Ngân hàng nỗ lực tìm giải pháp tăng trưởng tín dụng
Cùng với những tín hiệu tích cực của nền kinh tế, các ngân hàng cũng đang triển khai nhiều giải pháp để kích cầu vốn trong nền kinh tế… tin tưởng rằng tăng trưởng tín dụng thời gian tới sẽ khởi sắc.
Agribank tiếp tục triển khai quyết liệt, các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả
Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank)
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tăng khả năng tiếp cận vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, Agribank đã chỉ đạo chi nhánh với tinh thần và trách nhiệm cao nhất, quyết liệt triển khai các giải pháp để tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm. Thực hiện phân công các thành viên Ban Tổng Giám đốc trực tiếp chỉ đạo chi nhánh loại I thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2024 (Quyết định 433/QĐ-NHNo-TCNS ngày 04/3/2024). Đồng thời, ngân hàng cũng thực hiện cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong quy trình cho vay nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ, tiết giảm tối đa thời gian thẩm định, phê duyệt tín dụng; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại các địa phương.
Để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, Agribank đã thực hiện 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,3% - 0,6% so với đầu năm. Lãi suất huy động bình quân lũy kế giảm 1,05% so với đầu năm, lãi suất huy động bình quân phát sinh tháng 5/2024 giảm 0,75% so với tháng 12/2023.
Agribank cũng đã 3 lần điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn giảm từ 0,5%-1% so với đầu năm, lãi suất cho vay trung dài hạn giảm 1-1,5% so với đầu năm. Bên cạnh đó, Agribank áp dụng lãi suất cho vay trung dài hạn với mức lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 1-1,5% so với lãi suất cho vay cùng nhiều chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với từng đối tượng khách hàng.
Ngoài ra, ngân hàng thực hiện hỗ trợ giảm lãi suất cho vay trực tiếp đối với khách hàng hiện hữu và các khoản cho vay phát sinh mới. Lãi suất cho vay bình quân đến 31/5/2024 đã giảm 0,93% so với đầu năm, lãi suất cho vay phát sinh bình quân tháng 5/2024 đã giảm 1,06% so với tháng 12/2023.
Agribank đã dành khoảng 200.000 tỷ đồng để triển khai 10 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất với mức lãi suất thấp hơn từ 1% - 3% so với lãi suất cho vay thông thường, đối với nhiều đối tượng khách hàng: doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án đầu tư trung, dài hạn, khách hàng xuất nhập khẩu, khách hàng đầu tư sản xuất kinh doanh các sản phẩm OCOP, khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ hoạt động kinh doanh, tiêu dùng,...
Trong thời gian tới, bám sát chỉ đạo của Chính Phủ, NHNN; Agribank tiếp tục triển khai quyết liệt, các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực là động lực phát triển (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng), tiếp tục tiếp cận và đầu tư vốn đối với các dự ấn nhà ở xã hội, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (lúa gạo, lâm thuỷ sản ); tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất cho từng đối tượng khách hàng và có chính sách lãi suất phù hợp nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng; tăng cường công tác giám sát và thực hiện nghiêm túc kỷ luật trong xử lý vi phạm trong công tác cho vay.
Mục tiêu xuyên suốt của Vietcombank là hướng dòng vốn vào các dự án lớn, các dự án trọng điểm có tác động đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank)
Trong thời gian vừa qua, với bối cảnh tình hình thị trường, nền kinh tế hết sức khó khăn, Vietcombank nhận được sự chỉ đạo rất sát sao của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Các đơn vị vụ, cục thuộc NHNN đã kịp thời xử lý các đề xuất, kiến nghị của các NHTM để hỗ trợ tăng trưởng, đặc biệt là tăng trưởng tín dụng, tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng tại Vietcombank đến hết ngày 17/6/2024 mới chỉ tăng 2,4% so với cuối năm 2023.
Nguyên nhân tăng trưởng tín dụng chậm là do trong danh mục tín dụng bán lẻ, bán buôn của Vietcombank đều sụt giảm. Có nhiều khách hàng FDI, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu… do tình hình kinh tế thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn đến nhu cầu mua hàng trên toàn cầu sụt giảm đã ảnh hưởng đến nhu cầu tín dụng của nhóm khách hàng này; Còn đối với tín dụng bán lẻ, dư nợ tiêu dùng cho vay bất động sản chiếm phần lớn. Thời gian qua khó khăn về pháp lý, cung bất động sản ra thị trường hạn chế, thu nhập người dân bị giảm,... dẫn đến người dân e dè trong việc đầu tư mua sắm.
Nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm, Vietcombank sẽ cùng với các NHTM nhà nước sẽ tiên phong trong việc tiếp tục xem xét để giảm lãi suất cho vay, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay vô cùng khó khăn khi áp lực lãi suất huy động vốn đang tăng lên.
Hiện nay các thủ tục cấp tín dụng vô cùng đơn giản, bám sát các quy định về đảm bảo an toàn, không rườm rà, từ quá trình lập hồ sơ đến giải ngân cấp tín dụng đều ứng dụng công nghệ và xử lý nhanh theo định hướng.
Thời gian tới, với lĩnh vực bất động sản, Vietcombank sẽ tập trung lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp. Còn đối với sản xuất kinh doanh, mục tiêu xuyên suốt của Vietcombank là hướng dòng vốn vào các dự án lớn, các dự án trọng điểm có tác động đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Đồng thời, doanh nghiệp FDI và các khách hàng sản xuất hàng xuất khẩu vẫn là khách hàng mục tiêu và khách hàng mang tính đặc thù của Vietcombank thời gian tới.
Với cam kết cấp tín dụng trong thời gian tới, lộ trình tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đến hết ngày 30/6 dự kiến tăng 4,3%. Đến hết ngày 30/9 tăng 8,2% và đến hết ngày 31/12/2024 sẽ lên đến 12%.
Đề nghị NHNN tiếp tục là đầu tàu, cùng với các NHTM truyền thông, báo cáo với Chính phủ, bộ ngành, các địa phương về việc tăng trưởng tín dụng không đạt kế hoạch, không hoàn toàn nằm vào ý chí của các ngân hàng, mà phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và cần có sự vào cuộc hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương trong việc cấp phép, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Theo quy định tại Luật Các TCTD sửa đổi năm 2024, mặc dù giảm tỷ lệ cho vay tối đa 1 khách hàng tại ngân hàng giảm từ 15% xuống 10% là hợp lý. Song quy định này sẽ tác động đến ngân hàng lớn, doanh nghiệp lớn trong vay vốn. Do đó, với ngân hàng lớn, khả năng kiểm soát tốt có thể tạo cơ chế đặc thù với khách hàng tốt. Có như vậy mới tăng trưởng tín dụng kịp thời hiệu quả nhất là đối với doanh nghiệp lớn, tổng công ty lớn.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo rất nhiều về tập trung, định hướng tín dụng xanh. Nhưng các tiêu chuẩn, chuẩn mực đối với dự án xanh, tín dụng xanh phụ thuộc vào phê duyệt của chính phủ, bộ ngành. Ngành Ngân hàng rất thiếu cơ sở xác định. Mong NHNN đề xuất chính phủ, các bộ, ngành sớm ban hành những chuẩn mực, tiêu chí liên quan đến tín dụng xanh, dự án xanh.
BIDV tiếp tục tổ chức làm việc, đối thoại, kết nối giữa doanh nghiệp với ngân hàng để tìm ra khó khăn, tháo gỡ vướng mắc
Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Được Chính phủ và NHNN quan tâm và quyết liệt chỉ đạo trong thời gian qua, theo đó, BIDV cũng triển khai nhiều hội nghị (cả trực tiếp và trực tuyến) để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, triển khai nhiều giải pháp, trong đó đã triển khai 16 gói tín dụng với quy mô khoảng 890.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5-2,5% so với lãi suất thông thường nhằm hỗ trợ khách hàng và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Ngoài ra, đối với các gói tín dụng NHNN triển khai như gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội… BIDV đã phê duyệt và ký hợp đồng 6 dự án, tổng cam kết giải ngân là 1.450 tỷ đồng;hay gói tín dụng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản, BIDV giải ngân 6.000 tỷ đồng.
Dù vậy, tính đến hết ngày 18/6, tăng trưởng tín dụng của BIDV mới chỉ đạt 4,7%. Theo tình hình chung của ngành, tăng trưởng tín dụng BIDV tại địa bàn Hà Nội tăng 9,6%, địa bàn TP. Hồ Chí Minh tăng 4,1%, Nam Trung Bộ tăng 6,3%...
Nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm là sức hấp thụ vốn giảm do các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi hậu dịch COVID-19 và các yếu tố bất ổn toàn cầu dẫn đến cầu tín dụng giảm; cùng với đó là năng lực tài chính của doanh nghiệp giảm sút, một số lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro nhất định.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, BIDV tiếp tục thực hiện các biện pháp thúc đẩy các chi nhánh tích cực tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm; tổ chức làm việc, đối thoại, kết nối giữa doanh nghiệp với ngân hàng để tìm ra khó khăn, tháo gỡ vướng mắc; tiếp tục triển khai các gói tín dụng, giảm lãi suất để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng theo các chương trình và chỉ đạo của NHNN.
VietinBank tiếp tục tập trung triển khai các chương trình giảm lãi suất
Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Ban điều hành Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam(VietinBank)
Trên cơ sở chỉ đạo của NHNN, từ tháng 1/2024 đến nay, tăng trưởng tín dụng của VietinBank đã tăng 5,61%.
Về các chương trình thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN như gói phát triển nhà ở xã hội, VietinBank đã giải ngân 584 tỷ đồng và cấp giới hạn tín dụng là 1.200 tỷ đồng, hiện ngân hàng đang phê duyệt 6 dự án trên 3.500 tỷ đồng, dự kiến sẽ giải ngân từ đây đến cuối tháng 12 và sang 6 tháng đầu năm 2025. Với chương trình cho vay lâm sản, thủy sản, từ đầu năm đến nay, VietinBank giải ngân tăng trưởng dư nợ cuối kỳ khoảng gần 2.000 tỷ đồng… Ngoài ra, VietinBank cũng đang tiếp tục tập trung triển khai các chương trình giảm lãi suất theo sự chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới, đề nghị NHNN xem xét điều chỉnh cơ cấu nợ và tính toán rủi ro,thay đổi phương thức cũng như rút ngắn thời gian phê duyệt quy định về đảm bảo an toàn hệ thống, đồng thời có quy định cụ thể đối với tiêu chuẩn ESG. Ngoài ra, về thanh toán cấp tín dụng giao dịch điện tử, VietinBank đề xuất sử dụng chữ ký điện tử và chữ ký quy ước nội bộ của TCTD sẽ tạo sự linh hoạt, chủ động hơn trong chuyển đổi số.
Mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn nhưng VPBank cam kết thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả
Bà Lưu Thị Thảo, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tính đến ngày 31/5, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt 1,91%. So với kế hoạch, chỉ tiêu này của VPBank cũng đang bị chậm lại. Cũng như các ngân hàng khác, ngân hàng luôn mong tăng trưởng tín dụng hài hòa với quy mô hoạt động. Tuy nhiên, với đặc thù là dư nợ khối khách hàng cá nhân và SME chiếm tỷ lệ 60%, dẫn đến VPBank gặp nhiều khó khăn trong tăng trưởng tín dụng.
Thời gian qua, khi mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường giảm, VPBank cũng đưa ra nhiều giải pháp giảm lãi suất cho vay thế chấp. Tính đến ngày 31/5, lãi suất cho vay thế chấp ngắn hạn đối với khoản nợ phát sinh mới tại ngân hàng giảm 4,24% so với đầu năm 2023. Còn cho vay tín chấp, lãi suất tùy thuộc vào mức độ rủi ro.
Với khách hàng cá nhân, ngân hàng đang rà soát, tiếp tục đưa ra nhiều sản phẩm số hóa, đơn giản hóa thủ tục cho vay cá nhân, tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng. Với dự báo kinh tế hồi phục, cùng với giải pháp tích cực của ngân hàng, dự kiến cho vay cá nhân tăng trưởng lại trong tháng 6/2024.
Còn đối với phân khúc khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng tung ra nhiều sản phẩm cho vay linh hoạt, nhất là với phân khúc doanh nghiệp SME. Sau khi NHNN gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN kỳ vọng sẽ giải quyết nhiều vấn đề vừa hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn vừa giúp ngân hàng có thể tăng trưởng tín dụng tại phân khúc doanh nghiệp này.
VPBank tiếp tục tập trung phân khúc FDI - cũng là động lực tăng trưởng của ngân hàng sau khi hợp tác với SMBC. Có thể nói, mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng ngân hàng cam kết thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả. Trước mắt, đến ngày 30/6 tăng trưởng tín dụng của VPBank phấn đấu ở mức khả quan 5-6%.
ABBank cam kết sẽ hoàn thành mức tín dụng cho phép
Ông Phạm Duy Hiếu, quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank)
Với ABB, việc bảo vệ danh mục tín dụng là vô cùng quan trọng. Theo đó, ngân hàng đã rà soát khách hàng nào tốt thì chủ động tăng hạn mức; khách hàng có cơ hội hồi phục thì ngân hàng mạnh dạn cơ cấu lại nợ theo Thông tư 02. Còn với nhóm khách hàng không thể cơ cấu lại, ngân hàng tập trung thu hồi nợ. Tính từ năm ngoái đến nay, tổng số nợ thu hồi thuộc nhóm khách hàng này khoảng 8.000 tỷ đồng. Đến nay tăng trưởng tín dụng tại ABBank ghi nhận mức âm 10,88% nhưng chúng tôi thấy may mắn là thu hồi được nợ xấu. Ngoài ra, phần tăng trưởng mới (từ 6/2023 - 6/2024) không phát sinh nợ xấu.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, thời gian qua, ABBank thực hiện 4 lần giảm lãi suất, triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi cả với khách hàng bán buôn và khách hàng bán lẻ. Với sự phục hồi của nền kinh tế, đến nay, hoạt động cho vay của ABBank tăng dần. Với các giải pháp căn cơ, ABBank cam kết tăng trưởng tín dụng dương vào tháng 7/2024, đến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành mức tín dụng cho phép.