Các Hiệp hội ngành, nghề

"Bệ đỡ" cho thị trường bảo hiểm hồi phục

Tuấn Thủy 18/07/2024 - 15:31

Thông tư hướng dẫn chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm 2023 đã chính thức được Bộ Tài chính ban hành là một trong những điểm tựa vững chắc để thị trường lấy lại đà tăng trưởng.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 67/2023/TT-BTC hướng dẫn chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2023. Theo khảo sát mới đây của Vietnam Report, khoảng 59,1% doanh nghiệp và chuyên gia được hỏi đánh giá, Thông tư số 67/2023/TT-BTC mở ra cơ hội quan trọng thúc đẩy thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong năm 2024.

Một trong những điểm nổi bật của Thông tư số 67/2023/TT-BTC là quy định chi tiết về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bao gồm các nghiệp vụ bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, điều kiện tham gia bảo hiểm, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia bảo hiểm, giúp cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm trở nên minh bạch, hiệu quả và an toàn hơn.

Bên cạnh đó, Thông tư còn thúc đẩy việc áp dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, như việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm trên internet, triển khai các dịch vụ số hóa, giúp rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường.

Nguồn: Vietnam Report
Nguồn: Vietnam Report

Với những điểm nổi bật và cải tiến quan trọng, Thông tư số 67/2023/TT-BTC được kỳ vọng sẽ tạo ra những động lực mới, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của thị trường bảo hiểm Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Về tiềm năng thị trường, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm/GDP tại Việt Nam hiện nay dao động ở mức 2,3% - 2,8%, thấp hơn so với mức trung bình 3,35% của khối ASEAN, 5,37% của châu Á và 6,3% của thế giới. Điều này cho thấy thị trường bảo hiểm tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển và mở rộng.

Nguyên nhân của tỷ lệ thâm nhập thấp này phần lớn là do nhận thức về bảo hiểm trong dân còn chưa cao, cùng với thu nhập trung bình của người dân vẫn còn thấp so với các nước phát triển. Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm Việt Nam được đánh giá là tiềm năng với tốc độ tăng trưởng cao trong những năm gần đây.

Theo dự báo của Bộ Tài chính, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm tại Việt Nam sẽ đạt 3,5% vào năm 2025 và 15% vào năm 2030. Với sự tăng trưởng kinh tế ổn định và thu nhập ngày càng được cải thiện, khả năng chi trả cho các sản phẩm bảo hiểm của người dân cũng tăng lên. Mặc dù năm 2022 một người Việt Nam chỉ chi ra khoảng 2,5 triệu đồng cho bảo hiểm mỗi năm nhưng so với năm 2017, mức phí này đã tăng gấp 2 lần.

Với cơ cấu nhân khẩu học đang trong thời kỳ hoàng kim, có thể dự báo rằng phí bảo hiểm bình quân đầu người tại nước ta sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai, khi một bộ phận ngày càng lớn dân số già đi, dẫn đến mức phí cao hơn.

Thêm vào đó, Chính phủ và các doanh nghiệp bảo hiểm đang nỗ lực nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về vai trò và lợi ích của bảo hiểm thông qua các chương trình tuyên truyền và giáo dục.

Đồng thời, sự phát triển của công nghệ thông tin và các nền tảng số đang góp phần quan trọng trong việc nâng cao tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm một cách dễ dàng và thuận tiện hơn.

Tuấn Thủy