Tin Hiệp hội Ngân hàng

Thúc đẩy phòng, chống lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua các hình thức gian lận thanh toán

Quỳnh Lê 11/07/2024 20:01

Ngày 11/7/2024, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp cùng LexisNexis Risk Solutions tổ chức hội thảo với chủ đề “Rủi ro tài chính và thủ đoạn lừa đảo trong hoạt động tài chính ngân hàng”.

Quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trong thời gian qua đã mang lại những tiện ích, giao dịch thuận lợi cho người dân, tạo nên bước chuyển biến, đột phá mới cho ngành ngân hàng. Tuy nhiên, song song với đó, tình trạng tội phạm tài chính, lừa đảo cũng ngày càng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi và liên tục biến hóa, gây tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và các tổ chức tài chính.

a47i3170.jpg
Các diễn giả thảo luận tại hội thảo

Tại hội thảo, trích dẫn Báo cáo mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất do gian lận thanh toán số. Theo đó, tỷ lệ thiệt hại do gian lận số gây ra tại Việt Nam lên tới 3,6% GDP, cao hơn mức trung bình toàn cầu (1,1%) và vượt trội so với các nước như Brazil hay Thái Lan (cùng 3,2%).

Nhận diện các hình thức gian lận thanh toán tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, cho biết, có 3 nhóm hình thức phổ biến, bao gồm: Lừa đảo chiếm quyền sử dụng điện thoại di dộng; Lừa đảo thông qua chiếm đoạt thông tin đăng nhập và xác thực; Lừa đảo chiếm đoạt trực tiếp tiền của khách hàng.

Theo đó, các hình thức lừa đảo hiện nay rất đa dạng, các đối tượng tội phạm am hiểu tường tận thói quen sinh hoạt hằng ngày của khách hàng, dễ dàng tiếp cận và dẫn dụ khách hàng vào các bẫy lừa đảo. Đây đã trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội và làm sao để ngăn chặn tình trạng này trở thành bài toán mà các cơ quan quản lý trăn trở.

a47i2829.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Dựa kinh nghiệm làm việc với nhiều tổ chức tài chính trên toàn cầu, ông Thanh Tài Võ, Giám đốc Chiến lược thị trường, quản lý và nhận diện gian lận – Khu vực châu Á Thái Bình Dương, Công ty LexisNexis Risk Solutions, chia sẻ, việc phát hiện gian lận trên không gian mạng khó khăn hơn so với các hành vi gian lận trực tiếp, hơn thế nữa lừa đảo trên không gian mạng rất đa dạng và tội phạm công nghệ cao luôn thử nghiệm các chiêu thức mới nhằm qua mặt hàng rào bảo mật.

“Những gì chúng ta làm được ngày hôm qua có thể không đáp ứng được những thách thức của ngày hôm nay và của tương lai”, ông Thanh Tài Võ nhấn mạnh.

Do đó, theo chuyên gia của LexisNexis Risk Solutions, khi tội phạm trên không gian mạng lan rộng cùng sự phát triển của thanh toán số, việc ngăn chặn các hành vi gian lận tinh vi đòi hỏi cách tiếp cận đa chiều cùng việc cân bằng giữa các giải pháp an toàn bảo mật thông tin và trải nghiệm của khách hàng.

Về phía các ngân hàng, bà Nguyễn Ngọc Lan Anh – Giám đốc Khối Công nghệ và Vận hành, CTO, Ngân hàng Standard Charterd Việt Nam chia sẻ: “Tại Standard Charterd, để phòng chống rủi ro gian lận tài chính, chúng tôi tập trung vào 3 nguyên tắc chính: nâng cao nhận thức, phát hiện, hành động - ứng phó. Xuyên suốt các nguyên tắc này và các giải pháp triển khai, chúng tôi luôn lưu ý điểm quan trọng là trải nghiệm của khách hàng”.

Bà Nguyễn Ngọc Lan Anh cho biết thêm, các biện pháp được Standard Charterd xây dựng nhằm phát hiện các hành vi gian lận, lừa đảo đều dựa trên phân tích các dữ liệu chủ động để làm sao gây ít ảnh hưởng nhất đến trải nghiệm số hóa của khách hàng.

Về phía các cơ quan quản lý, trước thực trạng gian lận thanh toán ngày càng phức tạp, nhiều giải pháp đã được các cơ quan chức năng triển khai. Gần đây nhất, ngày 18/12/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Triển khai đồng bộ, tích cực Quyết định 2345/QĐ-NHNN, theo số liệu cập nhật đến ngày 10/7/2024 được đại diện Vụ Thanh toán thông tin, ngành Ngân hàng đã xác thực sinh trắc học với dữ liệu dân cư (thông qua CCCD gắn chip và tài khoản VNeID) được hơn 21,6 triệu khách hàng.

Ngày 8/7/2024 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có công văn số 5675/NHNN-CNTT về việc triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hơn nữa cho khách hàng thực hiện giao dịch ngân hàng trực tuyến.

Theo đại diện Vụ Thanh toán, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán.

Đồng thời, tổ chức triển khai các văn bản pháp luật mới được ban hành và tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng; đẩy mạnh truyền thông, thông tin đến các khách hàng dưới nhiều hình thức để hướng dẫn, nâng cao nhận thức, hiểu biết của khách hàng về ứng dụng công nghệ.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy nhanh thực hiện triển khai, vận hành hệ thống giám sát các tài khoản thanh toán, ví điện tử nghi ngờ gian lận (SIMO).

“SIMO là kho dữ liệu chung của ngành Ngân hàng về tài khoản thanh toán, ví điện tử… có dấu hiệu nghi ngờ, gian lận, lừa đảo, vi phạm pháp luật và cung cấp, chia sẻ thông tin cho các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán”, đại diện Vụ Thanh toán cho biết.

Bà Nguyễn Thị Thu khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai Kế hoạch 01 về triển khai Đề án 06 để làm sạch dữ liệu, xác thực khách hàng và ứng dụng, triển khai các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng...

Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày, thảo luận và trao đổi chuyên sâu về các chủ đề: Phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực tài chính ngân hàng; Giải pháp quản lý rủi ro cho hoạt động thanh toán quốc tế, tuân thủ, kiểm soát rủi ro, ngân hàng số; Triển khai ứng dụng công nghệ cao trong công tác phòng, chống tội phạm và các vụ việc lừa đảo trên không gian mạng;...

Quỳnh Lê