Tây Ninh: Nhiều giải pháp mở rộng tín dụng đối với hợp tác xã
Chính sách tín dụng đối với hợp tác xã (HTX) đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của HTX trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, nâng cao quy mô, chất lượng hoạt động, hiệu quả kinh tế HTX và đời sống vật chất, lẫn tinh thần cho thành viên của HTX tại địa phương.
Hiện nay, tỉnh Tây Ninh có 185 HTX, với gần 40 nghìn thành viên. Doanh thu bình quân 1 HTX là 8,7 tỷ đồng/năm, lãi bình quân của HTX 350 triệu đồng/năm. Số HTX hoạt động hiệu quả 104/171 HTX đang hoạt động, chiếm 60%.
Nhìn chung, các HTX đã thay đổi cơ bản cả về chất lượng lẫn số lượng. Nhiều HTX hoạt động đúng bản chất, chú trọng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho thành viên. Các HTX đã thể hiện vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, công ăn việc làm, thu nhập cho các hộ gia đình, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng kinh tế khó khăn của tỉnh góp phần xây dựng nông thôn mới địa phương.
Để cải thiện việc tiếp cận tín dụng và tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế tập thể (KTTT), tỉnh tăng cường công tác phối hợp giữa Liên minh HTX tỉnh với các tổ chức tín dụng trên địa bàn, tổ chức tập huấn, hướng dẫn các HTX xây dựng phương án vay vốn phù hợp, thống nhất đơn giản hóa mẫu hồ sơ thủ tục vay vốn và hướng dẫn cụ thể quy trình cho HTX dễ dàng tiếp cận.
Phân công cán bộ theo dõi, phụ trách lĩnh vực KTTT ở cấp huyện, định kỳ khảo sát nhu cầu vay vốn của HTX; kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn các HTX làm phương án, hồ sơ thủ tục vay vốn.
Đẩy nhanh công tác tổ chức sắp sếp lại Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh theo Nghị định 45/2021/NĐ-CP để hoạt động phù hợp với quy định pháp luật; kịp thời điều chỉnh Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ, các quy chế, quy trình nghiệp vụ để tạo điều kiện cho các HTX và thành viên tiếp cận nhiều hơn nguồn vốn vay ưu đãi.
Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, việc tiếp cận tín dụng ưu đãi đối với khu vực KTTT chủ yếu thông qua Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, Quỹ HTX Trung ương. Đến nay, có 9 dự án của các HTX, tổ hợp tác (THT) trên địa bàn được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương và Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh với số tiền 6,5 tỷ đồng để phát triển sản xuất kinh doanh.
Các HTX nông nghiệp từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thu hút được nhiều lao động ở nông thôn tham gia. Chất lượng nông sản hàng hoá của các HTX ngày càng được nâng lên, sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, mẫu mã, bao bì phong phú.
Hợp tác xã giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp Bàu Ðồn (HTX Bàu Đồn) được thành lập từ năm 2011, với 7 thành viên ban đầu, hoạt động ở lĩnh sản xuất lúa, bắp giống và cung cấp các loại vật tư, dịch vụ nông nghiệp.
Đến nay, HTX Bàu Đồn thu hút được 46 thành viên, với tổng diện tích sản xuất lên đến 70 ha, các thành viên đẩy mạnh cơ giới hoá, ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất theo hướng hàng hoá, HTX làm tốt vai trò liên kết, kết nối giữa người nông dân với doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm đầu ra ổn định.
Ông Nguyễn Văn Nhành, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp Bàu Ðồn cho biết, từ khi thành lập, HTX định hướng cho các thành viên tập trung chủ yếu vào sản xuất lúa xen canh cây bắp giống được ký hợp đồng liên kết sản xuất - bao tiêu với một số đơn vị sản xuất giống trong và ngoài tỉnh.
HTX còn là cầu nối giữa nông dân với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp lớn, bảo đảm cho các thành viên trong HTX được sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chất lượng, giá hợp lý, góp phần nâng cao năng suất cây trồng.
Theo ông Nhành, việc tập trung sản xuất giống cây trồng có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp là một hướng đi riêng của HTX Bàu Đồn, nhờ có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, với giá cả hợp lý, ổn định, nên xã viên HTX luôn an tâm sản xuất và nâng cao thu nhập, cuộc sống gia đình ổn định.
Vấn đề trăn trở nhất là nguồn vốn của HTX được coi là “dòng máu” để lưu thông các hoạt động cũng như phát triển, mở rộng các dịch vụ sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả. Tuy nhiên, khó khăn về vốn đang là điểm nghẽn tại nhiều HTX hiện nay.
Ông Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh chia sẻ, trong công tác phối hợp cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, Liên minh HTX tỉnh đã giới thiệu nhiều HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, các HTX đều không đủ điều kiện để cấp tín dụng. Nguyên nhân là các HTX này chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hoặc phương án sản xuất, kinh doanh khi đề xuất vay vốn chưa mang tính khả thi; không có hồ sơ pháp lý, không có báo cáo tài chính hoặc báo cáo tài chính chưa hoàn thiện; phương tiện sản xuất, cơ sở vật chất của HTX chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh.
Từ đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh kiến nghị các ngành, các cấp liên quan có cơ chế hỗ trợ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ HTX về chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức bổ trợ; tạo điều kiện cho các HTX trong tỉnh tham gia học tập kinh nghiệm từ các mô hình HTX đạt hiệu quả cao ở các tỉnh bạn để có thể đáp ứng yêu cầu xây dựng hồ sơ pháp lý, hồ sơ kinh tế khi tiếp cận vốn vay ngân hàng.