6 tháng đầu năm, thu ngân sách Nhà nước tăng gần 18%, đạt 61% dự toán
6 tháng đầu năm 2024 thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 1.038 nghìn tỷ đồng, bằng 61% dự toán, tăng 17,7% so cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, chi NSNN ước đạt 803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 37,9% dự toán, bằng xấp xỉ mức thực hiện năm 2023.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2024 do Bộ Tài chính tổ chức sáng ngày 15/7.
Kiểm soát chặt chẽ chi, bội chi NSNN và nợ công
Theo Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2024 thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 1.038 nghìn tỷ đồng, bằng 61% dự toán, tăng 17,7% so cùng kỳ năm 2023 (thu ngân sách trung ương ước đạt 64,7% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt 57,4% dự toán). Trong đó, thu nội địa đạt 60,1% dự toán, tăng 19,7% so cùng kỳ; thu từ dầu thô đạt 64,3% dự toán, giảm 5,1% so cùng kỳ; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 68,4% dự toán, tăng 11,5% so cùng kỳ.
Chi NSNN ước đạt 803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 37,9% dự toán, bằng xấp xỉ mức thực hiện năm 2023; trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 29% dự toán Quốc hội quyết định, giảm 8,8% (16,4 nghìn tỷ đồng) so cùng kỳ; tỷ lệ giải ngân ước đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 giải ngân đạt khoảng 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); chi trả nợ lãi ước đạt 49,7% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 43,7% dự toán.
Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Đến hết tháng 6 năm 2024, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành 156,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 10,89 năm, lãi suất bình quân 2,33%/năm đảm bảo nguồn chi trả kịp thời nợ gốc các khoản vay đến hạn của ngân sách trung ương và góp phần định hướng lãi suất thị trường.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm diễn ra thuận lợi, song tình hình đã cho thấy phát sinh khó khăn, thách thức. Nhờ sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, giám sát của Quốc hội, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, ngay từ đầu năm ngành Tài chính đã quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, tập trung thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp tài chính - NSNN đã đề ra; điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Qua đó, công tác quản lý thu ngân sách được tăng cường; kiểm soát chặt chẽ chi, bội chi NSNN và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép; kiểm soát giá cả, thị trường; siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính; giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, ổn định đời sống người dân, góp phần và tạo đà quan trọng hoàn thành thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả năm trong những tháng cuối năm 2024.
10 giải pháp triển khai 6 tháng cuối năm 2024
Tại hội nghị, Bộ Tài chính dự báo thời gian tới tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức. Diễn biến khu vực và thế giới tiếp tục phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt; tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro; hiện tượng biến đổi khí hậu (El Nino) gây nắng nóng, hạn hán; xung đột vũ trang Nga – Ukraine, Hamas, Trung Đông kéo dài; lạm phát, giá dầu và nguyên, nhiên liệu đầu vào còn ở mức cao, tiếp tục tác động không thuận đến đà phục hồi của nền kinh tế thế giới và kinh tế nước ta.
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2024, điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, chủ động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ Tài chính triển khai 10 giải pháp, bao gồm:
Một là, tập trung thực hiện các giải pháp chính sách tài khóa, kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu hoàn thành và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 đã đề ra.
Hai là, quyết liệt thực hiện công tác thu NSNN, trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường quản lý thu, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác thu thuế, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử, tăng cường quản lý thu các giao dịch thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài...
Ba là, tổ chức điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; tập trung đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024 theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII và Nghị quyết kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
Bốn là, kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, giữ bội chi NSNN và nợ công trong phạm vi giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội.
Năm là, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế kiểm tra, đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế
Sáu là, tập trung tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm dự toán thu NSNN. Các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ
Bảy là, các Bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu theo đúng ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Tám là, tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Chín là, nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính trong lĩnh vực tài chính công. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN, tài sản công, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Mười là, chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2025, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2025-2027.