Hoạt động ngân hàng

Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen

Quỳnh Dương 18/07/2024 - 15:42

Tín dụng tiêu dùng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh, bền vững là rất cần thiết, xuất phát từ thực tiễn khách quan.

Ngày 18/7/2024, Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen”.

Tín dụng tiêu dùng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn khẳng định, tín dụng tiêu dùng luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh việc đáp ứng những nhu cầu chính đáng của người dân, tín dụng tiêu dùng còn kích cầu sức mua, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, qua đó tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội.

b45f6acbbd8218dc4193.jpg
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn

Theo Phó Thống đốc, quy mô của thị trường tín dụng tiêu dùng toàn cầu đã tăng trưởng mạnh, đạt khoảng 11.000 tỷ USD năm 2023 và tiếp tục duy trì xu hướng tăng, dự kiến đạt 15.000 tỷ USD trong 5 năm tới.

“Cùng chung xu hướng đó, hoạt động tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam những năm qua đã có bước phát triển mạnh cả về quy mô dư nợ, số lượng tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia và mức độ đa dạng về sản phẩm, dịch vụ”, Phó Thống đốc cho biết.

Đến nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu tín dụng của hệ thống các TCTD. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng bình quân giai đoạn từ năm 2010 đến nay luôn cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung của toàn nền kinh tế.

Chia sẻ từ hoạt động thực tiễn của các TCTD, ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, hoạt động cho vay tiêu dùng là một trong những kênh đầu tư tín dụng trực tiếp của Agribank đối với khách hàng cá nhân (KHCN), được triển khai trên tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch trong toàn hệ thống, nguồn vốn tiêu dùng đáp ứng nhu cầu thường xuyên, cấp thiết đối với KHCN nói chung, khách hàng thuộc khu vực nông thôn nói riêng.

Nhiều chương trình cho vay tiêu dùng được Agribank sớm triển khai có hiệu quả như: Chương trình cho vay tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình từ đầu năm 2019 doanh số cho vay đạt 84.474 tỷ đồng, số khách hàng vay vốn lũy kế là 928.606 khách hàng; Chương trình cho vay tiêu dùng đối với cán bộ nhân viên ngành Y tế triển khai từ tháng 2/2022 đến nay doanh số giải ngân đạt 1.115 tỷ đồng, số khách hàng vay vốn đạt 6.529 khách hàng.

Bên cạnh đó, chương trình cho vay tiêu dùng đối với khách hàng là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước triển khai từ tháng 6/2023 doanh số giải ngân đạt 5.786 tỷ đồng, số khách hàng vay vốn đạt 33.723 khách hàng; Chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi lãi suất đối với KHCN triển khai từ tháng 2/2024 doanh số giải ngân đạt 3.978 tỷ đồng, số khách hàng vay vốn đạt 10.438 khách hàng…

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH HD SAISON cho biết, là một trong hai công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước chọn để triển khai gói vay 20.000 tỷ đồng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ cuối năm 2022, HD SAISON đã nhanh chóng triển khai gói vay với mức ưu đãi lãi suất giảm 50% so với lãi suất dành cho khách hàng thông thường.

"Được sự hỗ trợ từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, gói vay đã nhanh chóng triển khai đến hơn 51 tỉnh thành và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đội ngũ công nhân, người lao động. Đến cuối năm 2023, HD SAISON đã giải ngân hơn 9.800 tỷ đồng, hỗ trợ kịp thời cho gần 1 triệu công nhân trên toàn quốc", ông Nguyễn Đình Đức thông tin.

Phát triển tín dụng tiêu dùng vẫn còn còn gặp nhiều thách thức

Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực song hoạt động tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế và gặp nhiều thách thức. Từ năm 2020 đến nay, thị trường tài chính tiêu dùng đối mặt với những tác động tiêu cực từ đại dịch và đặc biệt là sự suy giảm tổng cầu.

“Cầu tín dụng tiêu dùng giảm trong bối cảnh tình hình tăng trưởng kinh tế khó khăn tác động tới thu nhập của cá nhân và hộ gia đình, làm tăng nhu cầu tiết kiệm để dự phòng cho tương lai và giảm nhu cầu vay tín dụng ngân hàng để mở rộng chi tiêu”, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Theo đại diện Viện Chiến lược ngân hàng, tính đến hết tháng 3/2024, tốc độ tăng trưởng cho vay đối với các nhu cầu vốn để phục vụ đời sống giảm 1,32% so với cuối năm 2023. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu cho vay phục vụ đời sống nhích lên 4%, so với 3,8% cuối 2023. Nợ xấu tại các công ty tài chính tiêu dùng giảm nhẹ từ mức 15% ở cuối năm 2023, đến nay còn khoảng 14,63%. Một số công ty tài chính tiêu dùng thua lỗ do nợ xấu khó đòi và trích lập dự phòng rủi ro gia tăng.

fe300fecd9a57cfb25b4.jpg
Quang cảnh hội thảo

Mặt khác, cũng theo bà Nguyễn Thị Hiền, một bộ phận người dân do còn yếu và thiếu về kiến thức tài chính, e ngại và cho rằng mình không đủ khả năng vay tại các tổ chức tài chính chính thức đã trở thành “con mồi” cho các dịch vụ tín dụng đen ẩn mình dưới các hình thức thức cho vay qua app.

Đặc biệt, trong bối cảnh xu hướng cho vay trên nền tảng trực tuyến cũng là xu hướng phát triển của ngành Ngân hàng, thì việc quản lý chặt chẽ, kiểm soát các hình thức cho vay trên app càng trở nên quan trọng để tránh tình trạng “vàng thau lẫn lộn”.

Bên cạnh đó, cũng có một số khách hàng còn bị lôi kéo vào các hội nhóm bùng nợ xuất hiện ngày càng nhiều trên các mạng xã hội. Hiện tượng này đã trở thành vấn nạn khiến cho các tổ chức tín dụng gặp rất nhiều khó khăn. Đáng nói, ngay cả những người dân ban đầu không có ý định trốn nợ, bùng nợ nhưng do không hiểu hết pháp luật, bị lôi kéo bởi các hội nhóm trên mạng nên cũng a dua làm theo….

Trao đổi tại hội thảo, ông Phan Đức Hiệp, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an, cho biết, qua nắm tình hình chung, cơ bản Bộ Công an đã có các giải pháp trấn áp các hoạt động tín dụng đen trên môi trường thực tế, tuy nhiên trên môi trường điện tử cần thiết phải thiết lập thêm nhiều cơ chế quản lý cũng như các công nghệ mới để kiểm soát các hành vi cho vay biến tướng từ các tổ chức cho vay.

Theo ông Hiệp, hiện nay, nguyên nhân chính khiến xảy ra tình trạng này do các đơn vị sử dụng công nghệ, giải pháp cung cấp thiếu thông tin, dữ liệu để hỗ trợ các ngân hàng, tổ chức tài chính tín dụng ra quyết cho vay, do vậy việc vay vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn.

Giải pháp thúc đẩy tín dụng tiêu dùng lành mạnh, an toàn, bền vững

Để thúc đẩy phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam lành mạnh, an toàn, bền vững , tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp và các kiến nghị.

Về phía cơ quan quản lý, bà Mai Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, khẳng định, trong thời gian tới ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành và triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh tín dụng có hiệu quả phục vụ kịp thời nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, cụ thể:

Thứ nhất, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vay vốn hợp pháp của người dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất hợp lý.

Thứ hai, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng và hành lang pháp lý hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển hoạt động tài chính tiêu dùng.

Thứ ba, tiếp tục rà soát, tạo điều kiện mở rộng mạng lưới hoạt động của các TCTD ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng của người dân.

Thứ tư, đẩy mạnh truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân…

Thứ năm, tiếp tục tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống của các TCTD, các công ty tài chính, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Thứ sáu, tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng cường chuyển đổi số, đơn giản hóa thủ tục cho vay và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công an để đẩy mạnh các giải pháp để ứng dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân.

Bà Trần Thị Thanh Hà, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, kiến nghị, tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Chủ tịch Tổng Liên đoàn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Thỏa thuận hợp tác đã ký kết giữa Tổng Liên đoàn, HD Saison và FE Credit nhằm tăng cường phúc lợi, kênh tín dụng thuận lợi, an toàn, nhiều ưu đãi dành cho đoàn viên, người lao động, hạn chế và giảm dần tình trạng “Tín dụng đen” trong công nhân lao động…

Đại diện C06 khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo các ngân hàng triển khai đồng bộ các giải pháp theo Kế hoạch 01 đã ký với Bộ Công an, thúc đẩy các tổ chức tín dụng sử dụng các giải pháp Bộ Công an hỗ trợ ngành ngân hàng.

Về phía các TCTD, ông Lê Hồng Phúc đề xuất, cần sớm cho phép và hướng dẫn các TCTD trong việc kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc xác thực thông tin, nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử; gắn mã số định danh công dân với tất cả tài khoản cá nhân để phục vụ công tác quản lý và xác thực thông tin khách hàng khi ngân hàng cung ứng sản phẩm tín dụng và thanh toán.

Quỳnh Dương