Bộ Tài chính Mỹ đánh giá cao điều hành tỷ giá, tiền tệ của Việt Nam
Trong báo cáo mới công bố, Bộ Tài chính Mỹ đưa ra những nhận định tích cực về chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam, đồng thời kết luận không có nền kinh tế đối tác nào của Mỹ thao túng tiền tệ.
Vào ngày thứ Năm, ngày 20/6, trong báo cáo bán niên mới được công bố, Bộ Tài chính Mỹ khẳng định trong năm 2023, không có nền kinh tế đối tác nào của Mỹ thao túng tiền tệ.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ vẫn đưa thêm Nhật vào “danh sách theo dõi” cùng với Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Singapore và Đức vốn đã ở trong danh sách từ trước đó.
Cụ thể, Bộ Tài chính Mỹ cho biết dựa trên phân tích kỹ lưỡng và toàn diện về các hành vi ngoại hối, không có nước nào trong danh sách trên có đủ tiêu chí để bị xếp vào diện “thao túng tiền tệ”, tính trong khoảng thời gian 4 quý kết thúc vào cuối tháng 12/2023.
Theo quan điểm của Bộ Tài chính Mỹ, một nước sẽ bị đưa vào danh sách theo dõi nếu đáp ứng hai trong ba tiêu chí như sau: thặng dư thương mại với Mỹ ít nhất 15 tỷ USD, thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu trên 3% GDP, mức độ can thiệp một chiều vào thị trường ngoại hối tương đương trên 2% GDP trong vòng 12 tháng.
Bộ Tài chính Mỹ cho rằng Nhật, Đài Loan, Việt Nam và Đức có tiêu chí thuộc nhóm trên bao gồm thặng dư thương mại và thặng dư tài khoản vãng lai cao vượt mức bình thường.
Cũng trong báo cáo này, Bộ Tài chính Mỹ đưa ra nhận xét tích cực với kết quả điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam.
Việt Nam là một trong 7 nền kinh tế (cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Singapore và Đức) ở "danh sách giám sát" khi có hai tiêu chí vượt ngưỡng, gồm thặng dư hàng hóa song phương và thặng dư cán cân vãng lai.
Tính đến cuối 2023, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam tương đương khoảng 5,8% GDP. Cụ thể, cán cân vãng lai gồm cán cân thương mại (thể hiện chênh lệch kim ngạch xuất nhập khẩu); chênh lệch khoản thu chi dịch vụ từ nước ngoài; thu nhập ròng từ người lao động, nhà đầu tư từ nguồn nước ngoài. Qua đó, cán cân vãng lai thể hiện những giao dịch hàng hóa, dịch vụ giữa người cư trú trong nước và ngoài nước.
Cán cân tài khoản vãng lai của Việt Nam quay trở lại thặng dư đáng kể sau khi thâm hụt vào năm 2021 và 2022 do những dạn chế sản xuất giai đoạn COVID-19 đẩy giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao.
Xuất khẩu hàng hoá năm 2023 thấp hơn các năm trước nhưng cán cân thương mại tăng do nhập khẩu phục hồi chậm hơn khi các nhà máy điều chỉnh giảm đơn đặt hàng từ nước ngoài. Thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam cũng được hỗ trợ bởi phục hồi của du lịch nội địa, kiều hối tăng và nhà đầu tư nước ngoài giảm chuyển lợi nhuận về nước.
Tính ở thời điểm cuối năm 2023, thặng dư thương mại hàng hóa song phương của Việt Nam với Mỹ đạt 103 tỷ USD vào vào cuối 2023. Theo Bộ Tài chính Mỹ, thặng dư thương mại song phương của Việt Nam với Mỹ tăng đáng kể trong 5 năm qua, chủ yếu nhờ thương mại hàng hóa, dẫn đầu là các mặt hàng điện tử và máy móc mặc dù mức tăng có sự chững lại. Việt Nam hiện là nước có thặng dư hàng hóa lớn thứ ba với Mỹ.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính Mỹ có những trao đổi rất sát sao về chính sách. Ngân hàng Nhà nước mua ròng ngoại hối trong 4 quý (tính đến tháng 12/2023) khoảng 7 tỷ USD, tức 1,5% GDP. Bất chấp áp lực giảm giá đáng kể đối với tiền đồng vào cuối năm, phần lớn là kết quả của sự phát triển kinh tế vĩ mô toàn cầu của Mỹ và toàn cầu, Việt Nam đã mua ròng ngoại hối ở mức độ vừa phải vào đầu năm 2023 nhằm tái tích lũy dự trữ ngoại hối, theo đánh giá của Bộ Tài chính Mỹ.
Tháng 7/2021, Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đạt được thỏa thuận giải quyết những lo ngại của Bộ Tài chính về các thông lệ tiền tệ của Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước khẳng định cam kết hiện đại hóa và nâng cao tính minh bạch của chính sách tiền tệ và khuôn khổ quản lý tỷ giá hối đoái, không sử dụng chính sách tỷ giá để đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh về thương mại.