Ngân hàng Nhà nước tiếp tục “quay bánh xe” thúc đẩy tăng trưởng tín dụng
Hoạt động tín dụng luôn là nội dung trong tâm trong công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu dẫn đến tăng trưởng tín dụng vẫn chậm, ước tính đến cuối tháng 6/2024, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt gần 4,5%. Con số này còn cách rất xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 là 14 - 15%.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, đến thời điểm ngày 24/6/2024, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng thêm 4,45% so với cuối năm 2023, bình quân mỗi tháng tăng khoảng 0,73%. Đáng lưu ý, nhiều lĩnh vực chiếm tỷ lệ dư nợ lớn, như: bất động sản, xây dựng bị chững lại do khả năng hấp thụ vốn kém kéo tụt nhu cầu tín dụng.
Theo đánh giá của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tại Hội nghị trực tuyến toàn Ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng diễn ra mới đây, điểm tích cực là con số tăng trưởng đang cải thiện dần qua các tháng. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là dòng chảy tín dụng diễn ra không đồng đều, có địa phương tăng thấp, có tổ chức tín dụng tăng trưởng âm trong khi có đơn vị tăng trưởng cao hơn nhiều so với mặt bằng chung.
Nguyên nhân dẫn đến tín dụng tăng chậm được giới chuyên môn nhìn nhận là do tổng thể sức cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ; nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn khó khăn.
Hầu hết các lãnh đạo ngân hàng đánh giá lý do lớn nhất khiến tín dụng tăng chậm là vì nhu cầu trong nền kinh tế suy yếu, bao gồm cả nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp và cả nhu cầu tiêu dùng của người dân. Chẳng hạn, ở mảng tín dụng bán lẻ của các ngân hàng, lĩnh vực được các ngân hàng cổ phần xác định là trọng tâm cho vay chính, đều bị ảnh hưởng vì nhu cầu vay mua bất động sản để ở giảm, do kinh tế khó khăn và thu nhập người dân giảm.
Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế khó khăn vẫn còn những điểm sáng, chẳng hạn như dòng tín dụng vẫn chảy mạnh vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp, trong bối cảnh sự chuyển dịch sản xuất và dòng vốn FDI vẫn diễn tiến tích cực.
Để thúc đẩy tín dụng, các ngân hàng đã đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp hơn, cũng như tập trung tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận và giải ngân vốn. Do đó, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt và hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, nhiều ngân hàng kỳ vọng tín dụng tăng trưởng tốt hơn trong thời gian tới.
Với mặt bằng lãi vay duy trì mức thấp, nền kinh tế trên đà hồi phục. Thị trường bất động sản được dự báo “ấm” dần sau khi áp dụng sớm 3 luật mới, dòng chảy vốn tính dụng đi vào nền kinh tế được kỳ vọng sẽ tăng trưởng về lượng và chất các quý tới.
Từ phía nhà quản lý, việc điều hành lãi suất để kiểm soát lạm phát còn phải tính toán nhằm hỗ trợ tăng trưởng và tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục các giải pháp như yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm chi phí; công khai các chương trình liên quan đến lãi suất (như lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói); đồng thời giám sát những ngân hàng đang cho vay cao và cả các đơn vị có dư nợ thấp.
Động thái mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 06/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Theo đó kéo dài thời gian thực hiện cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết ngày 31/12/2024. Các ngân hàng nhận định, việc gia hạn nợ là cần thiết, giúp các doanh nghiệp không bị chuyển nhóm nợ xấu, từ đó có thể duy trì được các quan hệ tín dụng tốt hơn.
Cũng liên quan đến tín dụng, từ ngày 1/7, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực, đồng nghĩa với lộ trình giảm giới hạn cấp tín dụng chính thức bắt đầu. Trong đó, từ ngày 1/7/2024 đến trước ngày 1/1/2026, giới hạn cấp tín dụng sẽ giảm về 14% với một khách hàng và 23% với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó.
Vì thế, đã có không ít lo lắng về việc cấp tín dụng cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng trước mắt, việc giảm 1% giới hạn cấp tín dụng trong vòng 1 năm tới chưa tác động nhiều đến ngân hàng, doanh nghiệp, song việc giảm giới hạn liên tiếp 5 - 10% trong vòng 5 năm đồng nghĩa với áp lực cắt giảm lượng lớn dư nợ tín dụng.
Để thúc đẩy tín dụng hỗ trợ nền kinh tế, giới chuyên gia khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước nên bổ sung thêm gói tín dụng ưu đãi từ nguồn tái cấp vốn với lãi suất thấp cho các ngân hàng thương mại để cho vay một số đối tượng, lĩnh vực cần được ưu tiên, khuyến khích trong nền kinh tế. Đồng thời, linh hoạt cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại có khả năng tăng trưởng tín dụng tốt...
Còn với các tổ chức tín dụng, cần tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; khẩn trương rà soát các dự án, các doanh nghiệp đảm bảo cung ứng tín dụng kịp thời cho các dự án khả thi, hiệu quả, chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng vay vượt qua khó khăn để tiếp tục quay vòng vốn, trả nợ. Tiếp tục đơn giản hóa các quy trình, thủ tục vay vốn, công khai phí, lãi suất… nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn ngân hàng.