SSI Research: Duy trì mục tiêu 1.300 - 1.350 cho VN-Index vào cuối năm 2024
Kết thúc nửa đầu năm tăng trưởng tích cực, thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ tiếp tục xu hướng đi lên trong nửa cuối năm khi P/E ước tính năm 2024 của VN-Index hiện ở mức 11,5 lần, vẫn đang thấp hơn mức trung bình 5 năm là 13,4 lần.
Tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm.
Vượt qua các “cơn gió ngược”, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn mang nhiều gam màu sáng khi nối tiếp đà hồi phục từ tháng 11/2023 và tiếp tục bứt phá về điểm số. Dù đi qua nhịp điều chỉnh ngắn trong tháng 4/2024 và tiếp tục giảm 1,3% trong tháng 6/2024, chỉ số VN-Index vẫn tăng trưởng tích cực 10,2% từ đầu năm và khép lại phiên 28/6 ở ngưỡng 1.245,32 điểm.
Theo mức độ biến động, tại báo cáo chiến lược đầu tư mới phát hành, CTCK SSI (SSI Research) phân chia thị trường trong nửa đầu năm thành hai giai đoạn chính, gồm tăng tốc (1/1 – 29/2) với đà đi lên trọn vẹn và tích lũy (1/3 – 28/6) khi các biến số trái chiều hiện diện thường xuyên hơn.
Chính sách định hướng tăng trưởng là chất xúc tác quan trọng cho đà bứt phá của nhóm ngân hàng nói riêng và cả thị trường nói chung trong giai đoạn 1. Khá nhiều thông tin tích cực được đón nhận, không chỉ định hướng tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024 và quyết định thông qua hai dự thảo luật quan trọng là Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), mà còn xuyên suốt thể hiện rõ mục tiêu nâng hạng. Chỉ số VN-Index có giai đoạn bứt phá mạnh mẽ với mức tăng 10,87% và đóng góp hầu hết vào điểm số trong nửa đầu năm nay.
Hoạt động của khối ngoại trong giai đoạn này vẫn là bán ròng, với giá trị bán ròng khoảng 4.700 tỷ đồng, tập trung phần lớn ở nhóm thực phẩm đồ uống. Ngược lại, ngân hàng, tài nguyên cơ bản, bất động sản khu công nghiệp, bảo hiểm, công nghệ thông tin là các nhóm được mua ròng.
Theo phân tích của chuyên gia SSI Research, nếu như ở giai đoạn 1, chính sách chủ yếu mang tính định hướng tăng trưởng thì sang giai đoạn 2, chính sách đã thể hiện rõ tính linh hoạt khi các “cơn gió ngược” xuất hiện thường xuyên hơn. Cụ thể, trước nỗi lo biến động tăng của tỷ giá và giá vàng, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện bán ra USD và vàng miếng nhằm hạ nhiệt. Sự can thiệp kịp thời của Ngân hàng Nhà nước đã phát huy tác dụng và củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong việc điều hành chính sách.
Theo đó, thị trường chứng khoán dù có rung lắc và điều chỉnh mạnh nhưng nhanh chóng cân bằng trở lại. Chỉ số VN-Index biến động hơn 126 điểm giữa hai mốc cao nhất – thấp nhất, nhưng tính chung chỉ giảm 0,59% trong giai đoạn 2.
Trong giai đoạn 2, khẩu vị dòng tiền phân hóa mạnh, tập trung vào các câu chuyện riêng của doanh nghiệp. Trong đó, đa số nhóm ngành ghi nhận hiệu suất tích cực, bao gồm các nhóm tăng trưởng bền vững và hồi phục mạnh mẽ từ đáy hay hưởng lợi từ câu chuyện riêng như giá cước vận tải biển tăng cao. Hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin, bán lẻ, vận tải biển là các nhóm ngành diễn biến tích cực nhất trong giai đoạn này.
Tâm điểm trong giai đoạn 2 là việc đẩy mạnh bán ròng trên diện rộng của khối ngoại với quy mô khớp lệnh lên đến khoảng 42.200 tỷ đồng trên sàn HOSE, nâng tổng giá trị rút ròng trong nửa đầu năm lên gần 47.000 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều mức 21.000 tỷ đồng của cả năm 2023. Tính cả giao dịch thỏa thuận, giá trị rút ròng ghi nhận hơn 52.000 tỷ đồng trong hai quý đầu năm
Giai đoạn 2, khối ngoại tập trung rút ròng khỏi nhóm ngân hàng, bất động sản dân cư, thực phẩm đồ uống, dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin. Ngược lại, nhóm bán lẻ, ô tô phụ tùng và bất động sản khu công nghiệp được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng.
“Quan sát cả 2 giai đoạn, khối ngoại đã đảo chiều rút ròng ở nhóm ngân hàng, công nghệ thông tin; duy trì quan tâm nhóm bất động sản Khu công nghiệp và chú ý trở lại nhóm bán lẻ, ô tô phụ tùng”, SSI Research kết luận.
Dù vậy, hoạt động bán ròng của khối ngoại chưa cho thấy áp lực khi tỷ trọng đóng góp vào tổng giá trị giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm 9,6% trong nửa đầu năm. Khối nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn giao dịch sôi động trong bối cảnh lãi suất tiền gửi neo ở mức thấp và hấp thụ tốt lượng cung từ khối ngoại.
Thanh khoản bình quân sàn HOSE đạt khoảng 21.800 tỷ đồng trong nửa đầu năm, đây cũng là mức thanh khoản kỷ lục khi tăng hơn 84% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt qua cả giai đoạn nửa đầu năm 2022. Cụ thể, giao dịch sôi động hơn trong giai đoạn 2 của thị trường, đạt khoảng 23.300 tỷ đồng mỗi phiên so với mức 18.400 tỷ đồng ở giai đoạn 1.
“Chúng tôi nhận thấy tỷ trọng phân bổ dòng tiền vào nhóm vốn hóa lớn gia tăng gần đây và đã vượt qua nhóm vốn hóa trung bình lần đầu tiên kể từ tháng 4/2023. Điều này có thể xuất phát từ việc giá trị giao dịch chung của thị trường suy giảm gần đây và chủ yếu do giao dịch thu hẹp ở nhóm vốn hóa trung bình. Theo đó, tỷ trọng dòng tiền ở các nhóm trụ cột ngân hàng, tài nguyên cơ bản giữ vững trong khi nhóm bất động sản dân cư đang được quan tâm trở lại. Việc dòng tiền đang có dấu hiệu tập trung hơn ở nhóm vốn hóa lớn có thể là một yếu tố giữ nhịp cho thị trường trong giai đoạn đi ngang tích lũy của chỉ số chính”, SSI Research đánh giá.
Kỳ vọng tiếp tục xu hướng đi lên chính trong nửa cuối năm
Nhìn lại 2 điểm tựa chính cho thị trường trong năm 2024 gồm yếu tố cơ bản và dòng tiền, chuyên gia SSI Research cho rằng, yếu tố cơ bản đang chuyển biến tích cực theo dự đoán và có phần tốt hơn kỳ vọng.
“Chúng tôi vẫn tin rằng đà hồi phục kinh tế sẽ diễn ra rõ nét hơn trong nửa cuối năm 2024. Với số liệu tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm vượt kỳ vọng, khả năng chính sách điều hành có thể sẽ tập trung hơn vào các yếu tố mang tính ổn định kinh tế vĩ mô như lạm phát và tỷ giá trong khi lãi suất có thể tiếp tục tăng nhẹ. Điều này có thể đã phản ánh lên sự sụt giảm của thanh khoản thị trường chứng khoán thời gian gần đây. Ngược lại, về dòng tiền khối ngoại, áp lực rút vốn từ dòng vốn ngoại nếu nhẹ bớt về cuối năm với kỳ vọng Mỹ giảm lãi suất thì sẽ tạo động lực tích cực mới cho thị trường”, SSI Research phân tích.
P/E ước tính năm 2024 của VN-Index hiện ở mức 11,5 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm 13,4 lần
Cho nửa cuối năm 2024, các chuyên gia vẫn nghiêng về kịch bản thị trường tiếp tục xu hướng tăng trưởng, dù các biến số rủi ro đang vẫn còn hiện diện và có thể khiến thị trường biến động.
P/E ước tính năm 2024 của VN-Index hiện ở mức 11,5 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm 13,4 lần. SSI Research tin rằng, với mức định giá này thì “cửa tăng” của VN-Index vẫn sáng trong nửa cuối năm và sang năm 2025, nhất là khi tình hình kinh tế tiếp tục quá trình hồi phục.
Một số yếu tố tích cực khác có thể kể đến như tăng lương cơ sở cho khu vực công bắt đầu từ 1/7; chính sách kích cầu tiêu dùng giảm thuế VAT 2% được gia hạn đến hết năm; hoạt động xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường vào cuối tháng 7; vướng mắc trong quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán vẫn đang dần dần được tháo gỡ.
Với những luận điểm trên, SSI Research tiếp tục duy trì mục tiêu 1.300 - 1.350 cho VN-Index vào cuối năm 2024.
Còn trong tháng 7/2024, chỉ số VN-Index dự kiến vận động ở phạm vi điểm số 1.220 - 1.295, xu hướng tăng trung hạn vẫn giữ vững.
Đưa ra khuyến nghị cho chiến lược đầu tư trong tháng 7/2024, chuyên gia SSI Research cho rằng, với diễn biến hiện tại, sự thận trọng quan sát trong giai đoạn này là cần thiết khi rủi ro thị trường chung đang gia tăng. Nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ đợi vùng giá thật sự hấp dẫn, tập trung câu chuyện riêng của từng cổ phiếu để giải ngân mới, trong khi có thể tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu được kỳ vọng tăng trưởng mạnh.
Ở góc nhìn dòng tiền, các chuyên gia không loại trừ xu hướng tiếp tục xoay vòng và luân chuyển đến những nhóm được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách bao gồm bất động sản, bán lẻ, xuất khẩu. Một số nhóm có hiệu suất kém hơn mặt bằng chung trong nửa đầu năm cũng có thể được chú ý như dịch vụ tài chính.