Các Hiệp hội ngành, nghề

Diễn đàn kết nối các sản phẩm khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp

Thanh Thanh 11/07/2024 - 10:38

Ngày 10/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức "Diễn đàn kết nối các sản phẩm khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân".

Gần 200 đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng trong và ngoài Bộ, các doanh nghiệp, các hội, hiệp hội, các hợp tác xã, tổ chức quốc tế đã tham dự Diễn đàn này.

quang-canh.jpg
Toàn cảnh diễn đàn

Diễn đàn là không gian để các đại biểu, diễn giả kết nối, chia sẻ, trao đổi, thảo luận để đi đến hợp tác bền chặt, cùng nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm khoa học công nghệ và chuyển giao vào thực tiễn sản xuất, mang lại lợi nhuận cho bà con nông dân, đồng thời gắn với bảo vệ môi trường, giảm phát thải và phát triển bền vững.

Những năm qua, khoa học công nghệ đã có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành nông nghiệp.

Những ứng dụng khoa học công nghệ bao trùm trên tất cả các lĩnh vực từ trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, công nghệ sau thu hoạch…, góp phần thúc đẩy sản xuất, chế biến, kinh doanh theo hướng liên kết chuỗi giá trị, hình thành vùng sản xuất khép kín quy mô hàng hóa, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường.

Hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ được triển khai mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất.

khu-trung-bay-san-pham.jpg
Không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm

Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân 3 năm (giai đoạn 2021 - 2023) đạt 3,35%/năm, trong khi giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt 2,62%/năm.

Khoa học công nghệ là khâu khâu đột phá đưa kinh tế nông nghiệp Việt Nam có được kết quả này. Dự báo, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2024 có thể chạm mốc 60 tỷ USD.

Chia sẻ tại diễn đàn, các ý kiến đều khẳng định khoa học công nghệ là yếu tố sống còn của sản xuất nói chung, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Sự hợp tác nghiên cứu và chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất, mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân.

Tuy nhiên cần có cơ chế minh bạch các dự án khoa học công nghệ cũng như cơ chế chuyển giao công nghệ, huy động nguồn lực tài chính để đưa công nghệ vào sản xuất...

Chủ trì Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, trong lúc lắng nghe ý kiến tại Diễn đàn ông đã lướt web hàng loạt Viện nghiên cứu, nhưng không thấy viện nào đưa lên các sản phẩm.

bo-truong.jpg
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tại diễn đàn

“Con người hằng ngày bị chi phối bởi bao thông tin, tại sao chúng ta không làm truyền thông mạnh lên. Nếu không truyền thông tốt, thì người ta không biết tới sản phẩm của mình?”- Bộ trưởng trăn trở.

Ông kêu gọi các Viên nghiên cứu hãy 'đánh trống, khua chiêng' lên, tự người ta sẽ đến, sẽ biết. “Doanh nghiệp cần thành lập bộ phận truyền thông, thông tin đến khách hàng, đến doanh nghiệp khác. Đừng chờ đợi, đừng bị động” Bộ trưởng đưa ra nhắn nhủ.

Dẫn chứng slogan của GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học công nghệ Việt Nam: “Khoa học bén rễ tới đâu, chuyển giao cho nông dân tới đó”, Bộ trưởng lưu ý, điều quan trong không phải nghĩ những điều mình đang làm là tốt nhất mà phải luôn đặt câu hỏi: “Có cách nào khác làm tốt hơn không? Nếu chúng ta nghĩ việc đó không khó thì có thể làm được. Nhưng nếu nghĩ nó khó thì vĩnh viễn không bao giờ làm được…” ông khích lệ

Từ kiến nghị tại Diễn đàn, Bộ trưởng trăn trở với những nhu cầu tưởng như rất nhỏ của thị trưởng như cái dao gọt khoai tây hay bao tay dành cho phụ nữ hái ớt.

Nhớ đến hình ảnh chị em phụ nữ bấm ớt bằng tay phải có xô nước để cạnh, Bộ trưởng cho rằng khoa học có những cái cao siêu, nhưng cũng có những cái nho nhỏ - song giúp ích cho hàng triệu người nông dân…

Từ trăn trở làm sao để người nông dân bớt vất vả, nâng cao thu nhập cho nông dân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần phải hiểu đúng khái niệm “Thị trường khoa học công nghệ”. Bởi thị trường thì sẽ có cạnh tranh, tạo ra động lực để cho ra sản phẩm tốt hơn.

Bộ trưởng nhấn mạnh, sự thải loại của thị trường sẽ là sự cải tiến trong mọi mặt. “Doanh nghiệp có quyền lựa chọn nhiều Viện nghiên cứu, ngược lại Viện nghiên cứu cũng có quyền lựa chọn nhiều doanh nghiệp. Đó là cung cầu. Nếu chỉ dừng ở liên kết, thì khó đi xa…

Bộ trưởng cũng lưu ý, nếu Viện nghiên cứu chỉ đứng một mình, thì không hiểu thị trường, khâu này cần doanh nghiệp. Do đó, hợp tác liên kết có ý nghĩa sâu xa hơn nhiều so với chỉ một từ “vốn”.

“Tôi vẫn luôn lắng nghe các bức xúc liên quan đến ngành nông nghiệp, nhưng chúng ta cũng phải tự tìm cách giải thoát cho mình. Có nhà khoa học nói với tôi: “Chúng tôi làm sao biết thị trường như nào, Nhà nước cứ mua hết đi rồi bán chứ”. Nói vậy là sai, chúng ta nghiên cứu cái gì cũng phải theo thị trường. Mọi sự thay đổi thị trường, doanh nghiệp là người đầu tiên biết. Giống như vị mặn, vị ngọt trong nước thì con tôm, con cá cảm nhận được đầu tiên. Nhà nước sẽ luôn đi sau doanh nghiệp trong vấn đề này. Vì sao? Vì thị trường chính là hơi thở, là sức khỏe của doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng chính là yếu tố giúp cho viện, cho nhà khoa học hiểu thị trường cần gì, nghiên cứu gì…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ của Diễn đàn, 8 lễ ký kết chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ đã được tổ chức, dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cùng các đại biểu.

Cùng với đó, Bộ NN&PTNT cũng tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, công nghệ, kết quả nghiên cứu nổi bật của các viện, trường, DN với 8 chủ đề: trồng trọt - bảo vệ thực vật; chăn nuôi - thú y; lâm nghiệp; thủy sản; thủy lợi - phòng chống thiên tai; cơ điện - công nghệ sau thu hoạch; Học viện Nông nghiệp Việt Nam; khối các trường đại học, cao đẳng.

Nhiều thành tựu khoa học công nghệ mới được giới thiệu tại không gian trưng bày của Diễn đàn, như giống cây trồng, vật nuôi mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, 82 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích… có thể chuyển giao ngay cho doanh nghiệp và người dân.

Thanh Thanh