Bình Phước tạo thuận lợi để doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn ngân hàng
Việc thực hiện, triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp ở tỉnh Bình Phước năm 2024 đã tăng thêm sự gắn kết, chia sẻ giữa ngân hàng và doanh nghiệp để cùng phát triển. Ngân hàng có thêm nhiều khách hàng mới, từ đó khơi thông được dòng vốn, giúp tăng trưởng tín dụng bền vững hơn.
Đáng chú ý, theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Bình Phước, tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 tăng 7,76% so với cùng kỳ năm 2023, đứng thứ 2 vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 18 cả nước. Trong đó, công nghiệp – xây dựng tăng 13,93%; dịch vụ tăng 6,36%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,76% và ngành nông, lâm thủy sản tăng 3%.
Tổng số kim ngạch xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm là 5,396 tỷ USD, tăng 51,5% so với cùng kỳ; trong đó, kim ngạch xuất khẩu trên 2,16 tỷ USD, tăng 16,4%; kim ngạch nhập khẩu là 3,23 tỷ USD, tăng trên 90% so với cùng kỳ. Quy mô nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm theo giá hiện hành đạt 51.689,89 tỷ đồng, tăng 6.031,41 tỷ đồng, tăng 13,21% so với năm 2023.
Ông Bùi Huy Thọ, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Phước chia sẻ, đơn vị đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn chủ động triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2024. Đề nghị các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn chủ động nắm bắt nhu cầu về vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân; chủ động tiếp cận khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả để tham gia chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Theo đó, Agribank Tây Bình Phước đã tổ chức hội nghị kết nối khách hàng doanh nghiệp với đơn vị, nhằm giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ ưu việt của Agribank. Tại hội nghị, hơn 50 khách hàng doanh nghiệp đã được giới thiệu các gói sản phẩm hỗ trợ, cho vay cùng các chính sách khách đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vay để trả nợ tại tổ chức tín dụng khác.
Đồng thời, lãnh đạo Agribank Tây Bình Phước cũng đã trực tiếp đối thoại với các khách hàng doanh nghiệp về các chính sách miễn, giảm lãi, phí hỗ trợ khách hàng trả nợ sau dịch COVID-19; cho vay ngắn hạn theo Nghị định 55 của Chính phủ…
Kết quả 6 tháng đầu năm 2024, Agribank Tây Bình Phước đã triển khai các gói tín dụng, chương trình ưu đãi với lãi suất thấp và gắn với cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tiện ích với tổng dư nợ hơn 1.177 tỷ đồng cho 2.090 khách hàng. Đến nay, Agribank Tây Bình Phước có tổng dư nợ cho vay hơn 16.385 tỷ đồng, trong đó dư nợ chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn, nông dân chiếm hơn 90%.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc Agribank đưa ra những gói ưu đãi rất cần thiết và có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh phục hồi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp, nhờ tham gia chương trình đã tiếp cận được các gói tín dụng lãi suất ưu đãi từ các ngân hàng, có thêm sự lựa chọn để vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Phước, số dư huy động vốn trên địa bàn đến nay ước đạt 55.000 tỷ đồng, tăng 230 tỷ đồng, tăng 0,42% so với cuối năm 2023. Dư nợ tín dụng cho vay nền kinh tế đạt 126.000 tỷ đồng, tăng 5.705 tỷ đồng tăng 4,74% so với cuối năm 2023.
Cũng theo ông Bùi Huy Thọ, song hành với tín dụng thương mại, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bình Phước là 4.509.038 triệu đồng, tăng 341.126 triệu đồng so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ trung ương đạt 4.229.590 triệu đồng, nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương là 279.448 triệu đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh số cho vay của NHCSXH tỉnh đạt 712.385 triệu đồng, với 15.919 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Doanh số thu nợ đạt 373.675 triệu đồng, bằng 52,5% doanh số cho vay. Tổng dư nợ đạt 4.501.890 triệu đồng, tăng 338.710 triệu đồng so với đầu năm, đạt 98,17% kế hoạch tăng trưởng được giao. Chất lượng tín dụng chính sách toàn tỉnh đạt 97,99 điểm, tăng 0,13 điểm so với năm 2023, xếp loại tốt.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Hiệu quả vốn tín dụng chính sách đã giúp 15.919 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần thu hút, tạo việc làm cho 1.856 lao động; hỗ trợ 714 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; xây dựng 16.242 công trình cung cấp nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn; 13 căn nhà ở xã hội được xây dựng... Hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.