Góc nhìn quốc tế về triển vọng kinh tế Việt Nam những tháng cuối và cả năm 2024
Với những điểm sáng trong nửa đầu năm, các tổ chức và chuyên gia quốc tế đều lạc quan trước sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024.
Theo Tổng cục Thống kê, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ở mức 6,42% trong nửa đầu năm, ước đạt 6,93% trong quý II; tình hình kinh tế – xã hội sáu tháng đầu năm 2024 của nước ta duy trì xu hướng tích cực, quý sau tốt hơn quý trước, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo. Đến thời điểm tháng 7/2024, các tổ chức, chuyên gia quốc tế đều nhận định lạc quan hơn và điều chỉnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu với mức tăng từ 0,1 đến 0,3 điểm phần trăm so với các dự báo đưa ra trước đó.
Lạc quan với chỉ số tăng trưởng GDP
Báo cáo về đầu tư tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong quý I/2024 của Savills Việt Nam nhận định triển vọng phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 là rất tích cực và được thúc đẩy bởi đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp công nghệ cao.
"Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 là rất khả quan, dự báo tăng trưởng GDP từ 5,5% đến 6,5%, giúp Việt Nam vào top 20 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu", ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành tại Savills Việt Nam cho biết.
Cho rằng những kết quả tích cực trong nửa đầu năm 2024 là tín hiệu lạc quan cho những tháng còn lại, UOB cũng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 là 6,0%, so với mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ là 6,0 - 6,5%.
"Những yếu tố hỗ trợ như sự phục hồi của ngành bán dẫn và chính sách tiền tệ linh hoạt sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đà tăng trưởng này", chuyên gia của UOB nhận định.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến đạt gần 6% trong năm 2024, được hỗ trợ bởi nhu cầu quốc tế mạnh, đầu tư nước ngoài ổn định và các chính sách điều tiết.
Đánh giá sau đợt tham vấn định kỳ, ông Paulo Medas, Trưởng nhóm phụ trách Việt Nam của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cũng cho rằng tăng trưởng kinh tế dự báo phục hồi ở mức gần 6% trong năm 2024, được hỗ trợ bởi cầu bên ngoài tiếp tục mạnh mẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định và các chính sách nới lỏng hỗ trợ. Trong đó, chính sách tài khóa cũng đang hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 trong bối cảnh lương khu vực công dự kiến tăng mạnh và những nỗ lực không ngừng nhằm đẩy mạnh đầu tư công.
Tin vào triển vọng trung hạn của nền kinh tế Việt Nam, ông José Viñals - Chủ tịch Standard Chartered kỳ vọng tăng trưởng trong nửa cuối năm 2024 sẽ cao hơn 6%. Tính chung trong cả năm, Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng khoảng 6%.
Tại báo cáo "Triển vọng đầu tư nửa cuối năm 2024", HSBC lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhờ các yếu tố như Việt Nam tiếp tục lộ trình phục hồi thúc đẩy bởi chu kỳ điện tử toàn cầu. Xuất khẩu điện tử của Việt Nam đang rất tốt. Nhờ vậy, hoạt động công nghiệp thể hiện qua chỉ số quản lý mua hàng (PMI) tiếp tục cho thấy hoạt động sản xuất đang mở rộng.
Ngoài ra, triển vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tích cực nhờ sức hấp dẫn của Việt Nam trong vai trò điểm đến cho đầu tư. Trong khi chi tiêu trong nước cho thấy một bức tranh đa chiều, du lịch đang phục hồi và nhiều khả năng đạt được mục tiêu 17 - 18 triệu lượt khách trong năm nay.
Cuối tháng 4, HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP hai quý cuối năm, đạt 6,2% mỗi quý. Cả năm 2024, nhà băng này cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ ở mức 6%, mức tương đương của IMF và UOB.
Trước đó, ADB cũng dự báo kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.
Nhấn mạnh kết quả tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý II đạt 6,93% nhờ sự phục hồi của thương mại, gia tăng các hoạt động kinh doanh nhờ đầu tư nước ngoài, trang Bloomberg (Mỹ) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 có thể đạt 7%. Đây là dự báo lạc quan nhất về tăng trưởng kinh tế Việt Nam đến thời điểm hiện tại.
Khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế
Ông José Viñals, Chủ tịch Tập đoàn Standard Chartered khuyến nghị, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với những thách thức liên quan đến tỷ giá hối đoái, lạm phát và một số biến động địa chính trị trên thế giới.
Ông José Viñals phân tích, những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt cũng là những vấn đề xảy ra ở tất cả các nền kinh tế. Điều quan trọng là cần duy trì tầm nhìn và chính sách đúng đắn để tiếp tục thúc đẩy Việt Nam trở thành một nền kinh tế tăng trưởng theo hướng ngày càng bền vững.
"Tăng trưởng giống như cây cối cần được tưới nước, cần có chính sách tốt mỗi ngày để bồi đắp nền tảng kinh tế, tài chính tốt, cũng như môi trường hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài trong bối cảnh sự cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt", ông José Viñals khuyến nghị.
Các chuyên gia WB chỉ ra một số điểm cần theo dõi đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, trong khi cầu quốc tế đang có dấu hiệu phục hồi thì diễn biến của cầu trong nước, đặc biệt là tiêu dùng, có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa chắc chắn.
“Chính phủ đã thực hiện một số biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trong nước. Tuy nhiên, trước bối cảnh đồng USD mạnh, việc giảm lãi suất để hỗ trợ đầu tư có thể làm tăng áp lực lên tỷ giá. Do vậy, cần tiếp tục hỗ trợ tổng cầu thông qua chi đầu tư”, WB khuyến nghị.
Ông Paulo Medas, Trưởng nhóm phụ trách Việt Nam của IMF thì cho rằng những rủi ro vẫn còn cao. Xuất khẩu - động lực chính của nền kinh tế Việt Nam - có thể yếu hơn nếu tăng trưởng toàn cầu không được như kỳ vọng, căng thẳng địa chính trị toàn cầu dai dẳng hoặc tranh chấp thương mại gia tăng.
Bên cạnh đó, tăng trưởng cầu trong nước dự báo vẫn còn yếu do các doanh nghiệp phải chèo chống với mức nợ cao trong khi thị trường bất động sản sẽ chỉ phục hồi hoàn toàn trong trung hạn.
Những yếu kém kéo dài của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tác động mạnh hơn dự kiến đến khả năng cấp tín dụng của các ngân hàng, làm phương hại đến tăng trưởng kinh tế cũng như làm suy yếu sự ổn định tài chính.
UOB cũng đánh giá cần thận trọng hơn trong nửa cuối năm 2024. Lý do là do đối chiếu với số liệu cơ sở cao hơn của nửa cuối năm 2023, cùng với những rủi ro hiện hữu như xung đột Nga - Ukraine và xung đột ở Trung Đông có thể làm gián đoạn thương mại và thị trường năng lượng toàn cầu.