Hơn 21,6 triệu khách hàng đã xác thực sinh trắc học với dữ liệu dân cư qua CCCD gắn chip và VNeID
Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ tại hội thảo "Rủi ro tài chính và thủ đoạn lừa đảo trong hoạt động tài chính ngân hàng" do Hiệp hội Ngân hàng phối hợp với Lexis Nexis tổ chức sáng ngày 11/7.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu cho biết, sau khi Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định 2345) được ban hành ngày 18/12/2023 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, các đơn vị trong ngành Ngân hàng đã quan tâm tổ chức triển khai đồng bộ, bước đầu đạt được những kết quả tích cực.
"Theo số liệu cập nhật đến ngày 10/7/2024, ngành Ngân hàng đã xác thực sinh trắc học với dữ liệu dân cư (thông qua CCCD gắn chip và tài khoản VNeID) được hơn 21,6 triệu khách hàng", bà Nguyễn Thị Thu chia sẻ.
Ngày 8/7/2024 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn số 5675/NHNN-CNTT về việc triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hơn nữa cho khách hàng thực hiện giao dịch ngân hàng trực tuyến.
Tại công văn này, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các đơn vị trung gian thanh toán thực hiện: Đối với giao dịch loại C của khách hàng cá nhân theo quy định tại Quyết định 2345, áp dụng biện pháp xác thực sinh trắc học theo quy định và phải kết hợp với biện pháp xác thực OTP gửi qua SMS/Voice hoặc SoftOTP/TokenOTP.
Rà soát, thiết lập các tiêu chí kỹ thuật của giải pháp xác thực sinh trắc học bảo đảm xác định chính xác chủ thể thực hiện giao dịch, có tính năng phát hiện các hành vi giả mạo dấu hiệu sinh trắc học của vật thể sống (liveness detection) để phòng chống gian lận, giả mạo khách hàng qua hình ảnh (ảnh tĩnh, ảnh động), video, mặt nạ 3D và các hình ảnh, video tạo bởi công nghệ deepfake.
Bên cạnh đó, rà soát tài khoản thanh toán của doanh nghiệp. Trong đó, nghiên cứu, có giải pháp áp dụng các biện pháp ngăn chặn các hành vi mạo danh, can thiệp, chỉnh sửa, làm sai lệch việc xác minh thông tin nhận biết khách hàng trong quá trình mở và sử dụng tài khoản thanh toán và các biện pháp đảm bảo việc sử dụng tài khoản thanh toán được thực hiện bởi chính chủ tài khoản thanh toán hoặc người đại diện hợp pháp.
Theo đại diện Vụ Thanh toán, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán.
Đồng thời, tổ chức triển khai các văn bản pháp luật mới được ban hành và tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng; tiếp tục đẩy nhanh thực hiện triển khai, vận hành hệ thống giám sát các tài khoản thanh toán, ví điện tử nghi ngờ gian lận (SIMO); đẩy mạnh truyền thông, thông tin đến các khách hàng dưới nhiều hình thức để hướng dẫn, nâng cao nhận thức, hiểu biết của khách hàng về ứng dụng công nghệ.
Bà Nguyễn Thị Thu khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai Kế hoạch 01 về triển khai Đề án 06 để làm sạch dữ liệu, xác thực khách hàng và ứng dụng, triển khai các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng...