Đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư tổ chức, đưa thị trường chứng khoán phát triển bền vững
Thị trường chứng khoán muốn đạt chất lượng cao, phát triển bền vững thì nhà đầu tư tổ chức phải chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nhà đầu tư...
Ngày 19/7, Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức diễn đàn thường niên Đối thoại tháng 7 với chủ đề “Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức”.
Tại diễn đàn, chia sẻ về bức tranh nhà đầu tư tổ chức trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup cho rằng, trong cấu trúc sở hữu của thị trường cổ phiếu, tính theo giá trị cổ phiếu lưu hành, nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu 14% toàn bộ 3 sàn. Trong nhóm nhà đầu tư tổ chức, có nhiều đối tượng, bao gồm:
Thứ nhất, các quỹ đầu tư chủ động trong và ngoài nước có tổng giá trị tài sản quản lý 592 tỷ USD, phần lớn phân bổ vào trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ. Hiện quỹ nội địa gồm 110 quỹ nhưng tổng giá trị nắm giữ 74.000 tỷ đồng, vẫn quá nhỏ so với tiềm năng lớn. Các quỹ này chủ yếu ưa thích đầu tư cổ phiếu.
Thứ hai, công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư nắm 906.000 tỷ đồng, với tỷ lệ phân bổ nhỏ vào trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu.
Thứ ba, nhóm ngân hàng thương mại đang phân bổ khoảng 1,2% tổng tài sản vào cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng. Dư địa lớn nhưng không thể khuyến khích đầu tư nhiều vào tài sản rủi ro.
Thứ tư, nhóm công ty chứng khoán đang có quy mô danh mục tự doanh khoảng 235.000 tỷ đồng.
Thứ năm, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và quỹ hưu trí tự nguyện. Hiện đã có 10 quỹ hưu trí tự nguyện được thành lập nhưng mới có 4 quỹ hưu trí tự nguyện đi vào hoạt động nên quy mô còn rất hạn chế trong khi BHXH Việt Nam chưa được phép đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp.
Từ phân tích trên, ông Thuân cho rằng, xu hướng phát triển các quỹ còn rất lớn và còn nhiều dư địa phát triển, cần cơ chế khuyến khích phát triển nhà đầu tư tổ chức.
"Thực tế tại một số nước cũng nâng hạng thị trường chứng khoán và nâng hạng tín nhiệm quốc gia nhưng dòng vốn không vào nhiều như kỳ vọng. Khi xây dựng giải pháp, thay vì xác định chung chung nhà đầu tư nước ngoài, cần tập trung và ưu tiên một số nhóm nhà đầu tư tổ chức nhất định", ông Thuân đặt vấn đề.
Đồng quan điểm với đại diện của FiinGroup, ông Lê Thanh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng cho rằng, cần phát triển nhà đầu tư tổ chức trên thị trường và còn nhiều dư địa để mở rộng nhóm nhà đầu tư này.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chỉ ra rằng, nhà đầu tư tổ chức trong hay ngoài nước tham gia mua bán cổ phần nhà nước không dễ. Trong khi đó, với những đợt thoái vốn lớn, nguồn vốn trong nước không đủ, phải thu hút nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Đơn cử, trong danh mục thoái vốn nhà nước có FPT. Đây là bluechip nhưng bán không dễ vì hạn chế về room. Với khẩu vị nhà đầu tư trong nước, thì 6% tương đương hàng nghìn tỷ đồng là rất khó.
Nhấn mạnh thêm về tầm quan trọng của nhà đầu tư tổ chức trên thị trường, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital phân tích, Kho bạc Nhà nước huy động thành công vốn cho ngân sách với lãi suất 2%, tuy nhiên, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp 9-10%. Chênh lệch giữa hai sản phẩm này rất cao. Công ty muốn gọi vốn trên thị trường phải phát hành bằng mệnh giá 10.000 đồng. Giá để huy động vốn là vô cùng cao. Nếu phát triển nhà đầu tư tổ chức có thể giải quyết vấn đề này.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, việc nhà đầu tư cá nhân đang chiếm tỷ trọng hơn trên 90% là một trong những yếu tố khiến thị trường chưa ổn định do nhà đầu tư cá nhân còn đầu tư theo tâm lý.
"Muốn ổn định thị trường, cơ cấu nhà đầu tư tổ chức thường phải chiếm 50 - 60% như những nước phát triển, khi đó thị trường của chúng ta mới có thể ổn định, tránh câu chuyện tâm lý khiến thị trường lúc lên lúc xuống mà không hiểu lý do vì sao", bà Vũ Thị Chân Phương nói.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng khẳng định, thị trường chứng khoán muốn đạt chất lượng cao, phát triển bền vững thì nhà đầu tư tổ chức phải chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh thêm, trong điều hành, Bộ Tài chính đặt trọng tâm làm sao cởi bỏ những điều kiện chặt chẽ, để nhà đầu tư tổ chức tham gia thuận lợi hơn, để họ vào nhiều hơn trên thị trường chứng khoán. UBCKNN đã lấy ý kiến về việc nhà đầu tư nước ngoài không cần phải ký quỹ 100%. Đây là vấn đề quan trọng để hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán. Bộ Tài chính sẽ tạo điều kiện trong điều kiện có thể, đồng thời rà soát quy định liên quan tổ chức chuyên nghiệp quản lý tài sản, quỹ.