Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không mua vàng tháng thứ hai liên tiếp
Trong tháng 6/2024, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) - Ngân hàng trung ương của Trung Quốc đã tiếp tục ngừng mua vàng để dự trữ tháng thứ hai liên tiếp kể từ tháng 5, dữ liệu chính thức từ Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc cho biết ngày 7/7.
Việc PBOC tạm dừng giao dịch mua vào bắt đầu từ tháng 5, khi giá vàng giao ngay đạt mức cao kỷ lục. Hoạt động mua liên tục trong 18 tháng trước đó của PBOC cùng với nhu cầu từ các ngân hàng trung ương khác đã góp phần thúc đẩy đợt tăng giá vàng từ tháng 3- 5.
Dữ liệu cho thấy, tính đến cuối tháng 6/2024, Trung Quốc nắm giữ 72,80 triệu troy ounce vàng, không thay đổi so với cuối tháng 5. Giá trị dự trữ vàng của Trung Quốc giảm xuống còn 169,70 tỷ USD từ mức 170,96 tỷ USD.
Nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương đã tăng cao trong 2 năm qua khi một số quốc gia đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của mình. PBOC là tổ chức mua vàng chính thức lớn nhất trong khu vực vào năm 2023, với lượng mua vào lớn nhất kể từ ít nhất là năm 1977.
Một số nhà phân tích vẫn tin rằng hoạt động mua vàng sẽ tiếp tục do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới muốn tìm cách đa dạng hóa dự trữ và đề phòng tiền tệ mất giá. Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới, khoảng 20 ngân hàng trung ương vẫn kỳ vọng sẽ tăng lượng vàng nắm giữ trong năm tới, do rủi ro tài chính và địa chính trị tăng cao.
Có thể giá vàng tăng cao đã cản trở hoạt động mua vào. Kim loại quý này đã đạt mức cao nhất mọi thời đại trên 2.400 USD/ounce vào tháng 5 và kể từ đó đã giảm xuống khi các nhà đầu tư quay trở lại đặt cược vào việc Mỹ cắt giảm lãi suất trong năm nay. Khi PBOC công bố dữ liệu về việc tạm dừng mua vào tháng 5, vàng đã chịu mức giảm trong ngày lớn nhất trong gần 3 năm.
Dự trữ ngoại hối trong tháng 6 của Trung Quốc cũng giảm do đồng Nhân dân tệ tiếp tục phải đối mặt với áp lực giảm giá trong bối cảnh đồng đô la Mỹ mạnh lên.
Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước cho biết, dự trữ ngoại hối của nước này đã giảm 9,68 tỷ USD, xuống còn 3,222 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 6, giảm 0,3%.
Cơ quan quản lý ngoại hối cho biết tác động tổng hợp của các yếu tố như thay đổi tỷ giá hối đoái và thay đổi giá tài sản đã góp phần làm giảm giá.