Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tháng 7/2024: Nhiều điều chỉnh ở kỳ hạn dài
Biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng đồng VND tại quầy của các ngân hàng trong ngày đầu tháng 7/2024 tiếp tục biến động so với cùng kỳ tháng trước, với mức tăng từ 0,1-0,6% tuỳ từng kỳ hạn. Giới chuyên môn dự báo, mặt bằng lãi suất huy động nhích nhẹ trong quý II và III, áp lực tăng có thể sẽ gia tăng trong quý IV/2024 và kỳ vọng cả năm lãi suất có thể đi lên từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm.
Tham khảo nhanh biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy (lãi suất huy động) niêm yết trên website của các ngân hàng như: Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank, Techcombank, MB, ACB, Sacombank, HDBank, SHB, VIB, SeABank, BacABank, TPBank, NCB, KienlongBank, Saigonbank, Vietbank, CB… trong ngày đầu tháng 7/2024 cho thấy, lãi suất huy động (tại các kỳ hạn được khảo sát là: 6,9,12,24 tháng) được nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng, với mức tăng từ 0,1 – 0,6% tùy kỳ hạn và ngân hàng.
Ở nhóm NHTM có vốn nhà nước, biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm đầu tháng 7/2024 không có sự biến động mới so với cùng kỳ tháng 6/2024.
Cụ thể, biểu lãi suất tại Vietcombank ghi nhận vẫn giữ nguyên lãi suất các kỳ hạn với lãi suất huy động kỳ hạn 6 và 9 tháng cùng niêm yết ở mức 2,9%/năm; kỳ hạn 12 tháng niêm yết ở mức 4,6%/năm; kỳ hạn 24 tháng trở lên niêm yết lãi suất ở mức 4,7%/năm. Mức lãi suất huy động 4,7%/năm cũng là mức lãi suất cao nhất đang được Vietcombank áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Tại BIDV, mặt bằng lãi suất vẫn duy trì sự ổn định, với lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 và 9 tháng tiếp tục niêm yết ở mức 3,0%/năm; kỳ hạn 12, 24 tháng trở lên đều duy trì lãi suất ở mức 4,7%/năm. Lãi suất 4,7%/năm cũng là mức lãi suất huy động cao nhất đang được BIDV áp dụng.
Tại VietinBank, lãi suất tiền gửi tiết kiệm cho các kỳ hạn 6, 9 tháng tiếp tục niêm yết ở mức 3,0%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 4,7%/năm; kỳ hạn 24 tháng là 4,8%/năm, đây cũng là mức lãi suất huy động cao nhất được ghi nhận trong nhóm Big4.
Ở nhóm NHTM cổ phần ghi nhận biểu lãi suất đã được điều chỉnh tăng mạnh ở nhiều kỳ hạn. Trong đó, ABBank là một trong những ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm với mức tăng mạnh nhất lên đến 1,4%/năm. Lãi suất tiết kiệm ABBank ở kỳ hạn 12 tháng tại ABBank cũng đã chính thức chạm mốc 6%/năm sau khi tăng 0,4%/năm.
Lãi suất tiết kiệm ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên được điều chỉnh tăng. Cụ thể, kỳ hạn 6 tháng có lãi suất huy động tăng 0,8% lên 5,6%/năm; kỳ hạn 7 đến 11 tháng tăng tới 1,4%, niêm yết ở mức 5,8%/năm; kỳ hạn 12 tháng chạm mốc 6%/năm sau khi tăng 0,4% Trong khi đó, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 13 đến 60 tháng được giữ nguyên mức 5,7%/năm.
VPBank cũng điều chỉnh tăng nhẹ 0,1% lãi suất ở các kỳ hạn 6, 9 tháng, 0,3% lãi suất ở kỳ hạn 24 tháng. Qua đó, biểu lãi suất mới của VPBank ở mức: 6, 9 tháng cùng niêm yết mức lãi suất là 4,3%/năm; kỳ hạn 12 tháng niêm yết mức lãi suất là 4,9%/năm và 5,3% cho kỳ hạn 24 tháng.
Tại MB, biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng 0,2% ở kỳ hạn 6 và 9 tháng, trong đó: kỳ hạn 6 tháng là 3,8%/năm; kỳ hạn 9 tháng là 3,9%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 4,7%/năm. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 24 tháng vẫn giữ nguyên so với cùng kỳ.
Theo thống kê, từ đầu tháng 6 đến nay đã có 23 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm. Sau điều chỉnh, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã tăng đáng kể. Hiện có 9 ngân hàng niêm yết mức lãi cao nhất trên 6% ở kỳ hạn dài. Trong đó, lãi suất PVcomBank cao nhất ở mức 9,5%/năm (kỳ hạn gửi 12-13 tháng với số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng). Tiếp theo là HDBank (8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7% cho kỳ hạn 12 tháng, điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng).
Ngoài ra, còn MSB với lãi suất tiền gửi tại quầy là 8%/năm cho kì hạn 13 tháng với điều kiện đi kèm; Dong A Bank có mức lãi suất tiền gửi là 7,5% kỳ hạn 13 tháng trở lên, lãi cuối kỳ với khoản tiền gửi 200 tỷ đồng trở lên; NCB, VRB và OceanBank áp dụng mức lãi suất 6,1% cho kỳ hạn 24 tháng; OCB áp dụng mức lãi suất 6% cho kỳ hạn 36 tháng; ABBank áp dụng lãi suất 6% cho kỳ hạn 12 tháng; VPBank áp dụng lãi suất 6%, kỳ hạn 24 tháng.
Nhìn nhận về diễn biến lãi suất thời gian qua, giới chuyên môn đánh giá, xu hướng lãi suất huy động đi lên đang ngày càng rõ rệt hơn, với tốc độ tăng nhanh hơn trong thời gian gần đây.
Trong báo cáo về ngành ngân hàng mới đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo lãi suất huy động sẽ không còn dư địa để giảm tiếp dưới áp lực của tỷ giá và lạm phát. Trong đó, áp lực lạm phát sẽ gia tăng từ quý III/2024 do giá lương thực, giá điện, giá nhà và điều chỉnh tiền lương. Áp lực từ chênh lệch tỷ giá USD/VND khiến mặt bằng lãi suất khó giảm thêm.
Nhóm chuyên gia từ VCBS cho hay, mặc dù lãi suất huy động đang có xu hướng tăng dần lên từ mức đáy, tuy nhiên mặt bằng lãi suất ở thời điểm hiện tại vẫn đang thấp hơn mức lãi suất trung bình 3 năm trước giai đoạn dịch COVID-19 là 5,05%/năm.
Các chuyên viên phân tích dự báo mặt bằng lãi suất huy động nhích nhẹ trong quý II và III từ 0,3 đến 0,5 điểm phần trăm. Đồng thời, áp lực tăng có thể sẽ gia tăng trong quý IV/2024 và kỳ vọng cả năm lãi suất có thể đi lên từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm.
Cùng quan điểm, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cũng cho rằng áp lực tăng lãi suất hiện vẫn chưa đủ lớn nhưng có thể lớn hơn trong những tháng cuối năm tuỳ thuộc vào tình hình diễn biến của chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát trong nước, chính sách lãi suất của các nước khác, hay diễn biến của nguồn cung ngoại tệ.