Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Cổng dữ liệu dân cư quốc gia là nguồn tài nguyên quan trọng, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số của ngành Ngân hàng
Cổng dữ liệu dân cư quốc gia (DLDCQG) là nguồn tài nguyên quan trọng, chính xác giúp thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái số của cả ngành Ngân hàng
Thông tin trên được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng báo cáo tại Phiên họp lần thứ 9 của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ. Phiên họp do Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì.
Phát biểu tại Phiên họp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định những kết quả trong công tác chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 nửa đầu năm 2024 đạt được là nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự tham gia tích cực của các cơ quan bộ, ngành.
Về quá trình triển khai và kết quả thực hiện chuyển đổi số của NHNN, Thống đốc cho biết, NHNN đã ban hành kế hoạch hoạt động của năm 2024, bao gồm các kế hoạch chuyển đổi số và các giải pháp để đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật trong hoạt động ngân hàng.
"NHNN là một trong 16 đơn vị bộ, ngành đã hoàn thành trước nhiệm vụ, kế hoạch chuyển đổi số năm 2024; hoàn thành một số chỉ tiêu trong kế hoạch chuyển đổi số năm 2025; là một trong 19 đơn vị đã ban hành kế hoạch giám sát thực hiện chuyển đổi số ngành Ngân hàng", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin.
Đối với nhiệm vụ tăng cường kết nối và phát triển hệ sinh thái số trong ngành Ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, cổng dữ liệu dân cư quốc gia (DLDCQG) là nguồn tài nguyên quan trọng, chính xác giúp thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái số của cả ngành Ngân hàng. Năm 2023, NHNN cùng với Bộ Công an đã ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06, gồm 11 nhiệm vụ trọng tâm và 35 nhiệm vụ cụ thể.
Vừa qua, NHNN đã hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm mục tiêu tạo thuận lợi cho việc kết nối DLDCQG và công tác chuyển đổi số, trong đó vẫn phải bảo đảm sự đồng bộ, phù hợp với các cơ sở pháp luật liên quan (Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Căn cước, Luật Phòng, chống rửa tiền; các quy định về xác thực định danh điện tử,...).
NHNN cũng đưa ra nhiều chỉ đạo tăng cường đối với các đơn vị trực thuộc, yêu cầu các đơn vị chú trọng công tác phối hợp, chia sẻ lẫn nhau với các bộ, ngành. Theo đó, NHNN yêu cầu Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) trong công tác rà soát, đối chiếu dữ liệu. Hiện nay, đã có khoảng 50 triệu dữ liệu khách hàng được làm sạch.
Đối với các tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN yêu cầu tăng cường kết nối ứng dụng cơ sở dữ liệu dân dân cư (DLDC) trong hoạt động ngân hàng. Thống đốc cho biết, đến nay, có 28 TCTD đã hoàn thành ký kết với C06; có 60 TCTD đã ký kết với C06 về việc phối hợp với các doanh nghiệp được Bộ Công an cấp phép để tiến hành triển khai căn cước công dân gắn chip đối với giao dịch ngân hàng qua mobile app hoặc trực tiếp tại quầy…
Ngoài ra, đã có hơn 22 triệu khách hàng đăng ký xác thực giao dịch bằng sinh trắc học, điều này đặc biệt quan trọng trong công cuộc bảo đảm an toàn tài sản cho người dân, đồng thời bảo đảm yếu tố minh bạch trong hoạt động của các TCTD.
Để tích cực triển khai hơn nữa các nhiệm vụ tại Đề án 06 và thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số quốc gia, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: "công tác phối hợp và chia sẻ cần được đặt lên hàng đầu". Theo đó, các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần đẩy mạnh nghiên cứu, cùng nhau xây dựng một nền tảng chung, một hệ sinh thái số nơi mà các đơn vị có thể chia sẻ dữ liệu một cách nhanh chóng và an toàn.
Đối với ngành Ngân hàng cùng các hoạt động mang tính chất tương tác thường xuyên với khách hàng như cho vay tín dụng, gửi tiền, thanh toán..., thì kho dữ liệu chia sẻ chung sẽ góp phần lớn giúp ngăn chặn, loại bỏ các hành vi lừa đảo, giả mạo chiếm đoạt tài sản.
Thống đốc cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin Truyền thông và các bộ, ngành liên quan khác, củng cố và hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cấp hạ tầng công nghệ, tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật phục vụ công tác chuyển đổi số đáp ứng mục tiêu của Kế hoạch chuyển đổi số quốc gia.
"NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt là hoạt động giáo dục tài chính để giúp người dân hiểu đúng và rõ về hoạt động ngân hàng, đặc biệt là trong kỷ nguyên số phát triển không ngừng như hiện nay", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.
Thông tin tại Phiên họp cho biết, đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 85 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước (100% công dân đã được cấp mã số định danh cá nhân; 86,3 triệu công dân đã được cấp thẻ căn cước gắn chip điện tử; hơn 75,7 triệu tài khoản VNeID đã được cấp).
Tích cực thí điểm, triển khai nhiều tiện ích số cho người dân, doanh nghiệp như cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VneID (thí điểm tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế)...
Đã có 16,4 triệu tài khoản và 51,6 triệu hồ sơ được nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia (6 tháng đầu năm đã cấp mới 4,8 triệu tài khoản và 13,9 triệu hồ sơ được nộp).
Triển khai 43/53 dịch vụ công thiết yếu (tăng 5 dịch vụ công so với cuối năm 2023). Riêng 25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06 hằng năm đã tiết kiệm cho Nhà nước và xã hội 3.500 tỷ đồng/năm.
Tỉ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được đẩy mạnh (cấp bộ là 46,4%, tăng 22,1%; địa phương đạt 58,1%, tăng 14,6%). Từ ngày 1/7/2024, người dân có thể sử dụng duy nhất tài khoản VNeID để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.