Cần Thơ: Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 tăng 3,55%
Đến cuối tháng 6/2024, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của các ngân hàng trên địa bàn TP. Cần Thơ, ước đạt 162.000 tỷ đồng, tăng 3,55% so với đầu năm.
Thống kê cho thấy, địa bàn TP. Cần Thơ hiện có 49 tổ chức tín dụng và 7 Quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động.
Đến cuối tháng 6/2024, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế ước đạt 162.000 tỷ đồng, tăng 3,55% so với đầu năm. Trong đó, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn có mức dư nợ là 47.600 tỷ đồng, chiếm 29,38% tổng dư nợ, tăng 1,92% so với đầu năm; cho vay xuất khẩu có dự nợ là 18.000 tỷ đồng, chiếm 11,11% tổng dư nợ, tăng 9,18% so với đầu năm; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ là 36.200 tỷ đồng, chiếm 22,35% tổng dư nợ, tăng 2,88% so với đầu năm.
Bên cạnh đó, dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ là 950 tỷ đồng, chiếm 0,52% tổng dư nợ, tăng 4,04% so với đầu năm; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao có mức dư nợ là 80 tỷ đồng, chiếm 8,33% tổng dư nợ, tăng 8,49% so với đầu năm. Ngoài ra, tổng dư nợ cho vay thu mua lúa, gạo đạt 20.300 tỷ đồng, chiếm 12,53% tổng dư nợ, tăng 11,49% so với đầu năm. Mặt khác, nợ xấu trong nền kinh tế thành phố hiện là 4.400 tỷ đồng, chiếm 2,72% tổng dư nợ.
Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,73%, ảnh hưởng lớn đến khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 theo chỉ tiêu 7,5%-8,0%.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, đơn hàng sụt giảm, tồn kho thành phẩm tăng, chi phí sản xuất tăng do giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng. Tình hình xuất khẩu gặp khó khăn về tìm kiếm thị trường, giá cả; doanh nghiệp hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp và quy mô sản xuất không tăng nhiều, chậm đổi mới công nghệ, thiếu liên kết trong sản xuất, kinh doanh và chậm nắm bắt cơ hội thị trường.
Nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 ở mức 7,5%-8,0%, theo tính toán của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 phải đạt ít nhất 9,23% trở lên; các khu vực kinh tế có sự phát triển đột phá, từng ngành, lĩnh vực có sự phục hồi và tăng trưởng mạnh, các điều kiện bất lợi trong và ngoài nước được ứng phó chủ động và sớm được khắc phục.
Theo đó, bên cạnh các giải pháp phát triển các khu vực kinh tế, ngành, lĩnh vực của các sở, ban, ngành và địa phương, Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân quận, huyện triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng và lĩnh vực sản xuất và các lĩnh vực ưu tiên. Tiếp tục thực hiện hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, đẩy mạnh tiến độ xử lý nợ xấu, kiểm soát chặt chẽ nợ xấu phát sinh, thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định.
Bên cạnh đó, xây dựng phương án, đảm bảo hoạt động ngân hàng được an toàn, thông suốt, đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Đồng thời, tăng cường tổ chức đối thoại, kết nối ngân hàng và doanh nghiệp; tập trung tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng, đổi mới công nghệ, thiết bị để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao, hàng hóa chủ lực của thành phố để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Mặt khác, đẩy mạnh triển khai Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại địa phương; chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản; chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.