Hoạt động ngân hàng

Lan tỏa hiệu quả vốn tín dụng chính sách giảm nghèo ở Tiền Giang

ThS. Trần Trọng Triết 16/07/2024 15:30

Nhờ hiệu quả lan tỏa từ dòng vốn tín dụng chính sách hỗ trợ thông qua từ nguồn vốn vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

cho-vay-von-tin-dung-chinh-sach-cho-nguoi-thu-huong.-2-.jpg
Lan tỏa hiệu quả vốn tín dụng chính sách giảm nghèo ở Tiền Giang

Tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Tiền Giang mang ý nghĩa thiết thực đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, đã thực sự đi vào cuộc sống, phù hợp lòng dân, đáp ứng nguyện vọng của chị em hội viên phụ nữ, được chị em và Nhân dân đồng tình ủng hộ.

Đáng chú ý trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hội viên giúp nhau phát triển kinh tế, như: “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã có 244.612 hộ đạt danh hiệu, chiếm 58,19% số hộ đăng ký.

Trong đó, số hộ nông dân đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp cơ sở là trên 135.760 hộ, chiếm 72,51% tổng số hộ đạt; số hộ nông dân đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp huyện là 69.652 hộ, chiếm 21,98% tổng số hộ đạt; số hộ nông dân đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp tỉnh là 9.778 hộ, chiếm 4,94% tổng số hộ đạt; số hộ nông dân đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp Trung ương là 115 hộ, chiếm 0,57% tổng số hộ đạt; số hộ có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm tăng gấp 2,7 lần; số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng gấp 1,8 lần.

Kết quả trên là nhờ hiệu quả lan tỏa từ dòng vốn tín dụng chính sách hỗ trợ thông qua từ nguồn vốn vay ủy thác của NHCSXH tỉnh. Ông Dương Văn Hoàng, Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Tiền Giang chia sẻ, đến nay tổng dư nợ chương trình tín dụng thực hiện theo phương thức ủy thác là 4.293.729 triệu đồng (chiếm 99,68% tổng dư nợ); tăng 686.578 triệu đồng (19,03%) so với năm 2022 và tăng 131.252 triệu đồng (3,15%) so với năm 2023.

Trong đó, dư nợ ủy thác thông qua Hội Nông dân chiếm 42,97%, Hội Liên hiệp Phụ nữ chiếm 35,12%, Hội Cựu Chiến binh chiếm 12,80%, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chiếm 9,11%. Tổng doanh số cho vay theo phương thức ủy thác năm 2023 đạt 1.252.845 triệu đồng (chiếm 99,30% tổng doanh số cho vay của NHCSXH) và 3 tháng đầu năm 2024 đạt 389.707 triệu đồng (chiếm 99,62% tổng doanh số cho vay của NHCSXH). Tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn đạt 92,23%.

Hiệu quả hoạt động cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đã phản ánh tính tiên tiến của phương thức cho vay; chuyển tải vốn nhanh, đáp ứng được nhu cầu vốn cho hộ nghèo, đối tượng chính sách, đồng thời quản lý vốn tín dụng chính sách công khai, dân chủ, xã hội hóa hoạt động NHCSXH.

Còn theo số liệu thống kê từ Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Gò Công, những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường trên địa bàn, kịp thời giúp cho 32.090 lượt hộ nghèo, 5.188 lượt hộ cận nghèo, 1.236 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn, góp phần giúp trên 5.888 hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho trên 8.330 lao động, giúp trên 6.352 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; hỗ trợ xây mới và cải tạo 29.213 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây dựng, sửa chữa 438 căn nhà cho hộ nghèo và 19 căn nhà ở xã hội...

Từ phương thức cho vay ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Gò Công đã huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị các cấp để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ, của NHCSXH đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch và kịp thời, giúp họ nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thực tế cho thấy, vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay lãi nặng ở khu vực nông thôn, giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Điển hình như hộ chị Nguyễn Ánh Tuyết, ấp Muôn Nghiệp, xã Bình Đông, thị xã Gò Công trước đây thuộc diện hộ nghèo của xã, kinh tế gia đình nhiều khó khăn, không đất canh tác, không nghề nghiệp ổn định, nuôi con nhỏ. Thời điểm đầu, chị vay 10 triệu đồng vốn hộ nghèo để đầu tư nuôi dê, gà, vịt. Đến năm 2015, gia đình đỡ khó khăn hơn, chị mạnh dạn vay 30 triệu đồng để chăn nuôi bò và vươn lên thoát nghèo vào năm 2017. Hiện tại, chị đang vay 50 triệu đồng để đầu tư thêm số lượng bò nuôi, nay chị nuôi được 7 con bò sinh sản. Nhờ chăm chỉ làm ăn, kinh tế gia đình chị phát triển và là hộ có thu nhập khá của xã Bình Đông.

Ông Nguyễn Văn Duẩn, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Gò Công cho biết, đến nay dư nợ đạt trên 416 tỷ đồng, chất lượng tín dụng không ngừng được củng cố nâng cao. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người, đời sống của nhân dân, đặc biệt là hộ nghèo ngày càng được cải thiện, thực hiện tốt các mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn thị xã.

ThS. Trần Trọng Triết