Hoạt động ngân hàng

Phát huy hiệu quả tín dụng chính sách ở Hậu Giang

ThS. Trần Trọng Triết {Ngày xuất bản}

Hoạt động tín dụng chính sách xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ngày càng phát huy hiệu quả. Dòng vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, góp phần cho tỉnh thực hiện đạt chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra.

Xác định tín dụng chính sách là một trong những nguồn lực quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới, Tỉnh ủy Hậu Giang đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền trong tổ chức, triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40) và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.

download.jpg
Phát huy hiệu quả tín dụng chính sách ở Hậu Giang

Để thực hiện tốt Chỉ thị số 40, trong suốt chặng đường thực hiện tín dụng chính sách, phải khẳng định rằng cánh tay nối dài từ các cấp, tổ chức, hội đoàn thể có vai trò rất quan trọng trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Công tác điều tra, xác định đối tượng vay vốn, phối hợp đào tạo, tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả luôn được quan tâm.

Ông Nguyễn Minh Vương, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Hậu Giang chia sẻ, các chương trình tín dụng ưu đãi do NHCSXH thực hiện cùng với các chính sách khác đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đầu năm 2015 từ 8,4% xuống còn 3,29% cuối năm 2023.

Thông qua các chương trình tín dụng chính sách cho vay tại các xã xây dựng nông thôn mới trong tỉnh đã góp phần giúp 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 11 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh cũng đã công nhận được 266 sản phẩm OCOP, trong đó có 92 sản phẩm OCOP 4 sao, 174 sản phẩm OCOP 3 sao, với 121 chủ thể đăng ký tham gia.

Để đảm bảo nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách, được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của NHCSXH, đến nay NHCSXH tỉnh được NHCSXH cân đối chuyển 3.166 tỷ đồng để thực hiện cho vay.

Theo ông Vương, NHCSXH Trung ương giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng 2024 cho đơn vị để thực hiện cho vay 6 chương trình tín dụng, với tổng vốn là 149,5 tỷ đồng. Trong đó, phân bổ chương trình cho vay hộ nghèo và cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 65 tỷ đồng, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 50 tỷ đồng, cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù 4,5 tỷ đồng, cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ nguồn vốn NHCSXH huy động là 30 tỷ đồng. Hiện nay, nguồn vốn phân bổ đang được đơn vị triển khai cho vay, để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn vay cho người sử dụng.

Điển hình, qua 2 năm sau khi được sử dụng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất đối với hộ gia đình người có công với cách mạng, ông Phạm Thanh Tâm, ở ấp 1, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, đã có cuộc sống khá hơn.

Ông Tâm vui mừng cho biết: “Thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Nông dân xã, vào năm 2021 được tiếp cận vay vốn 100 triệu đồng từ Chương trình tín dụng chính sách ưu đãi thuộc diện hộ hộ gia đình người có công với cách mạng và 20 triệu đồng từ nguồn cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn. Với nguồn vốn vay, gia đình tôi đã đầu tư vào vườn mãng cầu xiêm và phát triển nghề nuôi lươn, nuôi heo, cũng như đầu tư công trình nước sạch phục vụ sinh hoạt”.

Hiện nay, vườn nhà ông Tâm có trên 700 gốc mãng cầu xiêm lớn nhỏ, trong đó đã cho trái trên 300 gốc, có trên 80 con heo và bể lươn sắp thu hoạch được 36.000 con. Riêng trong năm 2023, sau khi trừ hết chi phí, thu nhập của gia đình ông Tâm trên 540 triệu đồng. Nhờ đó giúp gia đình ông có cuộc sống thoải mái hơn trước đây rất nhiều.

Ông Tâm nhận thấy nguồn vốn dành cho người có công với cách mạng rất phù hợp, dễ tiếp cận, mang tính nhân văn. Ông rất cảm ơn Đảng, Nhà nước và NHCSXH đã tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ cho những hộ có công với cách mạng như gia đình ông.

Còn ông Đặng Văn Khanh, ở ấp 2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, cũng được vay từ Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường và chăn nuôi 80 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay giúp gia đình ông có nước sạch sử dụng để bảo vệ sức khỏe và mua được một con bò mẹ và 1 bò con. Hiện nay, bò đã sinh sản thêm 3 bò con nữa. Nhờ đó giúp gia đình anh làm ăn thoát hộ nghèo năm 2023.

Để nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời đến người thụ hưởng, nâng cao chất lượng tín dụng, bà Trần Ngọc Trang, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Vị Thủy, cho biết: Phòng giao dịch tăng cường công tác tham mưu để thu hút nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để duy trì, nâng cao chất lượng tín dụng, nâng cao chất lượng hoạt động của NHCSXH là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình hoạt động. Đặc biệt, phối hợp với các phòng, ban, ngành, đơn vị có liên quan, hàng năm tham mưu Hội đồng nhân dân và UBND huyện chuyển nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH huyện để cho vay đáp ứng nhu cầu vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Theo chuẩn hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, năm 2023 số hộ nghèo toàn tỉnh Hậu Giang là 6.611 hộ, chiếm tỷ lệ 3,29% và số hộ cận nghèo là 6.741 hộ, chiếm tỷ lệ 3,36%. Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, cũng như thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh đã xác định 4 trụ cột kinh tế để tạo đột phá. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 40 và từ nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục tạo thuận lợi cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách có điều kiện tiếp cận để phát triển kinh tế.

ThS. Trần Trọng Triết