Giá dầu nối dài đà tăng do căng thẳng Trung Đông gia tăng
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch ngày 24 – 30/6, thị trường hàng hoá ghi nhận nhiều mặt hàng có mức biến động lớn. Mặc dù xu hướng giá trái chiều ở 4 nhóm mặt hàng, nhưng lực bán áp đảo hơn đã kéo chỉ số MXV-Index giảm 0,06% xuống 2.251 điểm.
Giá dầu tiếp tục tăng trước sức nóng địa chính trị và yếu tố vĩ mô
Kết thúc tuần giao dịch ngày 24-30/6, giá dầu thế giới nối dài đà hồi phục sang tuần thứ ba liên tiếp. Sức nóng từ khu vực Trung Đông bên cạnh yếu tố vĩ mô đã tác động mạnh mẽ lên giá. Chốt tuần, dầu WTI tăng 1% lên 81,54 USD/thùng, giá dầu Brent tăng 1,37% lên mức 86,41 USD/thùng.
Cụ thể, trong tuần qua lực lượng Houthi tại Yemen đã phối hợp với Lực lượng Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq trong một chiến dịch chung nhằm mục đích tấn công các tàu của Israel tại cảng Haifa, phía Đông bờ biển Địa Trung Hải.
Không dừng lại ở đó, căng thẳng tại biên giới giữa Israel và Lebanon cũng tăng cao khi quân đội Israel cho biết kế hoạch tác chiến tại Lebanon đã được nước này thông qua. Ở phía ngược lại, lực lượng vũ trang Hezbollah ở miền nam Lebanon cũng cho biết sẽ sẵn sàng đáp trả. Xung đột bùng nổ giữa Israel và Hezbollah có thể sẽ tạo ra một tác động lớn trên thị trường khi điều này có thể kéo theo sự tham gia của Iran, quốc gia sản xuất hơn 3 triệu thùng dầu thô mỗi ngày.
Trước đó, ngày 25/6, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các bộ phận của mạng lưới ngân hàng ngầm mà Iran sử dụng trong hoạt động kinh doanh dầu thô. Các biện pháp mạnh tay từ Mỹ khiến thị trường lo ngại hoạt động sản xuất dầu của nước này có thể sẽ bị suy giảm nghiêm trọng như trong giai đoạn 2018.
Trong khi đó, hoạt động bảo trì ngoài kế hoạch tại các cảng biển của Nga cũng khiến hoạt động xuất khẩu của nước này bị giảm mạnh trong tuần trước. Dòng chảy dầu thô bằng đường biển của Nga trong tuần tính đến ngày 23/6 đã giảm 660.000 thùng/ngày xuống còn 3,04 triệu thùng, mức thấp nhất trong hơn 3 tháng.
Đối với yếu tố vĩ mô, hoạt động tích cực hơn của nền kinh tế Mỹ cũng thúc đẩy nhẹ đà tăng của giá trên thị trường. Cụ thể, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội trong quý đầu năm của Mỹ được điều chỉnh tăng lên mức 1,4%, cao hơn so với mức 1,3% trong lần điều chỉnh thứ hai.
Ở một diễn biến khác, khí tự nhiên tiếp tục là mặt hàng ghi nhận đà giảm mạnh nhất nhóm với mức giảm hơn 8% trong tuần trước. Thời tiết nắng nóng tại Ấn Độ và miền Nam Trung Quốc được dự báo sẽ ổn định hơn kéo theo nhu cầu làm mát suy giảm đã tác động lên giá. Nguồn cung của mặt hàng này được báo cũng được cải thiện khi nhà sản xuất LNG Wheatstone của Australia cho biết sẽ khôi phục công suất trở lại. Thêm vào đó, áp lực tồn kho cũng gây sức ép lên thị trường. Theo Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho khí tự nhiên của nước này trong tuần kết thúc ngày 21/6 tăng 52 tỷ feet khối, tuần tăng thứ 9 liên tiếp.
Giá ngô có tuần giảm giá mạnh nhất trong 1 năm
Nông sản là nhóm dẫn dắt xu hướng giảm của toàn thị trường trong tuần qua khi tất cả các mặt hàng đều chìm trong sắc đỏ. Đáng chú ý, với lực bán chiếm ưu thế trong cả 5 phiên giao dịch, giá ngô CBOT khép lại tuần giao dịch cuối cùng của tháng 6 với mức giảm lên tới 7,49%. Đây là mức giảm hàng tuần lớn nhất mà giá ngô ghi nhận kể từ đầu tháng 7/2023. Triển vọng nguồn cung lạc quan từ Mỹ nhờ diện tích canh tác cao hơn dự kiến đã gây áp lực lớn lên giá ngô trong tuần vừa rồi.
Tâm điểm chú ý của thị trường trong tuần vừa rồi là hai báo cáo Tồn kho Ngũ cốc quý (Grain Stocks) và Diện tích gieo trồng (Acreage 2024) được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố vào ngày 28/6. Theo đó, tồn kho ngô của Mỹ tính tới ngày 1/6/2024 đạt 4,99 tỷ giạ, cao hơn đáng kể so với dự đoán trung bình của thị trường. Bên cạnh đó, nông dân Mỹ ước tính đã trồng 91,48 triệu mẫu ngô cho vụ thu hoạch năm nay, tăng mạnh so với mức 90,04 triệu mẫu ước tính hồi tháng 3 của USDA. Con số này cũng đồng thời vượt ngoài khoảng dự đoán trước của giới phân tích là 89,0 - 91,3 triệu mẫu.
Trong khi đó, tuy vẫn suy yếu 0,39% nhưng đà lao dốc kéo dài trong 4 tuần trước đó của giá lúa mì CBOT đã có dấu hiệu chững lại. Diễn biến giá lúa mì tương đối giằng co trong tuần vừa rồi, khi giá chịu tác động trái chiều bởi các yếu tố cung cầu.
Trong báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress), USDA cho biết khoảng 52% diện tích lúa mì đông (chiếm hơn 70% tổng sản lượng lúa mì hàng năm của Mỹ) đạt chất lượng tốt/tuyệt vời trong tuần kết thúc ngày 23/6, tăng 3 điểm phần trăm so với một tuần trước đó và vượt qua kỳ vọng của thị trường.
Ngoài ra theo dữ liệu từ báo cáo Grain Stocks, tồn kho lúa mì cuối niên vụ 2023-2024 của Mỹ đạt 702 triệu giạ, cao hơn mức 684 dự đoán trung bình và sát với mức cao nhất của khoảng dự đoán. Điều này cũng cho thấy nguồn cung lúa mì từ Mỹ sẽ dồi dào hơn trong niên vụ 2024-2025.