236 tỷ USD vốn FDI đã đổ vào 5 nước ASEAN và Việt Nam trong năm 2023
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các nền kinh tế thuộc Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam tăng lên 236 tỷ USD so với ngưỡng trung bình chỉ 190 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022.
Đông Nam Á đang nổi lên như địa điểm hàng đầu cho những doanh nghiệp toàn cầu và cả những doanh nghiệp Trung Quốc cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh có phần gia tăng căng thẳng, theo nội dung bài báo mới được CNBC đăng tải.
Ông Kuo-Yi Lim, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Quỹ đầu tư mạo hiểm Monk’s Hill Ventures ở Đông Nam Á cho rằng, khu vực Đông Nam Á sẽ hưởng lợi rất lớn từ chiến lược Trung Quốc + 1, bởi cả doanh nghiệp đa quốc gia và doanh nghiệp Trung Quốc đều muốn có thêm địa điểm sản xuất mới.
Cũng theo ông Lim, căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung Quốc đã khiến cho quá trình này được đẩy nhanh hơn. Chiến lược “Trung Quốc + 1” được các doanh nghiệp đưa ra để giảm tối đa rủi ro liên quan đến việc quá phụ thuộc vào thị trường hoặc chuỗi cung ứng của Trung Quốc thông qua hoạt động đa dạng hóa địa điểm sản xuất, mở rộng ra thêm các nước khác nhưng vẫn duy trì hiện diện tại Trung Quốc.
Còn theo chuyên gia thuộc OCBC, khu vực ASEAN-6 đã hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực cũng như việc nhiều doanh nghiệp áp dụng chiến lược “Trung Quốc + 1”. FDI từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông chủ yếu vào các ngành sản xuất và dịch vụ nhóm nước này.
Trong xu thế này, CNBC nhận xét Việt Nam đã trở thành địa điểm sản xuất quan trọng cho Apple, bởi doanh nghiệp công nghệ hàng đầu nước Mỹ này đang muốn có thêm địa điểm sản xuất bên ngoài Trung Quốc.
Hiện tại, Apple đang sản xuất máy tính MacBook, máy tính bảng iPad và đồng hồ Apple tại Việt Nam.
Giám đốc Điều hành tại Quỹ Insignia Ventures Partners, ông Yinglan Tan, nhận xét: “Vị trí của Việt Nam sát với Trung Quốc khiến cho nước này trở thành điểm đến yêu thích của các doanh nghiệp, nó có thể làm giảm chi phí sản xuất đáng kể”.
Việt Nam đồng thời là trung tâm nghiên cứu và phát triển quan trọng của Samsung, cũng như địa điểm sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm điện thoại thông minh quan trọng.
Chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực Đông Nam Á tại Công ty Chứng khoán BofA Securities, ông Kai Wei Ang, nhận xét: “Việt Nam có nhiều lợi thế như chi phí lao động, điều kiện tiếp cận thị trường, các thỏa thuận thương mại tự do, chính vì vậy rất dễ để xuất khẩu từ Việt Nam sang các thị trường khác”.
Trong bối cảnh làn sóng đa dạng hóa địa điểm sản xuất được đẩy mạnh, đầu tư đã vào mạnh khu vực Đông Nam Á. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các nền kinh tế thuộc ASEAN bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam tăng lên 236 tỷ USD so với ngưỡng trung bình chỉ 190 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2020 - 2022, theo tính toán của chuyên gia ngân hàng OCBC trong báo cáo mới công bố. Nguồn vốn đầu tư này chủ yếu đến từ doanh nghiệp Mỹ, Nhật, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc đại lục và Hồng Kông.