Hai lý do khiến cổ phiếu VND của Chứng khoán VNDIRECT giảm mạnh
CEO VNDIRECT cho rằng diễn biến cổ phiếu VND trên thị trường bị ảnh hưởng bởi những thông tin như sự cố hệ thống và trái phiếu Trung Nam.
Cổ phiếu VND của Công ty chứng khoán VNDIRECT giao dịch quanh mốc 16.000 đồng/cổ phiếu, giảm 16% kể từ đầu năm, vốn hoá thị trường đạt hơn 24.700 tỷ đồng.
Ngày 24/3, hệ thống thông tin của Công ty chứng khoán VNDirect bị tấn công. Tin tặc đã khai thác lỗ hổng bảo mật để xâm nhập vào hệ thống, cài đặt virus và mã hóa dữ liệu. Sau đó, đối tượng xấu đã sử dụng khóa mã hóa này để yêu cầu doanh nghiệp trả một khoản tiền chuộc lại dữ liệu.
Sau sự cố bị tin tặc tấn công khiến cho hệ thống của VND phải mất 2 tuần mới có thể khôi phục lại trạng thái bình thường, uy tín về cơ sở hạ tầng dữ liệu của VND bị đặt dấu hỏi và ảnh hưởng tới thị phần môi giới chứng khoán.
Thị phần môi giới trong quý I/2024 của VND đã giảm xuống còn 6,01%, mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Lượng tiền gửi của khách hàng tại VND cũng đã giảm hơn 10% kể từ đầu năm trong khi hầu hết các công ty chứng khoán đối thủ đều tăng do thị trường khởi sắc.
Trong quý I, chi phí quản lý của VNDIRECT tăng 89%, lên tới 153 tỷ đồng trong đó có 100 tỷ đồng từ chi phí dịch vụ mua ngoài, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ. Nhiều khả năng do sự cố tấn công mạng diễn ra vào cuối tháng 3, VNDIRECT có thể đã ghi nhận một phần chi phí vào quý này và có thể ghi nhận một phần sang quý II bao gồm chi phí nhân sự và tiền chuộc dữ liệu khách hàng.
Sự cố này là một trong hai nguyên nhân được Ban lãnh đạo đưa ra giải thích lý do vì sao cổ phiếu VND sụt giảm mạnh trong thời gian vừa qua.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 lần 2 mới đây, ông Nguyễn Vũ Long, CEO VNDIRECT cho rằng diễn biến cổ phiếu VND trên thị trường bị ảnh hưởng bởi những thông tin như sự cố hệ thống và trái phiếu Trung Nam.
Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT VND cũng cho biết, cổ phiếu VND bị bao trùm bởi những tin đồn và rủi ro của Trung Nam. Thị trường chứng khoán là thị trường của tin đồn và nhà đầu tư cũng sẽ dựa vào tin đồn để lựa chọn cổ phiếu giao dịch.
Về rủi ro liên quan đến trái phiếu Trung Nam, theo bà Hương, trường hợp xấu nhất nếu Trung Nam gặp vấn đề, VNDIRECT cũng thiệt hại nhưng không quá lớn.
Hiện tại, Trung Nam chủ yếu làm các dự án điện đã đi vào hoạt động, khác hoàn toàn với các dự án không có dòng tiền. Hơn hết lượng trái phiếu mà Trung Nam phát hành tại VNDIRECT có quy mô không lớn và đều có tài sản đảm bảo.
Do đó, VNDIRECT nhận diện rủi ro của Trung Nam chủ yếu nằm ở tin đồn về pháp lý, khó khăn của dự án Thuận Nam và khó khăn chung về dòng tiền trong hoạt động đầu tư chứ không phải rủi ro về tài chính.
Về việc Trung Nam xin gia hạn lô trái phiếu, lãnh đạo VNDIRECT nhận định nguyên nhân do doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư dẫn đến mất cân đối dòng tiền, không phải rủi ro tài chính, rủi ro phá sản. Rủi ro pháp lý nếu có xảy ra sẽ là trách nhiệm cá nhân, không ảnh hưởng đến doanh nghiệp lớn.
"Quy mô vốn của VNDIRECT gần 16.000 tỷ đồng và có khả năng sinh lời bền vững trong tương lai. Công ty đã trích lập khoản lãi không thu để đảm bảo an toàn. Một số ngân hàng cũng cùng VNDirect đồng bảo lãnh cho lô trái phiếu nhiều dự án điện gió và cho vay dự án điện của Trung Nam", bà Hương nói.
VNDIRECT là một trong những công ty vốn hóa lớn có tốc độ tăng vốn nhanh nhất thị trường hiện tại khi đã tăng tới 10.000 tỷ đồng chỉ sau 2 năm.
Sắp tới, VND sẽ phát hành thêm 304,5 triệu cổ phiếu mới, trong đó khoảng 61 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 (tỷ lệ 5%) và chào bán 243,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 20%) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu hoàn tất 100% hai phương án trên, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng lên hơn 15.2000 tỷ đồng, củng cố vị thế “top đầu” vốn điều lệ của nhóm công ty chứng khoán.
Ngoài ra, VNDIRECT còn có kế hoạch chào bán riêng lẻ gần 244 triệu cổ phiếu cho 1-5 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; chào bán hơn 24 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu và phát hành hơn 12 triệu cổ phiếu thưởng cho người lao động. Tổng cộng, VND dự kiến phát hành thêm gần 585 triệu cổ phiếu mới, mục đích nâng vốn điều lệ lên trên 18.000 tỷ đồng.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, đại hội VNDIRECT thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2.525 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với thực hiện 2023. Công ty kỳ vọng doanh thu margin đạt 1.365 tỷ đồng, tăng 18%; doanh thu thị trường vốn dự kiến giảm 39% xuống 1.897 tỷ đồng và doanh thu môi giới chứng khoán giảm 17% về 720 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm, lãnh đạo VNDIRECT cho rằng lãi trước thuế của công ty ước đạt hơn 1.300 tỷ đồng, đạt hơn 50% kế hoạch, trong đó tháng 4 bị lỗ do bù chi phí cho khách hàng sau sự cố hacker tấn công hệ thống.