Thu hút FDI vào Việt Nam tăng 13,1% trong bối cảnh tổng lượng vốn FDI thế giới suy giảm
Trong khi tổng lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn thế giới tiếp tục suy giảm thì 6 tháng đầu năm, thu hút vốn FDI vào Việt Nam tăng khá, tổng vốn đăng ký đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023. Theo chuyên gia, Việt Nam đang được hưởng lợi từ xu thế đầu tư “Friend-shoring”.
Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế mùa Hè 2024 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, trong vài năm gần đây, tổng lượng vốn FDI trên toàn thế giới tiếp tục suy giảm. Trong đó, xu hướng dòng vốn FDI chảy rất mạnh vào các nền kinh tế thu nhập cao và giảm với các nền kinh tế đang phát triển.
Dù nằm trong nhóm các nền kinh tế đang phát triển song theo Chuyên gia kinh tế trưởng ADB, Việt Nam vẫn "giữ nhịp" thu hút được vốn FDI khá tốt trong bối cảnh sụt giảm toàn thế giới cũng như lượng vốn chạy vào nước đang phát triển có xu hướng giảm sút.
Sơ kết 6 tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, kinh tế Việt Nam tiếp tục chứng minh sự “hấp dẫn” với nhà đầu tư nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm, thu hút vốn tăng khá, tổng vốn đăng ký đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó vốn đăng ký mới tăng 46,9%.
Số vốn FDI giải ngân đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2%, tăng cao nhất trong 5 năm gần đây, phản ánh các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đúng cam kết tại thị trường Việt Nam, đồng thời phản ánh năng lực hấp thu và giải ngân vốn đầu tư của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Lý giải về kết quả khả quan này, ông Nguyễn Bá Hùng cho biết, vốn FDI chạy vào các nước có thu nhập cao cũng là một dấu hiệu để cho thấy xu hướng "Friend-shoring" - tức là việc kéo theo các chuỗi sản xuất về các nước thân thiện hơn, được coi là an toàn về chính trị và kinh tế hoặc có rủi ro thấp.
"Từ các điểm đến của dòng vốn FDI trong năm 2023, có một điểm rất quan trọng, đó là sụt giảm dòng vốn vào Trung Quốc, khoảng 150 tỷ USD/năm", chuyên gia kinh tế trưởng ADB phân tích thêm.
Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng cho rằng, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn làm dịch chuyển về dòng vốn đầu tư và kéo theo dịch chuyển các chuỗi cung ứng sản xuất và thương mại.
Chính các doanh nghiệp Trung Quốc cũng chuyển dịch hoạt động sản xuất của họ sang Việt Nam để tránh sự trừng phạt từ các chính sách của Mỹ. Do đó, vốn đầu tư FDI vào thị trường Việt Nam luôn ghi nhận được mức tăng trưởng tốt so với các nước trong khu vực.
Từ những lợi thế đó, để tận dụng cơ hội từ dòng vốn FDI, ông Nguyễn Bá Hùng khuyến nghị 2 vấn đề gồm: Thứ nhất, kết nối chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp xuất khẩu. Thứ hai, hiện doanh nghiệp trong nước phần lớn là vừa và nhỏ, còn doanh nghiệp Việt Nam đủ lớn thì hơi ít; doanh nghiệp đủ lớn để có thể điều khiển được chuỗi thậm chí còn ít hơn. Do vậy, cần tạo ra môi trường để doanh nghiệp nội địa lớn lên và khi lớn lên sẽ tham gia sâu hơn vào các chuỗi xuất nhập khẩu của khu vực FDI.
Dẫn chứng từ thực tế Indonesia phải đánh thuế vào cả hàng hóa Trung Quốc vì lo ngại những mặt hàng này tràn vào thị trường, ông Phạm Quang Vinh lưu ý cần đề phòng sự chuyển dịch ngược trong các luồng đầu tư. Bởi khi cạnh tranh nước lớn gia tăng, Việt Nam có thể tranh thủ được cả hai bên nhưng cũng có nguy cơ có quá nhiều sản phẩm chuyển dịch sang Việt Nam, dẫn đến tình trạng sản xuất quá mức, làm thao túng thị trường.