Chính sách hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tham gia vào chuỗi cung ứng là rất cần thiết nhưng chính sách hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu của DN, DN phải là những người đặt ra nhu cầu trước, sau đó Chính phủ thiết kế chương trình hỗ trợ cho DN lớn mạnh, tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực DN trong nước ở những ngành quan trọng có tiềm năng liên kết lớn…
Doanh nghiệp lớn chỉ chiểm 2%
Chia sẻ tại Diễn đàn kinh doanh với chủ đề “Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho DN” do VCCI tổ chức mới đây, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI dẫn số liệu của Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 2.000 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 DN tham gia chuỗi cung ứng.
Còn TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho hay, trong gần 1 triệu DN chỉ có khoảng 5.000 DN thực sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tức chỉ chiếm 0,005%. Số liệu của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, trong 5.000 DN này chỉ có 100 DN là nhà cung ứng cấp 1.
"Tỷ lệ DN Việt Nam thực sự trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu là rất thấp. Điều này cho thấy việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay là nhu cầu hết sức cấp bách. Đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu chuyển dịch chuỗi cung ứng từ những quốc gia khác đang diễn ra một cách rất nhanh và mạnh"- Chuyên gia nhìn nhận.
Lý giải cho việc các DN Việt Nam vẫn chưa tiếp cận được chuỗi cưng ứng toàn cầu, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, trong số gần 900.000 DN đang hoạt động hiện nay, DN lớn chỉ chiếm khoảng 2%, còn lại là DN nhỏ và siêu nhỏ.
“Vấn đề chính với các DN nhỏ và vừa là thiếu kỹ năng quản lý, ít đổi mới công nghệ, khả năng tiếp cận tài chính còn rất nhiều hạn chế. Trong khi đó, việc kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước còn hết sức mờ nhạt. Hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động của các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với các DN trong nước còn rất hạn chế. Hiện đã có những DN ngành ô tô, xe máy và điện tử trong nước đã hội nhập thành công, tuy nhiên con số còn rất khiêm tốn…”- Ông Hoàng Quang Phòng phân tích.
Theo ông Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế TW), vấn đề quan trọng nhất là do nhu cầu tự thân của các DN, DN FDI có muốn kết nối với DN trong nước hay không?. Mặt khác, để kết nối được hệ sinh thái của DN nước ngoài, DN trong nước phải đầu tư rất nhiều về công nghệ, về con người. “Đây là rủi ro khiến DN phải tính toán…”, chuyên gia này khẳng đinh.
Hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam nhấn mạnh, việc gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc nhiều vào nỗ lực tự thân của các DN. Nhưng những nỗ lực tự thân đó sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn rất nhiều nếu như các điều kiện về thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh và quy định pháp luật không tạo ra vướng mắc…
“Thực tế, qua nghiên cứu cho thấy, vẫn còn một số điểm nghẽn lớn về thể chế và chính sách hỗ trợ để giúp DN Việt tự tin, vững vàng hơn khi gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu…”, TS. Lê Duy Bình cho hay.
Đồng thời TS. Bình cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của chính các DN trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn về hàng hóa thì cần có sự đổi mới trong cách tiếp cận về hỗ trợ DN theo hướng trọng tâm, trọng điểm hơn nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể, ưu tiên về góc độ phát triển DN hiện nay.
Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ có tính chất trọng tâm, trọng điểm như vậy đã giảm bớt hình thức trợ cấp, hỗ trợ sẽ nâng cao tinh thần tự lực, tự cường của cộng đồng DN, hỗ trợ các DN tiên phong, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám dấn thân vào các lĩnh vực mới mà nền kinh tế thực sự cần…
Mặt khác, để đầu tư lượng vốn lớn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, DN phải có niềm tin rằng khoản tiền đầu tư đó phải an toàn và muốn an toàn thì cơ chế chính sách, hay những quy định về pháp luật phải ổn định. Vì thế, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng ổn định, minh bạch rất cần được duy trì để hỗ trợ cho DN yên tâm đầu tư, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu…”, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam- TS. Lê Duy Bình lý giải.
Theo Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, thực ra trong thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng mà Việt Nam có thế mạnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo…
Đặc biệt là những nỗ lực để Việt Nam đã ký kết 19 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác quan trọng hàng đầu trên thế giới; trong đó có 16 FTA có hiệu lực thực thi, tạo cơ hội lớn để phát triển chuỗi cung ứng.
Trên cơ sở đó, các DN sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đã và đang tái cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào nhiều thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng và các tiêu chuẩn phát triển bền vững. Việt Nam đã dần phát triển nhằm tự chủ một số nền công nghiệp nền tảng để giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài.
“Với tham vọng vươn lên trong chuỗi giá trị, Việt Nam có cơ hội đặc thù để khai thác vị trí của mình trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Mục tiêu của Chính phủ là phát triển các mạng lưới nhà cung cấp cấp 1 (trực tiếp) và nhà cung cấp cấp 2/cấp 3 (cung cấp gián tiếp cho nhà sản xuất) trong nước, kết nối họ với các khâu lắp ráp cuối cùng với kỳ vọng hướng các DN đó chuyển sang sản xuất sản phẩm phức tạp hơn và đa dạng hóa “giỏ” hàng hóa xuất khẩu. Vì vậy, trong thời gian tới, chính sách hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu của DN. DN phải là những người đặt ra nhu cầu trước, sau đó Chính phủ thiết kế chương trình hỗ trợ cho DN lớn mạnh, tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực DN trong nước ở những ngành quan trọng có tiềm năng liên kết lớn”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.