Vấn đề - Nhận định

Đẩy mạnh nguồn vốn tín dụng những tháng cuối năm

{Tên tác giả} 19/07/2024 - 10:58

Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tính đến hết tháng 6 đạt 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm ngoái.

Tháng 6 cũng là tháng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất kể từ đầu năm khi trước đó, tín dụng mỗi tháng chỉ tăng chưa đến 1%. Tín hiệu tích cực từ các đầu tàu kinh tế như TP. Hồ Chí Minh cho thấy sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp đã dần cải thiện, tạo lực kéo tốt cho tăng trưởng chung của cả nước từ nay cho tới cuối năm.

Doanh nghiệp này cần bổ sung 5 tỷ đồng vốn lưu động để nhập nguyên vật liệu. Dù chưa thể đáp ứng điều kiện như: hoạt động phải trên một năm, có báo cáo tài chính tốt, nhưng doanh nghiệp đã được linh động cấp tín dụng dựa trên dòng tiền hình thành trong tương lai.

Ông Lê Nguyễn Quốc Văn - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu thương mại Lê Gia cho biết: "Đang sử dụng rất tốt dòng vốn này, nâng doanh thu doanh số hàng tháng của công ty lên gấp ba, gấp năm lần so với trước đây".

Từ đầu năm đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức định kì các cuộc kết nối giữa 17 ngân hàng thương mại và doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn về vốn. Hiện đã giải ngân gần 274.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh nhận định: "Tiêu chí đưa ra nếu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp hoặc cơ cấu lại giữa các nhóm nợ hoặc cho vay mới với lãi suất thấp hoặc tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp đều được đưa vào đối tượng của chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp và giải ngân gói tín dụng ưu đãi".

Dù vậy, hiện vẫn có 45% doanh nghiệp kiến nghị được nới lỏng điều kiện cho vay. Trong đó có không ít doanh nghiệp có tài sản đảm bảo nhưng lại bị định giá thấp. Các ngân hàng không nhận thế chấp bằng cổ phiếu, quyền tài sản nên có trường hợp doanh nghiệp buộc phải huy động cá nhân đứng ra vay. Đây cũng là khó khăn chung cần tháo gỡ của nhiều doanh nghiệp trên cả nước.

Ông Nguyễn Xuân Hiền - Giám đốc Công ty TNHH Nhà ở xã hội Việt Nam nêu ý kiến: "Chúng ta vay cá nhân mà tài trợ vốn cho doanh nghiệp thì phần chi phí lãi vay đó chúng ta không được hạch toán vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp để khai báo thuế".

Tín dụng tăng trưởng tích cực ở các đầu tàu kinh tế đã góp phần bơm 480.000 tỷ đồng ra toàn nền kinh tế trong tháng 6, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các tháng đầu năm. Các ngân hàng khẳng định sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn gắn với đặc thù của doanh nghiệp trên địa bàn, nhằm nâng cao hiệu quả giải ngân trong những tháng tới. Bởi đây cũng là cơ sở để được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng năm sau.