Một năm tăng giá điện 2 lần, EVN vẫn báo lỗ gần 30.000 tỷ đồng
Thua lỗ lớn trong năm 2023 dù đã có 2 lần tăng giá điện khiến lỗ luỹ kế của EVN lên đến 41.824 tỷ đồng. Khoản nợ của EVN lên đến 311.030 tỷ đồng, tương đương mỗi ngày phải trả 52 tỷ đồng tiền lãi.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023. Theo đó, EVN đạt doanh thu 500.719 tỷ đồng doanh thu trong năm 2023, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ giá vốn, công ty này lãi gộp hơn 13.000 tỷ đồng, tăng 23%.
Năm 2023, doanh thu tài chính của EVN giảm gần một nửa, còn 4.065 tỷ đồng, do khoản lãi chênh lệch tỷ giá năm 2023 giảm mạnh. Trong năm 2023, EVN lỗ ròng gần 2.500 tỷ đồng do tỷ giá.
Chi phí tài chính trong năm tăng lên 22.686 tỷ đồng do chi phí lãi vay tăng, kết quả, EVN lỗ sau thuế 26.772 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD) trong năm 2023, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 20.747 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lỗ gần 27.900 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp EVN tiếp tục bị lỗ sản xuất, kinh doanh điện.
Tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng tài sản của EVN đạt 648.983 tỷ đồng, giảm hơn 17.000 tỷ so với số đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản của doanh nghiệp này (63%) là tài sản cố định, ở mức 408.710 tỷ đồng, giảm 28.000 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn là 47.740 tỷ đồng.
Lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của EVN đạt 81.275 tỷ đồng, giảm hơn 20.200 tỷ đồng so với số đầu năm. Khoản tiền này đã mang về cho tập đoàn hơn 3.200 tỷ đồng tiền lãi, tương đương mỗi ngày nhận gần 9 tỷ đồng.
Nợ vay tài chính của EVN ở mức 311.030 tỷ đồng, giảm hơn 13.000 tỷ so với đầu năm. Tuy nhiên, công ty này đã phải trả 18.982 tỷ đồng tiền lãi vay trong năm qua, tăng 4.500 tỷ, tương đương mỗi ngày phải trả 52 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của EVN đạt mức 196.134 tỷ đồng. Cuối năm 2023, tập đoàn này đã lỗ lũy kế 41.824 tỷ đồng.
Trong năm 2023, EVN đã có 2 lần tăng giá điện với mức tăng lần lượt 3% và 4,5%, giá bán điện bình quân năm 2023 toàn tập đoàn ước đạt 1.950 đồng/kWh, tăng 68,48 đồng/kWh so với năm 2022.
Đầu tháng 1/2024, lãnh đạo Bộ Công Thương từng kiến nghị xem xét điều chỉnh giá điện để đảm bảo phản ánh biến động của các thông số đầu vào của giá điện, đồng thời để EVN có nguồn thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.
Về dự thảo cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân do Bộ Công Thương trình Thủ tướng vào tháng 3/2024 vừa qua cũng sửa công thức xác định giá, nguyên tắc điều chỉnh giá.
Ngoài phạm vi điều chỉnh tăng giá trong biên độ 5%, EVN cũng sẽ được thực hiện việc tăng giá điện ở mức trên 5% và 10% sau khi có sự đồng ý của Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ trong khi trước đó, quyết định 24 chỉ cho EVN thẩm quyền tăng giá ở mức từ 3% đến 5%.
Đáng chú ý, dự thảo đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá từ 6 tháng xuống 3 tháng.