Một ngày EVN trả lãi vay bằng lợi nhuận làm cả năm của nhiều doanh nghiệp
Mặc dù nợ vay tài chính của EVN năm 2023 giảm hơn 13.000 tỷ đồng so với đầu năm, xuống còn gần 312.000 tỷ đồng, nhưng số tiền EVN trả lãi vay trong năm tăng lên 18.900 tỷ, tương đương mỗi ngày phải trả 52 tỷ đồng lãi vay.
Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới công bố cho thấy, trong cơ cấu nguồn vốn 649.000 tỷ đồng, nợ phải trả chiếm tỷ trọng cao, lên đến 453.000 tỷ đồng, tăng 12.000 tỷ so với đầu năm.
Trong đó, nợ vay tài chính của EVN ở mức gần 312.000 tỷ đồng, giảm hơn 13.000 tỷ so với đầu năm. Tuy nhiên, EVN đã phải trả 18.982 tỷ đồng tiền lãi vay trong năm qua, tăng 4.500 tỷ, tương đương mỗi ngày phải trả 52 tỷ đồng.
Với 52 tỷ đồng EVN trả lãi vay mỗi ngày bằng lợi nhuận làm cả năm của nhiều doanh nghiệp.
Theo dữ liệu thống kê lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, một số doanh nghiệp quen thuộc có mức lợi nhuận năm 2023 trong khoảng 50 tỷ đồng có thể kể đến như: Tasco (53 tỷ đồng); Hưng Thịnh Incons (51 tỷ đồng); Sữa Hà Nội (50 tỷ đồng); Chứng khoán Everest (47 tỷ đồng); Năm Bảy Bảy (43 tỷ đồng); Đầu tư Điện lực 3 (43 tỷ đồng); Danh Khôi (40 tỷ đồng)…
Năm 2023, EVN đạt doanh thu 500.719 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. EVN lỗ sau thuế 26.772 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD) trong năm 2023, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 20.747 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lỗ gần 27.900 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp EVN tiếp tục bị lỗ sản xuất, kinh doanh điện.
Liên quan đến kế hoạch đầu tư của EVN giai đoạn 2021-2025, ngày 26/4/2024 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 345 phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm. Theo quyết định này, 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn Tập đoàn là 479.000 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư thuần 278.215 tỷ đồng; trả nợ gốc và lãi vay 199.330 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực đầu tư phát triển nguồn điện, quyết định nêu cụ thể kế hoạch khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp gồm: Thủy điện Hòa Bình MR, thủy điện Ialy MR, nhiệt điện Quảng Trạch I, thủy điện Trị An MR, thủy điện tích năng Bác Ái và điện mặt trời Phước Thái 2, 3.
Đưa vào vận hành 4 dự án nguồn điện với tổng công suất 840 MW và 150 MWp gồm: Thủy điện Hòa Bình MR, thủy điện Ialy MR và điện mặt trời Phước Thái 2, 3.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện trọng điểm để đưa vào phát điện 06 dự án còn lại trong giai đoạn 2026 - 2030 với tổng công suất khoảng 5.803 MW gồm: Nhiệt điện Quảng Trạch I, thủy điện Trị An MR; nhiệt điện Dung Quất I&III, LNG Quảng Trạch II, thủy điện tích năng Bắc Ái.
Lĩnh vực đầu tư phát triển lưới điện, đầu tư các công trình lưới điện 500 - 220 kV được giao trong Quy hoạch điện VIII, trong đó hoàn thành đưa vào vận hành 225 công trình lưới điện truyền tải 500 - 220 kV với tổng chiều dài khoảng 10.500 km và tổng dung lượng TBA khoảng 63.000 MVA. Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thành công trình trọng điểm đường dây 500 kV từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) trong năm 2024.