Doanh nghiệp

VEAM sau biến động về lãnh đạo, còn dư địa tăng trưởng?

Hoàng Hà 03/07/2024 22:07

SSI Research đánh giá việc lãnh đạo bị bắt sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các công ty liên kết, công ty con của VEAM. Ngoài ra, công ty cũng đã có bước tiến quan trọng hướng tới việc đáp ứng các yêu cầu để được niêm yết trên HOSE.

veam.jpg

Đón dàn lãnh đạo mới

Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM, mã VEA) vừa trải qua nhiều biến động về nhân sự cấp cao đặc biệt là sau đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 diễn ra ngày 20/6 vừa qua.

Theo đó, VEAM đã bãi nhiệm chức vụ Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) của ông Phan Phạm Hà và miễn nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Khắc Hải, miễn nhiệm Thành viên HĐQT đối với bà Nguyễn Thị Nga. Đồng thời, cổ đông của VEAM đã bầu bổ sung 4 Thành viên HĐQT mới gồm ông Nguyễn Hoàng Giang, ông Ngô Khải Hoàn, bà Nguyễn Thị Hoa và bà Trần Thị Nguyệt.

HĐQT VEAM sau đó đã họp và thống nhất bầu ông Ngô Khải Hoàn làm Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Hoàng Giang giữ chức Tổng Giám đốc. Ông Ngô Khải Hoàn sinh năm 1979, hiện đang làm Phó Cục trưởng Bộ Công nghiệp, Bộ Công Thương từ tháng 4/2019 đến nay. Còn ông Nguyễn Hoàng Giang sinh năm 1972, hiện đang là Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Công Thương từ 2014 năm đến nay.

Trước đó, ngày 10/6, VEAM nhận được thông báo từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội về việc khởi tố bị can và lệnh tạm giam với ông Phan Phạm Hà, cựu Tổng Giám đốc, về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cùng ngày, HĐQT VEAM quyết định bãi nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc của ông Phạm Hà và miễn nhiệm chức danh Kế toán trưởng đối với bà Nguyễn Thị Mai Hương do vi phạm quy định lao động của công ty.

Tại đại hội đồng cổ đông vừa qua, lãnh đạo VEAM cho biết, sự việc cựu Tổng Giám đốc VEAM bị khởi tố tuy bất ngờ, nhưng VEAM đã kịp thời xử lý dưới chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương, HĐQT đã họp 4 phiên liên tục. “Sự việc đó xảy ra tại công ty mẹ nên không ảnh hưởng tới các đơn vị thành viên của VEAM, không ảnh hưởng tới các đối tác, liên doanh của VEAM”, lãnh đạo VEAM khẳng định.

Trong báo cáo cập nhật về VEAM vừa công bố, Chứng khoán SSI (SSI Research) cũng đánh giá việc bắt giữ này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các công ty liên kết, công ty con của VEAM.

ý kiến ngoại trừ VEAM
Nguồn: VEAM, SSI ước tính

Đồng thời, SSI Research lưu ý một điều đáng ghi nhận là VEAM đã có tiến triển đáng kể trong việc giải quyết các ý kiến kiểm toán ngoại trừ trong vài năm qua, đây là một bước tiến quan trọng hướng tới việc đáp ứng các yêu cầu để được niêm yết trên sàn HOSE.

Kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn nửa cuối năm

Năm 2024, VEAM đặt mục tiêu công ty mẹ đạt tổng doanh thu gần 6.414 tỷ đồng, giảm 22% so với năm 2023. Doanh thu tài chính vẫn chiếm phần lớn với hơn 5.861 tỷ đồng (chỉ bằng 74% so với năm trước, phản ánh kết quả giảm sút của cả hai công ty liên kết trong 2023 cũng như lãi suất tiết kiệm thấp hơn so với năm trước) còn lại hơn 495 tỷ đồng từ sản xuất công nghiệp và gần 58 tỷ đồng từ thương mại, dịch vụ. VEAM kỳ vọng đạt 5.489 tỷ đồng lãi sau thuế trong năm 2024, giảm 19% so với năm ngoái, không tính các khoản trích lập dự phòng.

s-aicmscdn-nhipsongkinhdoanh-vn_veam-sau-bien-dong-ve-lanh-dao-con-du-dia-tang-truong_66852e7cdbb6d.png
Nguồn: SSI, VEAM

Trong bối cảnh thị trường xe máy đang đạt đến trạng thái bão hòa (theo Hiệp hội các nhà sản xuất xe 2 bánh Việt Nam - VAMM, cứ 10 người dân sẽ có 5 chiếc xe máy được lưu hành), SSI Research kỳ vọng xe máy Honda vẫn duy trì được vị thế về doanh số.

Thực tế, Honda gần đây đã có những tín hiệu tích cực như tăng thị phần cũng như tăng cường việc xuất khẩu xe máy. Trong năm tài chính 2023 (từ ngày 1/4/2023- ngày 31/3/2024), Honda Việt Nam đã xuất khẩu 257.000 xe máy (tăng 12% so với cùng kỳ) và đạt giá trị xuất khẩu là 536 triệu USD (tăng 33% so với cùng kỳ). Tính đến hết tháng 5/2024, Honda đã bán được 1,02 triệu chiếc xe máy (bao gồm xuất khẩu), cao hơn 2,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, mảng xe ô tô dự kiến cũng đạt mức doanh số cao hơn trong nửa cuối năm 2024 nhờ chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt trong các tháng 6, 7, 8, 9/2024 đến tháng 11/2024. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ tháng 8/2024 đến hết tháng 1/2025.

Nếu được thông qua, đây sẽ là lần thứ 4 áp dụng chương trình giảm 50% phí trước bạ cho các loại xe ô tô lắp ráp trong nước (3 lần áp dụng trước đó lần lượt vào các năm 2020, 2022 và 2023). Ở lần áp dụng đầu tiên năm 2020 doanh thu bán xe tháng đã tăng 50% sau khi chính sách được áp dụng và năm 2022 sản lượng tiêu thụ tăng 20% so với năm 2021 nhưng không quá thành công trong nửa cuối năm 2023, do giai đoạn này người tiêu dùng cả nước thắt chặt chi tiêu.

Với các chính sách này, SSI Research duy trì giả định tổng doanh số ô tô trong năm 2024 sẽ tăng 9% so với năm ngoái, song giảm dự báo tăng trưởng doanh số xe máy xuống còn 2% so với cùng kỳ (từ mức 4%) do kết quả không khả quan trong 5 tháng đầu năm 2024 (tiêu thụ xe máy trong 5 tháng đầu năm 2024 đã giảm 6% so với cùng kỳ tại nhiều phân khúc). Ngoài ra, các hãng xe điện (VinFast, Yadea, Pega) cũng là một ẩn số có thể giành mất thị phần của các hãng xe truyền thống như Honda, Toyota.

Công ty chứng khoán này ước tính doanh thu hợp nhất năm 2024 của VEAM ở mức 3.800 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2023 và lợi nhuận sau thuế hợp nhất khoảng 6.510 tỷ đồng, tăng 4%.

Đồng thời, SSI cũng đưa ra ước tính về doanh thu thuần hợp nhất và lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2025 lần lượt là 3.800 tỷ đồng (tăng 1% so với năm 2024) và 6.700 tỷ đồng (tăng 3%) với giả định lãi suất huy động cao hơn và tiếp tục phục hồi từ mức thấp trong năm 2023.

Về dài hạn, SSI kỳ vọng thu nhập của mảng liên doanh xe máy và ô tô sẽ đạt CAGR giai đoạn 2024-2028 lần lượt là 1,6% và 4,8%.

Hoàng Hà