Hoạt động ngân hàng

Kiên Giang: Vốn tín dụng tăng cường chuyển đổi kinh tế nông nghiệp hữu cơ

ThS.Trần Trọng Triết 29/06/2024 16:18

Hiện nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các chương trình tín dụng. Với nguồn tín dụng ưu đãi, người dân đã phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

giao-dich-tai-agribank.jpg

Với thế mạnh của Kiên Giang là kinh tế nông thủy, hải sản và du lịch sinh thái. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, gồm: gạo hiện có 3 doanh nghiệp đã xuất khẩu qua 12 thị trường với sản lượng trên 590.000 tấn; thủy, hải sản có 25 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu qua 45 thị trường với sản lượng trên 53.000 tấn các loại...

Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, vụ mùa và đông xuân 2023-2024, tổng diện tích gieo trồng 2 vụ khoảng 352.800ha. Trong đó, diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao đạt 98,93%. Ước khi thu hoạch dứt điểm lúa đông xuân, tổng sản lượng lúa 2 vụ ước được 2,557 triệu tấn, vượt 3,86% so kế hoạch và đạt 58,13% kế hoạch năm lương thực; năng suất bình quân 7,25 tấn/ha...

Xác định thế mạnh và ngành hàng chủ lực tại địa phương, hệ thống ngân hàng tỉnh Kiên Giang đã tập trung kích cầu gia tăng nguồn vốn tín dụng cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân để sản xuất kinh doanh xuất khẩu tạo động lực tăng trưởng kinh tế địa phương.

Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang, đến nay, dư nợ tín dụng toàn tỉnh đạt hơn 123.678 tỷ đồng. Các chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được triển khai kịp thời, hiệu quả góp phần thực hiện các kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh.

Riêng tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn chiếm gần 50% dư nợ cho vay toàn địa bàn với trên 64.100 tỷ đồng, trong đó, tín dụng nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP đạt hơn 59.000 tỷ đồng; đầu tư xây dựng nông thôn mới đạt hơn 40.400 tỷ đồng.

Điển hình, năm nay là năm thứ hai anh Đặng Hoàng Hải, ngụ ấp Xẻo Mây, xã Thạnh Hòa, huyện Giồng Riềng, sản xuất theo mô hình trồng lúa hữu cơ. Sau khi được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) huyện cho vay vốn đầu tư thử nghiệm sản xuất theo mô hình trồng lúa hữu cơ có hiệu quả trên 1ha lúa, vụ đông xuân 2023-2024, anh Hải quyết định sử dụng 8ha đất trồng lúa hữu cơ.

Anh Hải cho biết, được hỗ trợ chi phí phân bón, giống, tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và áp dụng đúng kỹ thuật nên ruộng lúa của gia đình anh phát triển tốt, ít sâu bệnh.

"Mô hình trồng lúa hữu cơ tôi thấy rất có hiệu quả giúp nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư nhưng năng suất và chất lượng lúa lại cao. Nếu như trước đây sản xuất 1ha lúa đại trà phải tốn chi phí 10-15 triệu đồng thì trồng lúa hữu cơ giúp giảm chi phí từ 1-2 triệu đồng/ha", anh Hải nói.

Theo các thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Đoàn Kết, xã Thạnh Lộc, sau khi triển khai thực hiện trồng lúa hữu cơ vụ hè thu và vụ thu đông năm 2023 cho thấy, hệ sinh thái đồng ruộng có dấu hiệu được phục hồi, giảm thiểu được tác hại từ phân bón hóa học đến môi trường. Sản xuất lúa hữu cơ giúp tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận, vừa bảo vệ được môi trường vừa bảo vệ sức khỏe của người sản xuất lẫn người tiêu dùng.

Để hỗ trợ vốn cho nông dân, Hội Nông dân tỉnh phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang thực hiện hỗ trợ vốn cho hơn 50.000 hộ nông dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tổng dư nợ hơn 1.796 tỷ đồng, bình quân dư nợ 36 triệu đồng/hộ.

Ông Trần Văn Phước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang chia sẻ, hiện tỉnh có hơn 20 tổ chức tín dụng có sự đồng hành với nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nhằm góp phần thực hiện chính sách của Chính phủ về phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank ban hành chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với khách hàng cá nhân vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP với quy mô 2.000 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Lê Thanh My, Trưởng Phòng khách hàng cá nhân Agribank chi nhánh Kiên Giang thông tin, đối trọng cho vay là khách hàng cá nhân vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, như: thực phẩm, sản phẩm đồ uống, sản phẩm từ dược liệu, thủ công mỹ nghệ. Từ ngày 1/2/2024 đến hết ngày 31/12/2024 hoặc đến khi hết quy mô chương trình, lãi suất thấp hơn tối đa 2,0%/năm so với lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam đối với sản phẩm OCOP từ 3 - 5 sao. Thời gian áp dụng lãi suất ưu đãi tối đa 12 tháng kể từ ngày giải ngân.

Nhằm tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả việc thực hiện chính sách đối với hoạt động tín dụng chính sách, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tháng 5/2024, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang đã ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2024 - 2029.

Ông Trần Văn Phước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch kinh doanh thông qua việc dành nguồn vốn tín dụng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân bằng các sản phẩm phù hợp theo nhu cầu của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

“Chúng tôi kỳ vọng Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đồng hành cùng ngành Ngân hàng tỉnh để phổ biến các chính sách, sản phẩm cho vay dành cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân đến với người dân nông thôn.

Đồng thời, kịp thời nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu cũng như những khó khăn, vướng mắc của người dân trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng. Trên cơ sở đó, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp thu, nghiên cứu và có sự hoàn thiện phục vụ khách hàng nông dân người dân địa bàn nông thôn tốt hơn trong thời gian tới”, ông Trần Văn Phước nói.

ThS.Trần Trọng Triết