Vấn đề - Nhận định

Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm và vấn đề đặt ra cho 6 tháng cuối năm 2024

N.C.H 01/07/2024 14:25

Theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được Quốc hội thông qua, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước năm 2024 phải đạt từ 6,0 - 6,5%.

Để đạt được mục tiêu này, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Chính phủ đã yêu cầu thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Chính phủ cũng khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.

Với các mục tiêu và yêu cầu được Quốc hội và Chính phủ đặt ra như trên, tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã xác định điều hành tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các TCTD năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Đây là một mục tiêu cao hơn kết quả thực hiện không chỉ của năm 2023 mà còn của cả giai đoạn từ năm 2018 đến nay. (Hình 1)

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng nói trên, NHNN chỉ đạo các đơn vị thuộc NHNN, các chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các TCTD triển khai thực hiện một loạt các giải pháp khác nhau, trong đó nổi lên là việc tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng và điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả (đối với các đơn vị thuộc NHNN) cũng như đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay và tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay (đối với các TCTD).

Trong khi đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh và xu hướng tín dụng của các TCTD do NHNN tiến hành trong 2 tháng cuối năm 2023 và nửa đầu năm 2024 cho thấy, mặc dù nhu cầu tín dụng của khách hàng trong năm 2024 được kỳ vọng cải thiện tốt hơn so với năm 2023, với nhu cầu vay vốn tăng cao nhất được dự báo thuộc về lĩnh vực phát triển công nghiệp và xây dựng, song dư nợ tín dụng năm 2024 cũng không được các TCTD kỳ vọng tăng trưởng với tỷ lệ cao. Chẳng hạn, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2024 cho thấy tỷ lệ tăng trưởng tín dụng năm 2024 chỉ được các TCTD kỳ vọng đạt 14,2% và đến kỳ điều tra quý II/2024, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 13,6%, thấp hơn mục tiêu định hướng mà NHNN đặt ra tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/01/2024.

Theo nhận định của các TCTD tại các cuộc điều tra nói trên, những nhân tố ảnh hưởng tích cực đến sự gia tăng nhu cầu tín dụng của nhóm khách hàng doanh nghiệp bao gồm: (i) diễn biến tăng trưởng kinh tế; (ii) lãi suất; (iii) sự thay đổi nhu cầu đầu tư vào sản xuất kinh doanh; (iv) cơ hội đầu tư, xuất nhập khẩu; (v) sự cải thiện chất lượng dịch vụ. Trong khi sự cải tiến sản phẩm cho vay là nhân tố được dự báo tác động nhiều nhất đến sự gia tăng nhu cầu vay vốn đối với nhóm khách hàng cá nhân. Các TCTD cũng cho rằng, trong năm 2024, rủi ro tín dụng tổng thể tiếp tục tăng, trong đó, 2 lĩnh vực được tiếp tục dự báo tiềm ẩn rủi ro tín dụng cao nhất vẫn là cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán.

Đến thời điểm 24/6/2024, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm 4,45% so với cuối năm 2023, bình quân mỗi tháng tăng khoảng 0,73%. Tuy nhiên, trên thực tế thì dư nợ tín dụng chỉ thực sự bắt đầu tăng từ tháng 3/2024, còn trong 2 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng hằng tháng đều bị sụt giảm so với thời điểm cuối tháng trước và cuối năm 2023. (Hình 2)

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Tổng cục Thống kê

Nếu so với tốc độ tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm của các năm gần đây, tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2024 đạt được khá thấp. Tính toán từ số liệu thống kê của NHNN từ năm 2018 trở lại đây cho thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2024 chỉ cao hơn chỉ tiêu tương ứng của năm 2020 - năm đầu tiên chịu tác động của đại dịch COVID-19. Trong khi đó, các năm còn lại trong giai đoạn này đều có tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm cao hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng cùng kỳ của năm 2024, trong đó có nhiều năm (2019, 2021, 2022) có tốc độ tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm cao hơn rất nhiều so với năm 2024. (Hình 3)

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Tổng cục Thống kê

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng nói trên, trong báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV (tháng 5/2024), NHNN cho biết, dư nợ tín dụng những tháng đầu năm 2024 tăng trưởng chậm bắt nguồn một loạt yếu tố tác động khác nhau, như sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang gặp khó khăn, nhiều khách hàng vay chưa đáp ứng đủ điều kiện vay vốn; đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng... Cùng với đó, một số chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội, cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc trong triển khai...

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15% cho cả năm 2024, trong 6 tháng cuối năm 2024, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng phải tăng trưởng đạt tốc độ bình quân khoảng 1,62%/tháng. Đây là một thách thức không hề nhỏ đối với ngành Ngân hàng khi mà dư nợ tín dụng nửa đầu năm chỉ tăng trưởng với mức thấp như đã chỉ ra ở phần trên. Để đạt được mục tiêu này, hệ thống ngân hàng sẽ phải nỗ lực lớn nhằm cung ứng cho nền kinh tế một lượng vốn tín dụng phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nhưng vẫn kiểm soát được các nguy cơ rủi ro tín dụng.

Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và sát thực với diễn biến của thị trường, các đơn vị thuộc NHNN cần tập trung nghiên cứu hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về ngân hàng để tạo hành lang pháp lý thuận tiện cho hoạt động tín dụng ngân hàng, trong đó cần chú trọng đến những chính sách hỗ trợ các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động (chi phí huy động vốn, chi phí dự trữ bắt buộc, chi phí dự phòng rủi ro…) và nâng cao tính hấp dẫn của các chương trình tín dụng đang được triển khai hoặc dự kiến sẽ triển khai, đặc biệt là chương trình tín dụng dành cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội.

Trong khi đó, đối với các TCTD, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí, việc nghiên cứu triển khai các sản phẩm tín dụng mới, đặc biệt là sản phẩm cho vay thông qua phương tiện điện tử là một giải pháp cần được đặc biệt chú trọng để vừa đáp ứng được yêu cầu hiện đại hoá hoạt động ngân hàng, vừa tạo cơ sở giảm lãi suất cho vay 1 - 2%/năm như chỉ đạo của NHNN tại công văn số 4462/NHNN-CSTT ngày 29/5/2024. Cùng với đó, các TCTD cũng cần tăng cường thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro nhằm kiểm soát được rủi ro tín dụng ở mức độ phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng và khẩu vị rủi ro, đặc biệt là đối với hoạt động cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và đầu tư kinh doanh chứng khoán. Việc thực hiện các giải pháp này có tác dụng một mặt giúp các TCTD đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay và tiết giảm chi phí hoạt động theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ và Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024 của NHNN; mặt khác, góp phần làm thúc đẩy tác động tích cực của nhiều nhân tố ảnh hưởng đến sự gia tăng nhu cầu tín dụng của khách hàng mà kết quả điều tra của NHNN đã chỉ ra (lãi suất cho vay, sự cải thiện chất lượng dịch vụ, sự cải tiến sản phẩm cho vay…).

Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng, bên cạnh những giải pháp NHNN và các TCTD thực hiện, thì sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan trong việc ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm đẩy nhanh quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hay giao dịch tài sản của doanh nghiệp và người dân là nhân tố không thể thiếu, đặc biệt là những thủ tục liên quan đến các dự án đầu tư xây dựng nói chung và phát triển nhà ở xã hội nói riêng. Cùng với đó, bản thân khách hàng có nhu cầu vay vốn cũng cần nỗ lực nhiều hơn trong việc nâng cao chất lượng và độ tin cậy của hồ sơ vay vốn cũng như tuân thủ quy định của TCTD về việc sử dụng và trả nợ vốn vay. Chỉ có như vậy, thì hoạt động tín dụng của ngành Ngân hàng mới có thể đạt được tốc độ tăng trưởng dư nợ như mục tiêu đã xác định mà không gây ra những hệ lụy đáng tiếc, nhất là không làm gia tăng các khoản nợ có mức độ rủi ro cao.

N.C.H