Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú: Bắc Giang là tỉnh tích cực triển khai tín dụng chính sách xã hội với các con số ấn tượng
Bắc Giang là tỉnh tích cực triển khai tín dụng chính sách xã hội với các con số ấn tượng, là địa phương có dư nợ tín dụng chính sách cao nhất trong 14 tỉnh ở khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc. Song song với đó, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố, nâng cao, toàn tỉnh có 127/209 xã, phường, thị trấn không có nợ quá hạn…
Đây là đánh giá được Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” (Chỉ thị số 40) do tỉnh ủy Bắc Giang tổ chức ngày 19/7.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe và thảo luận nội dung của báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Qua đánh giá và nhìn nhận khách quan, các đại biểu cho rằng, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu, tình hình chính trị, xã hội tiếp tục ổn định, kinh tế phát triển khá toàn diện và năng động với nhiều chỉ số, lĩnh vực dẫn đầu khu vực Trung du Miền núi phía Bắc.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh năm 2023 đạt 13,45%, 06 tháng đầu năm 2024 đạt 14,14% đứng đầu cả nước; quy mô GRDP đứng đầu các tỉnh vùng Trung du và Miền núi phía Bắc. Kinh tế duy trì phát triển và đạt mức tăng trưởng cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp hóa. Hệ thống kết cấu hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp, cải tạo, từng bước đồng bộ; phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc. Lĩnh vực văn hoá, xã hội có nhiều tiến bộ; các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, hộ nghèo được chăm lo.
Sau 10 năm tổ chức thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 209/209 xã, phường, thị trấn, 100% thôn, bản, khu phố trên địa bàn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hơn 316 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH); giúp gần 82 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Thu hút, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho hơn 41 nghìn lao động. Hỗ trợ 91 người sử dụng lao động vay vốn để trả lương cho hơn 142 nghìn lượt người lao động; 90 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi COVID-19 vay vốn để khôi phục cơ sở vật chất. Tạo điều kiện cho gần 6,4 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập và hơn 4,8 nghìn học sinh, sinh viên có máy tính, thiết bị học tập trực tuyến. Xây dựng, sửa chữa hơn 210 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hơn 2 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo, gần 34 nghìn hộ gia đình tại vùng khó khăn vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững…
Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10,44% (năm 2014) xuống còn 2,63% (năm 2023), có 154/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 7/10 đơn vị cấp huyện (70%) đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 59 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 12 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 259 thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn, trật tự an toàn xã hội được duy trì, quốc phòng an ninh được giữ vững. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố và nâng cao.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác giảm nghèo bền vững là một chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Thời gian qua, đã có nhiều nghị quyết, chính sách về giảm nghèo được ban hành. Năm 2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Sơ kết 5 năm triển khai Chỉ thị số 40 (năm 2019) và ban hành Kết luận số 06-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40, đánh giá tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH thực hiện là “một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam”.
Với mục tiêu đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, xác định các vấn đề đặt ra đối với công tác tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới, Ban Kinh tế Trung ương đã ban hành Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 trên toàn quốc.
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhất trí và chúc mừng, đánh giá cao những thành tích mà tỉnh Bắc Giang đã đạt được trong triển khai Chỉ thị số 40 với những kết quả ấn tượng, cụ thể là: Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp của tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, lãnh đạo công tác tín dụng chính sách xã hội phù hợp với tình hình địa phương; kiện toàn Ban Đại diện Hội đồng quản trị các cấp; chủ động bố trí nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH, huy động nguồn lực từ tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Phó Thống đốc cho biết thêm, Bắc Giang là tỉnh tích cực triển khai tín dụng chính sách xã hội với các con số ấn tượng, là địa phương có dư nợ tín dụng chính sách cao nhất trong 14 tỉnh ở khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc. Song song với đó, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố, nâng cao, toàn tỉnh có 127/209 xã, phường, thị trấn không có nợ quá hạn…
Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện hiệu quả việc xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội như: Đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng, Đề án cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, Đề án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo người có công với cách mạng thoát nghèo...
Để thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị, cấp ủy, chính quyền địa phương phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của xã hội và sự tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong toàn tỉnh tham gia thực hiện Chỉ thị số 40, Kết luận số 06 của Ban Bí thư.
Phó Thống đốc cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục dành sự quan tâm hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội một cách hiệu quả thông qua việc quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngành Ngân hàng trên địa bàn, góp phần đưa nguồn vốn tín dụng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ủy ban MTTQ và các tổ chức CTXH của tỉnh tiếp tục quan tâm phối hợp với các sở, ban, ngành, NHCSXH tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội; tăng cường chức năng giám sát cộng đồng đối với việc triển khai chủ trương, chính sách của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội…
Cũng tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các cấp ủy đã biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong 10 năm thực hiện Chỉ thị.