img_20240701_100118.jpg
Hoạt động ngân hàng

Bạc Liêu: Tăng cường ưu tiên vốn tín dụng phát triển kinh tế địa phương

ThS.Trần Trọng Triết 01/07/2024 - 10:13

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bạc Liêu đã tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng cường đầu tư và ưu tiên vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh.

img_20240701_100118.jpg
Bạc Liêu: Tăng cường ưu tiên vốn tín dụng phát triển kinh tế địa phương

Với những giải pháp và đồng hành, chia sẻ khó cùng doanh nghiệp, người dân, đến cuối tháng 6/2024, tổng dư nợ cho vay ước đạt 42.500 tỷ đồng, tăng 7,96% so với cùng kỳ và tăng 1,24% so với cuối năm 2023. Đây là kết quả đáng ghi nhận của ngành Ngân hàng Bạc Liêu.

Để đạt được kết quả tăng trưởng tín dụng 6 tháng năm 2024, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo quyết liệt các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên khuyến khích phát triển theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, tiếp tục triển khai và thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cũng như rà soát và đơn giản hóa các quy trình, thủ tục cho vay, đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong quy trình vay vốn nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ để doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Bên cạnh đó, chủ động linh hoạt áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay phù hợp với quy định pháp luật, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng. Đặc biệt, phải công khai, minh bạch quy trình cho vay, nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian thẩm định xét duyệt, cho vay.

Các chi nhánh ngân hàng thương mại tùy theo tình hình tài chính của mình tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng. Hiện nay lãi suất cho vay bình quân trên địa bàn đã giảm từ 1 - 2% so với đầu năm 2024.

Theo đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh chủ động gặp gỡ doanh nghiệp, người dân để nắm tình hình sản xuất kinh doanh của khách hàng và kịp thời thực hiện các biện pháp, giải pháp hỗ trợ, nhằm tháo gỡ khó khăn thông qua các hình thức, như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu; giảm lãi vay các khoản cho vay mới để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn…

Ông Thái Minh Phước, chủ cơ sở Phước ở xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, cho biết nhờ Agribank Bạc Liêu cho vay vốn 150 triệu đồng để sản xuất kinh doanh, đầu tư trang thiết bị hiện đại để các sản phẩm chả chiên, chả lụa, pa-tê đều đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và được hỗ trợ, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, sản phẩm tiêu thụ ngày càng nhiều… kinh doanh ngày thêm khởi sắc.

Với quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng năm 2024, ông Lê Văn Măng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bạc Liêu khẳng định: đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai quyết liệt hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng do Hội sở giao và công khai minh bạch các gói, chương trình tín dụng ưu đãi theo quy định cho doanh nghiệp và khách hàng vay vốn.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp về tín dụng đã và đang thực hiện, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Đẩy mạnh công tác đối thoại, kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, nhằm tăng cường thông tin, tuyên truyền, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

Tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cắt giảm các loại phí không cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Khẩn trương rà soát các dự án, các doanh nghiệp để đảm bảo cung ứng tín dụng kịp thời cho các dự án khả thi, hiệu quả, chia sẻ hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng vay vượt qua khó khăn để tiếp tục quay vòng vốn, trả nợ. Đặc biệt, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu và giảm lãi vay các khoản cho vay mới để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn…

ThS.Trần Trọng Triết