Giữ đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu
Bộ Công Thương đề xuất doanh nghiệp tự tính giá xăng dầu theo các yếu tố Nhà nước công bố do điều hành giá xăng dầu qua nhiều bước, chưa theo thị trường.
Bộ Công Thương mới có hồ sơ thẩm định dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu lần thứ 3 gửi Bộ Tư pháp.
Theo đó, Bộ Công Thương giữ quan điểm như tại bản thảo tháng 4 trước đó, là Nhà nước sẽ không điều hành giá bán lẻ nhiên liệu trong nước. Thay vào đó, doanh nghiệp (đầu mối, phân phối) tự tính, quyết giá bán lẻ trên cơ sở các yếu tố do Nhà nước công bố.
Cụ thể, cơ quan quản lý sẽ công bố giá thế giới bình quân 7 ngày một lần và một số chi phí cố định (tỷ giá ngoại tệ, thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, thuế nhập khẩu). Dựa trên dữ liệu này, doanh nghiệp đầu mối sẽ cộng thêm các khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức để tính giá bán tối đa.
Giá bán lẻ tới người tiêu dùng không được cao hơn mức tối đa này, riêng tại vùng sâu, vùng xa và hải đảo được cộng thêm 2%. Điểm mới là họ sẽ phải kê khai giá, thông báo với cơ quan quản lý để giám sát.
Việc thay đổi này, theo Bộ Công Thương xuất phát từ thực tế cơ chế điều hành giá hiện nay chưa đảm bảo theo cơ chế thị trường, phải qua quá nhiều bước. Quy định hiện hành là Bộ Tài chính hướng dẫn cách xác định các yếu tố cấu thành giá cơ sở, điều chỉnh các khoản chi phí, lợi nhuận định mức dựa trên báo cáo của doanh nghiệp đầu mối, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền hàng quý. Sau đó, họ thông báo cho Bộ Công Thương để tính giá cơ sở bán lẻ. Giá này được công bố 7 ngày một lần, là mức trần để các doanh nghiệp xác định giá bán trong hệ thống. Ví dụ, kỳ điều hành ngày 11/7, Nhà nước công bố RON 95 -III tối đa 23.294 đồng một lít, thì doanh nghiệp chỉ được bán ra bằng hoặc thấp hơn mức này.
Ngoài ra, Bộ Công Thương không đề xuất mức cụ thể với chi phí kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận định mức doanh nghiệp được cộng vào giá bán lẻ (1.800-2.000 đồng một lít hoặc 4-20%). Bộ sẽ công bố định mức gốc ban đầu của chi phí lưu thông, rà soát 3 năm một lần. Sau đó, doanh nghiệp tính toán, điều chỉnh các chi phí này hằng năm theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Còn lợi nhuận định mức vẫn cố định ở 300 đồng một lít, kg xăng dầu.
Các khoản chi phí khác như vận tải, bảo hiểm, hao hụt, bốc dỡ... được cơ quan quản lý đưa ra 3 tháng một lần, trước ngày 20 của tháng thứ 3, trừ khi biến động bất thường cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền. Doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phải gửi báo cáo đã kiểm toán độc lập về số liệu các khoản chi phí này của 3 tháng trước đó lên Bộ Công Thương.
Hệ thống phân phối xăng dầu hiện tồn tại các loại hình, gồm thương nhân đầu mối, phân phối và đại lý bán lẻ, nhượng quyền.
Với thương nhân phân phối, dự thảo lần này Bộ Công Thương đưa ra 2 phương án. Phương án 1, doanh nghiệp phân phối chỉ được mua xăng dầu từ đầu mối, không được mua bán chéo của nhau; Phương án 2 giữ như hiện tại, tức là họ được mua bán lẫn nhau.
Theo Bộ Công Thương, không nên cho phép đơn vị phân phối mua bán xăng dầu lẫn nhau, tức chọn phương án 1. Việc này nhằm tránh mua chéo, tạo trung gian, thêm chi phí trong khâu này, khó kiểm soát nguồn cung.
Bên cạnh đó, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ phải kết nối dữ liệu về tổng nguồn xăng dầu, tiêu thụ, lượng tồn kho. Họ cũng phải đáp ứng quy định về kinh nghiệm trong lĩnh vực này để được cấp phép. Chẳng hạn, thương nhân phân phối muốn nâng lên làm đầu mối phải hoạt động liên tục trong ít nhất 36 tháng.
Dự thảo giữ quan điểm tiếp tục cho đầu mối được phép thuê kho chứa nhưng phải đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện. Cơ quan quản lý sẽ có giải pháp kiểm tra, giám sát và chế tài xử lý vi phạm nhằm tránh trục lợi chính sách.
Tuy nhiên, để được cấp phép kinh doanh doanh nghiệp đầu mối phải đáp ứng tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 100.000 m3, tấn một năm. Nguồn này tính trên lượng xăng dầu nhập khẩu, mua từ nhà máy lọc dầu trong nước, tự pha chế, không phải mua bán qua lại giữa các đầu mối.