Chứng khoán

Thị trường thiếu trợ lực, VN-Index "bay" gần 10 điểm

Q.L 19/07/2024 17:05

VN-Index chốt tuần bằng một phiên đỏ lửa thể hiện sự lo lắng và thận trọng của thị trường chung khi chưa có tín hiệu xác nhận rõ ràng xu hướng ngắn hạn.

fcaskcas.jpg
Diễn biến VN-Index

VN-Index mở cửa phiên sáng nay (19/7) trong sắc xanh nhờ quán tính hồi phục từ phiên hôm qua, tuy nhiên chỉ sau khoảng một tiếng giao dịch, chỉ số chung có tín hiệu hụt hơi và đảo chiều mất điểm. Diễn biến điều chỉnh vẫn lan tỏa trên diện rộng ở hầu hết các nhóm ngành vào phiên chiều khiến VN-Index không thể giữ được mốc 1.270 điểm. Cuối phiên thị trường giằng co và chỉ số xuống thấp nhất gần 14 điểm so với tham chiếu.

Một số cổ phiếu bluechip như MBB, ACB, LPB, MWG giữ được sắc xanh nhưng không đủ để nâng đỡ thị trường chung trước áp lực bán quá lớn.

jbfvknfcla.jpg
Bản đồ thị trường

Đáng chú ý, HVN của Vietnam Airlines tiếp tục nằm sàn phiên thứ 3 trong tuần này và lấy đi gần 1,1 điểm của thị trường chung. Chỉ trong vòng một tuần, HVN đã giảm hơn 24%.

Thanh khoản duy trì ở mức thấp cho thấy thiếu sự chủ động từ phía lực cầu trong khi áp lực bán đang chiếm ưu thế khiến chỉ số đi xuống. Tổng giá trị giao dịch cả 3 sàn phiên hôm nay đạt khoảng 20.549 tỷ đồng.

Khối ngoại sau phiên mua ròng lại quay trở lại bán ròng với tổng giá trị bán ròng đạt 353 tỷ đồng, tập trung bán FPT, VHM, TCB.

jkvnszdnvs.jpg
Giao dịch khối ngoại

Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, HOSE có 126 mã tăng và 324 mã giảm, VN-Index giảm 9,66 điểm (-0,76%), xuống 1.264,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 792 triệu đơn vị, tổng giá trị đạt 18.538 tỷ đồng, giảm 35% về khối lượng và 3% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 65,7 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.304 tỷ đồng.

Sàn HNX có 47 mã tăng và 120 mã giảm, HNX-Index giảm 1,97 điểm (-0,81%), xuống 240,52 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 67,2 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.326 tỷ đồng, tăng 19% về khối lượng và 6% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,3 triệu đơn vị, giá trị đạt 280 tỷ đồng.

Sàn UPCoM có 147 mã tăng và 182 mã giảm, UPCoM giảm 0,83 điểm (-0,85%), xuống 96,78 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 53,6 triệu đơn vị, giá trị đạt 685 tỷ đồng, giảm 42% về khối lượng và 38% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,5 triệu đơn vị, giá trị đạt 36,4 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, trong đó VN30F2408 giảm nhẹ 10,6 điểm, tương đương -0,8% xuống 1.297,1 điểm, khớp hơn 224.760 đơn vị, khối lượng mở 41.100 đơn vị.

Tuần vừa qua, sau hai phiên đầu tuần với diễn biến đi ngang quanh mốc 1.280 điểm, thị trường trải qua các phiên tiếp theo rung lắc lùi về mốc 1.260-1.270 điểm. Vào phiên ngày 17/7, nhóm ngân hàng với sự hồi phục mạnh mẽ giúp thị trường tăng điểm tốt, tuy nhiên áp lực điều chỉnh ở các nhóm ngành khác diễn ra bất ngờ khiến VN Index trượt mạnh về sâu dưới tham chiếu. Các nỗ lực hồi phục sau đó dường như chưa đạt được kết quả khi vào phiên cuối tuần (19/7), thị trường tiếp tục chịu áp lực bán và điều chỉnh.

Đánh giá về diễn biến thị trường, CTCK Vietcombank (VCBS) cho biết, VN-Index kết phiên cuối tuần với nến đỏ giảm điểm thể hiện sự chần chừ và thận trọng của thị trường chung khi xu hướng chưa có tín hiệu xác nhận rõ ràng.

VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư sau khi đã cơ cấu danh mục thành công thì cân nhắc chọn lọc, giải ngân tỉ trọng nhỏ ở những cổ phiếu có xung lực tốt và không bị ảnh hưởng bởi diễn biến chung của thị trường thuộc nhóm ngành như chứng khoán, bán lẻ. Bên cạnh đó, sử dụng margin cũng nên hạn chế ở thời điểm này để tránh những rủi ro tiềm tàng bất ngờ xảy ra trong ngắn hạn.

Mặt khác, lý giải cho xu hướng bán ròng của khối ngoại từ đầu năm đến nay, Tại Phiên đối thoại tháng 7 do CLB Nhà báo Chứng khoán tổ chức, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phẩn FiinGroup đã đưa ra 3 lý do chính theo khảo sát từ 5 tổ chức nước ngoài:

Thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài phân bổ lại tài sản và rút khỏi thị trường mới nổi do không kỳ vọng vào việc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất, khi tăng thì nhanh, giảm thì chậm.

Thứ hai, nhà đầu tư nước ngoài hiện thực hóa lợi nhuận, rủi ro tỷ giá Việt Nam lớn trong khi họ lãi lớn vài chục phần trăm rồi thì sẽ bán luôn chứ để lại sợ lỗ tỷ giá.

Thứ ba, lo lắng thị trường chứng khoán Việt Nam với nhiều đặc thù, lo lắng về triển vọng bất động sản và tỷ giá.

Q.L