Nhìn ra thế giới

Trung Quốc cần tăng cường tiêu dùng để phục hồi kinh tế toàn diện?

M.N 25/06/2024 13:30

Theo ông Zheng Xinli, cựu Phó Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, người đã tham gia soạn thảo 4 văn kiện cải cách được đưa ra tại các phiên họp toàn thể của Đảng Cộng sản Trung Quốc trước đó, nên tăng thu nhập hộ gia đình và cải thiện hệ thống an sinh xã hội để kích thích tiêu dùng. Bên cạnh đó, chính quyền không nên vội vàng áp đặt các hạn chế đối với việc mua các mặt hàng có giá trị lớn như nhà ở và ô tô.

Nhà nghiên cứu này cho biết: “Điều kiện thị trường của các sản phẩm như nhà ở và ô tô có tác động lớn hơn đến sự ổn định kinh tế”. Nhận xét này đã được đưa ra trong một bài bình luận vào tháng trước trên tờ tạp chí nghiên cứu của Trường Đảng Trung ương.

“Chúng ta cần cải thiện việc quản lý sản xuất và các kênh bán hàng, không nên áp đặt các hạn chế hành chính một cách vội vàng và cần tạo môi trường chính sách thuận lợi cho sự phát triển bền vững của ngành bất động sản và ô tô.”

Hiện tại, kỳ vọng về cải cách kinh tế đang cao khi sản lượng đầu ra của các nhà máy, hoạt động mua bất động sản và chi tiêu của người tiêu dùng sụt giảm đang cản trở sự phục hồi toàn diện sau đại dịch COVID-19 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tháng trước, Trung Quốc đã công bố một số biện pháp nhằm giúp ổn định thị trường bất động sản, bao gồm cả việc bơm 300 tỷ Nhân dân tệ (41,3 tỷ USD) để giúp giải quyết lượng tồn kho còn dư. China News đưa tin, nhiều thành phố đã dỡ bỏ các hạn chế mua bất động sản được áp đặt trước đây, tính đến tháng 5, chỉ còn lại tỉnh đảo Hải Nam ở phía Nam và 5 trung tâm đô thị – bao gồm Thượng Hải và Bắc Kinh – duy trì một số hạn chế.

Tuy nhiên, gói giải cứu của Chính phủ vẫn chưa phát huy tác dụng khi giá nhà mới tiếp tục giảm trong tháng 5, mức giảm mạnh nhất trong gần 10 năm qua.

Nhà nghiên cứu này cũng kêu gọi mở rộng các lĩnh vực dịch vụ như giáo dục, du lịch, văn hóa, luật pháp và thể thao, cho rằng tất cả đều có “tiềm năng to lớn” để đóng vai trò là động lực tăng trưởng mới khi các trụ cột truyền thống đang chùn bước.

Trung Quốc đang vướng vào mối lo ngại về áp lực giảm phát khi nhu cầu trong nước vẫn còn yếu. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của quốc gia này thấp hơn hầu hết các nền kinh tế phương Tây và trái ngược với tình trạng lạm phát cao cao ở các quốc gia phương Tây khi giữ ở mức gần bằng 0 kể từ tháng 4 năm ngoái. CPI tháng 5/2024 tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước, vẫn còn kém xa mục tiêu 3% của chính phủ.

Trong khi đó, Chỉ số hiệu suất bán lẻ, thước đo tâm lý của ngành bán lẻ, đứng ở mức cao nhất trong 12 tháng là 50,4% trong tháng 4, phản ánh sự đảm bảo từ Bắc Kinh về việc sẽ mở rộng nhu cầu nội địa và thúc đẩy nền kinh tế nhiều hơn - vai trò trước đây thuộc về khu vực sản xuất.

Trong bài viết của mình, nhà nghiên cứu Zheng cho biết, tất cả các cấp giáo dục cần được cải thiện để phát triển “lực lượng sản xuất mới”. Thuật ngữ này đã được sử dụng thường xuyên hơn trong thuật hùng biện chính thức để mô tả các ngành công nghiệp mới nổi có thể trở thành trụ cột của tăng trưởng kinh tế, có tiêu chuẩn lao động và công nghệ tiên tiến, đồng thời sẽ đòi hỏi lực lượng lao động có trình độ và tay nghề cao.

Để giải quyết tình trạng thiếu nhân sự có tay nghề cao hiện nay và tỷ lệ thất nghiệp cao ở những người tốt nghiệp đại học, Trung Quốc nên đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, tăng lương và tạo cơ hội thăng tiến cho những người lao động có tay nghề cao, vị chuyên gia này nhận định.

Chuyên gia kinh tế này khuyến nghị việc thành lập các nhóm nghiên cứu công nghệ “siêu mạnh” và các doanh nghiệp có năng lực đổi mới, sử dụng chính sách thuế và tài chính để hỗ trợ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ cao.

M.N