảo với tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh toàn tỉnh đang ở mức dưới 0,20% và thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.

Đặc biệt, để làm tốt công tác giám sát quá trình cho vay tín dụng chính sách, NHCSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai, phòng giao dịch các huyện, thành phố còn chủ động ký kết chương trình phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang cho biết, việc ký kết giữa 2 đơn vị là cơ sở để tăng cường công tác triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh theo hướng hiệu quả, tích cực.

Theo đó, MTTQ Việt Nam tỉnh cùng các tổ chức thành viên sẽ phối hợp vì mục tiêu chung là hỗ trợ người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống thông qua nguồn vốn chính sách; đảm bảo nguồn vốn chính sách phát huy hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách; Phong trào “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đồng thời, huy động các nguồn lực cho Quỹ Vì người nghèo và bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH. Tăng cường giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách…

Đặc biệt, từ khi có Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, từ nguồn vốn tín dụng chính sách NHCSXH chi nhánh tỉnh đã cho vay 94 người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh được vay vốn với số tiền hơn 7 tỷ đồng.

Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai ông Lê Bá Chuyên cho biết, tới đây đơn vị đang tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông đưa thông tin về chương trình tín dụng chính sách đến với người dân nhằm giúp hộ nghèo, cận nghèo và các trường hợp khó khăn khác dễ dàng tiếp cận các chương trình cho vay.

Tiếp tục phối hợp trao đổi thông tin, tập huấn, phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù; rà soát, lập danh sách các đối tượng đủ điều kiện vay vốn theo chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật, đảm bảo đúng người, đúng đối tượng và đủ điều kiện vay vốn. Đồng thời, phối hợp thực hiện các giải pháp nhằm hướng dẫn, giúp người được vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, đảm bảo thu hồi nợ, bảo toàn nguồn vốn tín dụng nhà nước theo quy định.

ThS. Trần Trọng Triết