Cần Thơ: Nhiều giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Ðể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các ngân hàng thương mại, đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán cũng cung ứng rất nhiều các dịch vụ thanh toán, tạo thuận lợi cho khách hàng. Ði cùng với đó là nhiều chính sách đảm bảo an toàn cho thanh toán không tiền mặt, đảm bảo quyền lợi của người có tài khoản thanh toán.
Chuyển đổi số trong hoạt động thanh toán không tiền mặt là một chủ trương lớn mà Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực triển khai thực hiện. Thanh toán không tiền mặt càng nhận được sự hưởng ứng và trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng.
Trên địa bàn TP. Cần Thơ có 13 siêu thị, 5 trung tâm thương mại và 162 cửa hàng tiện lợi kinh doanh theo chuỗi. Hiện nay 100% các đơn vị chấp nhận thanh toán không tiền mặt; tỷ lệ đạt thanh toán không tiền mặt đạt 30 - 35% tại các siêu thị, 10 - 16% tại các cửa hàng tiện lợi. Hiện có 20/78 chợ tại 9 quận, huyện thực hiện mô hình chợ 4.0.
Theo báo cáo từ Sở Công Thương TP. Cần Thơ, số lượng tiểu thương tại các chợ 4.0 tham gia hoạt động thanh toán không tiền mặt đạt từ 5-10%, tỷ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ 4.0 chiếm khoảng 20 - 25% trong tổng số các giao dịch mua bán.
Hiện nay, các quầy thu ngân tại các siêu thị trên địa bàn TP. Cần Thơ đều bố trí các máy POS (máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng để thanh toán hóa đơn) để khách hàng tự thanh toán bằng thẻ ATM hoặc mã QR để người tiêu dùng có thể dễ dàng thanh toán. Theo các siêu thị, mỗi ngày có khoảng 15 - 25% khách hàng giao dịch thanh toán không tiền mặt, còn lại khách hàng chi trả bằng tiền mặt.
Tại siêu thị Co.opmart Cần Thơ, mỗi ngày có khoảng 20 - 25% giao dịch thanh toán không tiền mặt. Cùng với hệ thống trên toàn quốc, mua sắm tại siêu thị Co.opmart Cần Thơ, đối với dịch vụ mua hàng qua điện thoại, khách hàng gọi điện đến đặt hàng rồi chuyển khoản thanh toán, nhân viên sẽ giao hàng tận nhà.
Với người tiêu dùng trực tiếp đến siêu thị mua sắm, có thể lựa chọn thanh toán không tiền mặt qua các hình thức: ứng dụng thanh toán MoMo, quẹt thẻ thanh toán nội địa/thẻ thanh toán quốc tế do ngân hàng trong nước phát hành tại máy quẹt thẻ (POS), ví ZaloPay…
Sau khi nhận báo tổng hóa đơn khi mua hàng tại siêu thị, anh Nguyễn Ðăng Lưu, ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều chọn hình thức trả tiền theo phương thức thanh toán không tiền mặt. Sử dụng ứng dụng ngân hàng điện tử (tích hợp thẻ ATM) trên điện thoại thông minh và quét mã phản hồi nhanh (QR) trên hóa đơn điện tử của siêu thị, anh Lưu đã thanh toán tiền mua hàng nhanh chóng.
Anh Nguyễn Ðăng Lưu cho biết: “Hiện nay, thanh toán tiền điện, tiền nước, viễn thông, đóng bảo hiểm xã hội, mua hàng online, các khoản học phí cho con, đi mua sắm,… tôi cũng như các thành viên trong gia đình thường chọn giải pháp thanh toán điện tử - thanh toán không tiền mặt, ít khi dùng đến tiền mặt”.
Vietcombank hiện đang phát hành 2 loại thẻ phi vật lý chính: Thẻ ghi nợ phi vật lý Vietcombank là thẻ được kết nối với tài khoản thanh toán của khách hàng, cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến, mua sắm online, thanh toán hóa đơn,… Thẻ tín dụng phi vật lý Vietcombank là thẻ cho phép khách hàng thanh toán trước, trả sau, với hạn mức tín dụng được cấp bởi ngân hàng.
Sản phẩm thẻ phi vật lý Vietcombank (sản phẩm phát hành dưới dạng điện tử - không có thẻ vật lý) là một sản phẩm thẻ ngân hàng tiện lợi, an toàn và tiết kiệm chi phí. Thẻ được kết nối với tài khoản thanh toán của khách hàng tại Vietcombank, cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến, mua sắm online, thanh toán hóa đơn,…
Theo Vietcombank, với những “thẻ” phi vật lý này, người dân sẽ có tài khoản thanh toán với mức bảo mật cao trong giao dịch bởi khi khởi động thẻ cần phải có xác thực khuôn mặt, vân tay… sẽ an toàn hơn so với thẻ vật lý thông thường. Ngoài ra, với công nghệ thanh toán mới, người dân cũng chỉ cần đưa thiết bị đến gần máy thanh toán, không cần chạm trực tiếp trên máy cũng sẽ hoàn tất giao dịch.
Thẻ nội địa (thẻ Napas) là thẻ thanh toán do 53 ngân hàng và công ty tài chính Việt Nam phát hành. Hiện nay, thẻ Napas được chấp nhận thanh toán tại hơn 761.000 đơn vị cung cấp hàng hóa dịch vụ có lắp đặt thiết bị chấp nhận thanh toán (POS/mPOS) của các ngân hàng trên toàn quốc.
Thẻ được sử dụng để thanh toán trực tuyến trên trang thương mại điện tử, trang thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và ứng dụng VNeID... Không chỉ ở trong nước, chủ thẻ Napas có thể sử dụng các dịch vụ thanh toán tại Hàn Quốc và dịch vụ rút tiền tại một số quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Lào, Hàn Quốc. Mới đây, Napas giới thiệu công nghệ thanh toán mới “Tap to Phone” - dùng smartphone thay thế máy POS; thanh toán không tiếp xúc bằng xác thực bằng khuôn mặt...
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thời gian tới cùng với các đơn vị liên quan, các bộ, ngành sẽ phối hợp để đưa ra các giải pháp khuyến khích thanh toán không tiền mặt, đồng thời đảm bảo an toàn bảo mật cho người dùng, giảm tội phạm trong thanh toán không tiền mặt. Theo đó, từ ngày 1/7/2024, chuyển khoản trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày là phải xác thực sinh trắc học…