Nghiên cứu - Trao đổi

Nâng cao khả năng tiếp cận ngân hàng điện tử của đối tượng yếu thế

TS. Nguyễn Lan Anh - ThS. Đào Thị Sao 21/07/2024 07:35

Trên cơ sở hệ thống lại những số liệu và thông tin từ các nghiên cứu trước, bài viết đã chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của đối tượng yếu thế tại Việt Nam, từ đó đưa ra những đề xuất nhằm nâng cao khả năng tiếp cận, giúp cho đối tượng yếu thế cũng được hưởng những thành quả do cuộc cách mạng công nghệ mang lại.

Tóm tắt: Sự bùng nổ của công nghệ số và phổ cập của điện thoại thông minh, đã tạo điều kiện cho dịch vụ ngân hàng điện tử ngày càng phát triển và hoàn thiện. Ngân hàng điện tử hiện đã thu hút nhiều người sử dụng, nhờ trải nghiệm tài chính linh hoạt và tiện ích. Tuy nhiên, dịch vụ này lại rất ít được đối tượng yếu thế tiếp cận và sử dụng. Trên cơ sở hệ thống lại những số liệu và thông tin từ các nghiên cứu trước, bài viết đã chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của đối tượng yếu thế tại Việt Nam, từ đó đưa ra những đề xuất nhằm nâng cao khả năng tiếp cận, giúp cho đối tượng yếu thế cũng được hưởng những thành quả do cuộc cách mạng công nghệ mang lại.

IMPROVING ACCESS TO E-BANKING OF THE VULNERABLES

Abstract: The outbreak of digital technology and the penetration of smartphones have created conditions for further development of e-banking. So far, e-banking has attracted many users for its flexible and convenient financial experience. However, this service is almost inaccessible to the vulnerables. Based on a systematization of data and information from previous studies, the article points out factors affecting the accessibility of disadvantaged people in Vietnam. This, in turn, helps in making recommendations to improve accessibility, enabling the vulnerables to enjoy the benefits of the technology revolution.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Từ giữa những năm 2000, đón bắt xu hướng phát triển của ngân hàng điện tử, Chính phủ đã tạo điều kiện để các ngân hàng phát triển dịch vụ này nhằm thực hiện chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính cho người dân. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cũng đã xây dựng các chương trình truyền thông hướng tới đồng bào khu vực nông thôn, miền núi và những đối tượng yếu thế trong xã hội.

Sự tiện dụng của ngân hàng điện tử chính là một điểm nhấn quan trọng để thu hút khách hàng. Bởi vậy, các ngân hàng đã đưa ra nhiều giải pháp để thu hút những khách hàng tiềm năng có cơ hội tiếp cận với dịch vụ ngân hàng điện tử. Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua này, những người yếu thế lại chưa được quan tâm nhiều. Nhiều người yếu thế vẫn chưa thực sự hiểu về tiện ích của ngân hàng điện tử. Với đối tượng này, việc sử dụng điện thoại thông minh cho các giao dịch tài chính hiện vẫn chưa phổ biến và giao dịch bằng tiền mặt vẫn là phương tiện chính, bởi vậy việc sử dụng các dịch vụ của ngân hàng điện tử càng trở nên xa lạ với họ.

Việt Nam là nước đang phát triển, số lượng người yếu thế vẫn ở mức cao, đặc biệt là sau hơn 3 năm nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID. Việc phổ biến các dịch vụ của ngân hàng điện tử trong nhóm đối tượng yếu thế sẽ mang lại sự bình đẳng hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ tiện ích, góp phần thu hẹp khoảng cách về thu nhập của nhóm yếu thế với mặt bằng chung của xã hội và quan trọng hơn là góp phần thực hiện chiến lược tài chính toàn diện của quốc gia. Để không ai bị bỏ lại phía sau và tạo ra sự công bằng trong hưởng thụ các thành quả của xã hội, cần nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng điện tử của đối tượng yếu thế.

2. CƠ SỞ NGHIÊN CỨU

2.1. Khái niệm người yếu thế và năng tiếp cận (ngân hàng điện tử) của người yếu thế

Theo định nghĩa của Liên hiệp quốc, “người yếu thế trong xã hội là người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trong nhận thức. Nhóm đối tượng yếu thế được bàn đến ở đây bao gồm phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật” (Đan Thanh, 2012). Còn trong văn bản Luật Phòng, chống thiên tai không trực tiếp sử dụng thuật ngữ “người yếu thế” mà sử dụng thuật ngữ người dễ tổn thương, theo đó “đối tượng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi hơn từ thiên tai so với những nhóm người khác trong cộng đồng. Đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo và người nghèo” (Quốc Hội, 2013). Trong định nghĩa này mặc dù không trực tiếp nói thuật ngữ “người yếu thế” nhưng những đối tượng được liệt kê đã thuộc vào nhóm người yếu thế.

Có thể hiểu, đối tượng yếu thế là nhóm người bị lâm vào hoàn cảnh khó khăn nên họ bị từ chối tiếp cận việc sử dụng các phương tiện được cho là hữu ích đối với đa số các nhóm xã hội khác, như quyền được hỗ trợ của cộng đồng, y tế, giáo dục, thông tin, việc làm, vốn… Họ thường gặp phải hàng loạt thách thức, ngăn cản khả năng hòa nhập của họ vào đời sống cộng đồng. Hàng rào đó có thể liên quan đến thể chất, đến khả năng, nghề nghiệp, sự đánh giá, kỳ thị của xã hội, các vấn đề tâm lý… Hàng rào đó có thể là vô hình hay hữu hình, ngăn cản họ tiếp cận và sử dụng các các dịch vụ xã hội cần thiết phục vụ cho đời sống. Để nâng cao vị thế xã hội, giảm sự thiệt thòi, họ rất cần sự quan tâm, giúp đỡ và hỗ trợ từ xã hội. Từ phân tích trên có thể đưa ra khái niệm: Người yếu thế là những đối tượng mà trong những hoàn cảnh giống nhau khi tham gia vào một quan hệ xã hội luôn gặp những bất lợi hơn so với những đối tượng khác trong cùng một hoàn cảnh những người có nguy cơ bị xâm phạm và hoặc dễ bị bỏ quên và họ cần được chú ý bảo vệ đặc biệt so với những nhóm, cộng đồng người khác trong xã hội.

Ngoài ra, khái niệm “tiếp cận” cũng được đề cập tới trong bài viết. Tiếp cận được hiểu là có thể tới được về mặt chức năng của một hoặc toàn bộ hệ thống nào đó (Tiếp cận là gì?, 2013). Theo từ điển Wikipedia tiếng Việt, sự tiếp cận là một cụm từ chung dùng để miêu tả mức độ một sản phẩm, thiết bị, dịch vụ, hoặc môi trường có thể được sử dụng bởi càng nhiều người càng tốt. Sự tiếp cận có thể được xem như khả năng tiếp cận và khả năng hưởng lợi từ một hệ thống hay vật chất. Bộ Luật về người khuyết tật Việt Nam có đưa ra khái niệm về khả năng tiếp cận của người khuyết tật (thuộc đối tượng yếu thế): “Tiếp cận là việc người khuyết tật sử dụng được công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp để có thể hòa nhập cộng đồng” (2010). Như vậy, khi nói về khả năng tiếp cận (của người yếu thế) chính là khả năng có thể sử dụng được các sản phẩm, thiết bị, dịch vụ của đối tượng (người yếu thế). Trên cơ sở đó, nhóm tác giả cũng đưa ra cách hiểu về khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng điện tử của đối tượng yếu thế là khả năng người yếu thế có thể dễ dàng sử dụng và thụ hưởng các lợi ích mà dịch vụ ngân hàng điện tử mang lại.

2.2. Khái quát về dịch vụ ngân hàng điện tử

Về bản chất, ngân hàng điện tử “đề cập đến việc sử dụng internet và các mạng mở cho các dịch vụ ngân hàng từ xa, chẳng hạn như chuyển tiền hoặc tạo và đóng tài khoản tiền gửi…” (Nguyễn Hồng Quân, 2020). Các dịch vụ ngân hàng điện tử có thể giúp người dùng thực hiện các giao dịch tài chính mà không cần liên hệ trực tiếp với ngân hàng thông qua Internet hoặc kết nối mạng viễn thông, điều này giúp khách hàng có thể sử dụng được hầu hết dịch vụ của ngân hàng mà không giới hạn về thời gian và không gian. Đây chính là một lợi thế của ngân hàng điện tử so với ngân hàng truyền thống.

Có thể kể đến một số dịch vụ của ngân hàng điện tử: Thanh toán điện tử tại điểm bán hàng (EFTPOS): Khách hàng sẽ sử dụng thẻ tín dụng (credit card) hoặc thẻ ghi nợ trực tiếp (direct debitcard) để thực hiện các giao dịch mua bán. Dịch vụ ngân hàng qua điện thoại (Phone Banking): Khách hàng sẽ gọi điện thoại đến trung tâm cung cấp dịch vụ bằng một (hoặc nhiều) số điện thoại được cung cấp. Dịch vụ ngân hàng tại nhà (Home Banking): Các giao dịch được tiến hành tại nhà thông qua hệ thống máy tính nối với hệ thống máy tính của ngân hàng. Dịch vụ ngân hàng qua internet (Internet Banking): Dịch vụ này cũng giúp khách hàng thực hiện các giao dịch ngay tại nhà, chỉ cần có máy tính hoặc điện thoại cá nhân và đường truy cập internet. Dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động (Mobile Banking): Đây là loại hình dịch vụ ngân hàng thực hiện bằng cách kết nối điện thoại di động (mobile phone) với trung tâm cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử và kết nối Internet trên điện thoại di động sử dụng giao thức truyền thông WAP/GPRS. Hiện tại ở Việt Nam, các dịch vụ ngân hàng điện tử thường được sử dụng nhất là: ATM, Internet Banking, Mobile Banking (SMS Banking), POS, Phone Banking (Call Center), Home Banking. Với đối tượng yếu thế, phần lớn nếu có sử dụng ngân hàng điện tử sẽ chủ yếu tập trung vào dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking. Vì vậy, trong khuôn khổ bài viết, tác giả cũng chỉ đưa ra những phân tích và đề xuất để nâng cao khả năng tiếp cận hai dịch vụ này cho đối tượng yếu thế.

3. KHẢ NĂNG TIẾP CẬN DỊCH VỤ NGÂN HÀNG ĐIỆN TỬ CỦA ĐỐI TƯỢNG YẾU THẾ

3.1. Đặc điểm của đối tượng yếu thế

Đối tượng yếu thế được chia thành nhiều loại, trên cơ sở mục đích nghiên cứu bài viết hướng đến những đối tượng khả năng lao động bị hạn chế, đối tượng có khả năng lao động nhưng dễ bị tổn thương hoặc có thể nhanh chóng rơi vào tổn thương khi đứng trước các biến động kinh tế - xã hội. Đối tượng này bao gồm: người lao động nghèo thuần túy, người khuyết tật, dân tộc ít người, phụ nữ đơn thân… 25% lực lượng lao động ở Việt Nam nằm trong nhóm lao động yếu thế (Bạch Đằng, 2017). Theo thống kê của Viện Công nhân và Công đoàn đến cuối năm 2016, có khoảng 13 triệu lao động yếu thế, trong đó: 80% lao động yếu thế tập trung ở khu vực nông thôn, trình độ học vấn thấp, với 21,81% lao động chưa biết chữ, phần lớn chưa qua đào tạo nghề và trên 40,1% chưa bao giờ đi làm. Con số này có xu hướng tăng lên sau gần 3 năm Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID.

Từ những phân tích trên đây, có thể đưa ra những đặc điểm cơ bản của nhóm người yếu thế là: Thứ nhất, điều kiện kinh tế khó khăn. Do nhiều lý do khác nhau mà nhóm người yếu thế thường không có việc làm ổn định nên không có thu nhập, thu nhập thấp dẫn đến đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn và phụ thuộc vào một phần trợ cấp của xã hội. Những nhu cầu cơ bản và đời sống vật chất của họ cũng chưa bảo đảm được ở mức trung bình chung của xã hội. Thứ hai, trình độ thấp. Nguyên nhân phần lớn người yếu thế có trình độ thấp do cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn, không có điều kiện học tập, có những người không biết chữ và đa phần cũng không được đào tạo nghề nghiệp chuyên nghiệp. Điều này dẫn đến những khó khăn khi đi xin việc, dẫn tới họ phải chấp nhận làm những công việc có mức lương không cao. Thứ ba, thường gặp khó khăn về sức khỏe do có thể trạng kém. Họ có thể là người khuyết tật hoặc người cao tuổi bị suy giảm sức khỏe nên không có khả năng lao động. Những người này thường không đủ sức khỏe để thực hiện các công việc mà các nhà tuyển dụng yêu cầu nên sẽ gặp nhiều bất lợi so với người bình thường. Ngay cả với phụ nữ dù có sức khỏe thì cũng bị đánh giá thấp hơn nam giới so với cùng độ tuổi vì lý do thể trạng và giới tính nên cũng bị hạn chế hơn khi tìm những công việc đòi hỏi thể lực. Thứ tư, có nguy cơ bị bỏ quên hay bị coi thường khi tham gia các hoạt động cộng đồng và xã hội. Do nhóm đối tượng này chiếm rất nhỏ so với đa số nên trở thành yếu thế trong xã hội. Bên cạnh đó, bởi có cuộc sống nghèo khó nên họ hay bị xã hội kỳ thị và phân biệt đối xử hoặc bị đối xử không bình đẳng khi tham gia các hoạt động xã hội.

3.2. Tình hình sử dụng ngân hàng điện tử của đối tượng yếu thế

Hiện dân số Việt Nam có tỷ lệ người trẻ tương đối cao, nhạy bén với công nghệ. Tính đến năm 2021 tại Việt Nam có khoảng 61,3 triệu điện thoại thông minh đang được sử dụng (Statista, 2021). Theo đó, đến tháng 1/2022 có tới 72,1 triệu người sử dụng internet, chiếm tới 73,2 % dân số (Lê Văn Phú, 2022). Đây là điều kiện cho dịch vụ ngân hàng điện tử phát triển. Ngân hàng điện tử thực sự mang đến nhiều tiện ích và rất phù hợp với lối sống năng động của thời đại công nghệ. Sự tiện lợi của ngân hàng điện tử góp phần làm thay đổi thói quen và hành vi của khách hàng. Các dịch vụ này mang đến trải nghiệm dịch vụ tài chính an toàn, hiệu quả và có thể thực hiện các giao dịch tài chính mọi lúc mọi nơi, khi khách hàng sử dụng thiết bị thông minh có kết nối internet. Tuy nhiên, hiện rất nhiều người yếu thế lại chưa sử dụng ngân hàng điện tử, do bản thân còn nhiều hạn chế cả về điều kiện kinh tế, xã hội, tâm lý… Ngân hàng Agribank đã thống kê: hơn 70% dân số Việt Nam tập trung ở khu vực nông thôn, nhưng tỷ lệ tiếp cận dịch vụ ngân hàng hiện đại của khu vực này là rất ít (Anh Tuấn, 2021). Những địa bàn tập trung đông người yếu thế thường có tỷ lệ mở tài khoản thấp, theo đó mức độ sử dụng ngân hàng điện tử cũng không cao.

3.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng điện tử của người yếu thế

Một số yếu tố cơ bản ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận ngân hàng điện tử của đối tượng yếu thế, đó là:

Từ phía người yếu thế

Cảm nhận về chi phí đầu tư để mua các thiết bị cần thiết cao hay thấp chính là yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận và ý định sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử của đối tượng yếu thế. Để thực hiện được các dịch vụ ngân hàng, cần có điện thoại thông minh, máy tính. Đồng thời, để sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, khách hàng phải trả chi phí hàng tháng để kết nối intetnet và quản lý tài khoản… Đối tượng người yếu thế phần lớn là người có điều kiện kinh tế khó khăn, theo đó nếu phải tự chi trả tất cả các chi phí này, đối với thu nhập của họ sẽ là một trở ngại.

Thói quen tiêu dùng tiền mặt cũng là một vấn đề đóng vai trò quan trọng trong việc có sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử hay không. Thực tế hiện nay cho thấy, việc thanh toán bằng tiền mặt vẫn là thói quen phổ biến của người dân khi mua sắm các hàng hoá giá trị thấp, nhất là nhóm người yếu thế.

Tâm lý sợ những rủi ro trong giao dịch điện tử. Vấn đề lo ngại bị rò rỉ thông tin, bị mất tiền trong tài khoản là điều nhiều khách hàng lo ngại. Vì vậy, đối tượng yếu thế cảm thấy yên tâm hơn nếu được cầm trong tay những chứng từ giao dịch bằng giấy tờ cụ thể để họ có thể trực tiếp lưu giữ tại nhà.

Độ tuổi: Người tuổi càng cao thì khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng điện tử sẽ càng thấp hơn. Điều này là do để sử dụng được thành thạo các dịch vụ của ngân hàng điện tử cần có tư duy mở, linh hoạt, để thực hiện các thao tác công nghệ và cần có thói quen sử dụng các thiết bị công nghệ. Theo đó, người yếu thế càng trẻ tuổi thì khả năng tiếp cận và sử dụng ngân hàng điện tử càng lớn hơn những người cao tuổi.

Từ phía cung dịch vụ ngân hàng điện tử

Khoảng cách địa lý giữa ngân hàng và nơi cư trú. Yếu tố này thể hiện mức độ gần gũi giữa bên cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử với khách hàng. Khoảng cách địa lý giữa ngân hàng và nơi cư trú càng xa, càng làm giảm khả năng tiếp cận của nhóm người yếu thế với các dịch vụ của ngân hàng, trong đó có việc hỗ trợ cài đặt và sử dụng dịch vụ của ngân hàng điện tử.

Nhân viên. Thái độ phục vụ của nhân viên ngân hàng được coi là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tâm lý của người yếu thế, từ đó làm tăng hoặc giảm khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng của đối tượng yếu thế. Thêm nữa, ngoài hạn chế về tài chính, kỹ năng sử dụng công nghệ, người yếu thế cũng thường có tâm lý tự ti, mặc cảm về bản thân, vì vậy nhân viên cần nắm bắt tốt tâm lý của đối tượng khách hàng này, để có thể giúp họ an tâm sử dụng ngân hàng như một dịch vụ cần thiết.

Từ môi trường sống và các mối quan hệ trong xã hội

Nơi sinh sống của đối tượng yếu thế thường là vùng sâu, vùng xa hoặc vùng nông thôn nên có ít, thậm chí là không có những điểm thanh toán không dùng tiền mặt hoặc địa điểm đặt cây ATM. Theo đó, các giao dịch mua bán, hoặc quá trình thanh toán tiền lương, tiền công mà người yếu thế thường được thực hiện trực tiếp bằng tiền mặt, rất hiếm được thực hiện qua thẻ ngân hàng. Đó cũng chính là những nguyên nhân khiến người yếu thế không biết đến và chưa tiếp cận được các dịch ngân hàng điện tử. Đối với những người yếu thế sống tại thành thị, nơi không bị giới hạn bởi khoảng cách tiếp cận với các hình thức thanh toán không tiền mặt, khả năng sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử cao hơn ở nông thôn. Nhưng do vấn đề tài chính hoặc khả năng sử dụng công nghệ còn hạn chế nên bản thân họ thường có tâm lý ngại dùng các dịch vụ thanh toán không tiền mặt, dẫn đến ít tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng điện tử. Tuy nhiên, nếu những người thân, quen của đối tượng yếu thế đều sử dụng ngân hàng điện tử và đều nói về tính tiện lợi của ngân hàng điện tử cũng sẽ tác động tích cực đến việc tiếp cận dịch vụ của ngân hàng điện tử của đối tượng này.

Từ những yếu tố ảnh hưởng trên, có thể thấy do địa bàn người yếu thế thường sống ở vùng sâu vùng xa, nông thôn… nên việc tiếp cận ngân hàng điện tử thường khó khăn. Ngoài ra, có thể bản thân họ thường chưa muốn hoặc không muốn tiếp cận dịch vụ này. Một trong những nguyên nhân là do sợ tốn kém chi phí, sợ rủi ro, sợ bị đối xử không bình đẳng hoặc mặc cảm vì mình không linh hoạt, không hiểu biết nên không sử dụng được các dịch vụ tích hợp công nghệ cao như ngân hàng điện tử… Thêm nữa, còn do cộng đồng dân cư (người thân, bạn bè) xung quanh ít người biết đến và sử dụng ngân hàng điện tử, nơi sinh sống có ít điểm thanh toán không tiền mặt nên họ không muốn tiếp cận với dịch vụ thanh toán không tiền mặt và cũng ít có khả năng tiếp cận với dịch vụ ngân hàng điện tử.

4. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT

Về phía người yếu thế:

Đầu tiên, cần thay đổi tư duy và cởi mở đón nhận những phương tiện công nghệ mới, như: mở được tài khoản tại ngân hàng, biết sử dụng điện thoại thông minh và thay đổi thói quen mua/bán sản phẩm bằng bằng hình thức phi tiền mặt. Đây đều là những điều kiện cần thiết để có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng điện tử… Ngoài ra, để thay đổi tư duy của đối tượng người yếu thế, khiến họ muốn tiếp cận các thiết bị công nghệ và có thể sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử thì cần có sự tác động từ môi trường sống nơi họ cư trú. Theo đó, nếu nhiều người thân, quen của người yếu thế đều đã sử dụng và nói về lợi ích hay sự an toàn khi sử dụng dịch vụ, sẽ trở thành yếu tố truyền thông hiệu quả nhất giúp đối tượng yếu thế dần tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử.

Về phía ngân hàng:

Cần tăng cường quảng bá những lợi ích của ngân hàng điện tử trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là tivi, radio… để mọi người đều biết đến và nhận thức được tính hữu ích của ngân hàng điện tử. Tuy nhiên, bản thân ngân hàng cũng cần tiếp tục hoàn thiện công nghệ và các chức năng của ngân hàng điện tử để mang lại sự thuận lợi và tin tưởng hơn cho khách hàng khi sử dụng. Đây được coi là nhân tố quan trọng để tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng điện tử đến với người dân nói chung và người yếu thế nói riêng. Bởi với đối tượng yếu thế, phần lớn tài sản của họ chính là số tiền được cất giữ trong tài khoản gửi tại ngân hàng, vì vậy chỉ khi chắc chắn về độ an toàn và bảo mật của ngân hàng nói chung và các giao dịch tài chính được thực hiện qua các thiết bị công nghệ thì họ mới quyết định tiếp cận và hướng đến sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử.

Ngoài ra, với đối tượng yếu thế, cần có sự tư vấn trực tiếp của nhân viên ngân hàng. Nhân viên ngân hàng cần đến tận nơi cư trú của khách hàng để giới thiệu và tư vấn về lợi ích của ngân hàng điện tử, sau đó hỗ trợ họ xử lý những khó khăn gặp phải khi sử dụng dịch vụ này. Khi có những hiểu biết nhất định về các dịch vụ của ngân hàng điện tử (như chi phí, các dịch vụ, cách thức sử dụng…) thì người yếu thế sẽ tiếp cận và sử dụng các dịch vụ này hơn. Bởi bản thân người yếu thế có những rào cản về tâm lý, hoặc có thể có những hạn chế về nhận thức, về khả năng sử dụng công nghệ… nên cần được sự tư vấn và hướng dẫn tận tình hơn của nhân viên ngân hàng, so với các đối tượng khác.

Về phía Chính phủ:

Một trong những điều kiện để người yếu thế có thể sử dụng ngân hàng điện tử là phải có thiết bị thông minh và có mạng internet. Nhưng chi phí mua thiết bị, kết nối internet tương đối cao so với mức sống của người yếu thế. Ngoài một bộ phận có điều kiện mua được điện thoại thông minh và chấp nhận trả tiền internet hàng tháng, để nâng cao khả năng tiếp cận ngân hàng điện tử thì còn khá lớn người yếu thế cần có sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Điều này phù hợp với chiến lược thúc đẩy nền kinh tế số và phổ cập thanh toán không tiền mặt trong dân đang được nhà nước triển khai. Cùng với đó, nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân trả tiền lương, tiền công, tiền trợ cấp... qua tài khoản. Thêm nữa, để chính sách này hoàn thiện hơn, nhà nước cũng cần hỗ trợ các ngân hàng tăng cường mở rộng các điểm thanh toán không tiền mặt, tăng số lượng các cây ATM đến các vùng sâu, vùng xa, để tạo điều kiện cho người dân nói chung và người yếu thế nói riêng, có thể tiếp cận và thuận lợi sử dụng các dịch vụ của ngân hàng điện tử.

Nhà nước và ngân hàng xem xét đưa ra các chính sách, chiến lược dành riêng cho người yếu thế (hỗ trợ mua điện thoại thông minh, nhân viên đến tận nơi tư vấn…) để có thể nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng điện tử của đối tượng này. Ngoài ra, tại địa bàn sinh sống, làm việc của người yếu thế cần có thêm nhiều điểm thanh toán không dùng tiền mặt, các giao dịch tài chính (mua bán thông thường…) nên được khuyến khích thực hiện trả/nhận tiền qua tài khoản và cũng cần có nhiều điểm rút tiền mặt tại nơi cư trú, để họ có thể thực hiện rút, chuyển tiền mặt khi cần thiết. Đây đều là những yếu tố quan trọng giúp dần thay đổi thói quen thanh toán của người yếu thế và tiến tới phổ cập ngày càng rộng rãi các dịch vụ ngân hàng điện tử. Chỉ khi thực hiện đồng bộ các yếu tố này mới giúp nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng điện.

KẾT LUẬN

Có thể thấy, đối tượng yếu thế thường là những người gặp khó khăn về kinh tế và sức khoẻ, đồng thời họ cũng chịu nhiều thiệt thòi trong các quan hệ xã hội. Để giúp người yếu thế tiếp cận với dịch vụ ngân hàng điện tử - một dịch vụ rất tiện ích, giúp nâng cao chất lượng sống cho đối tượng này, bên cạnh sự nỗ lực thay đổi của bản thân họ thì cần có sự hỗ trợ của nhà nước, sự góp sức của các ngân hàng. Ngoài ra, với đối tượng yếu thế thì sự tác động từ xã hội (người thân, bạn bè, hàng xóm) của người yếu thế cũng rất quan trọng. Nếu có sự tuyên truyền và hỗ trợ của bạn bè, người thân thì đối tượng yếu thế mới dám thay đổi thói quen, gạt bỏ những lo lắng, bất an khi tiếp cận với dịch vụ ngân hàng điện tử. Khi có sự cộng hưởng tích cực từ phía xã hội, nhà nước, ngân hàng thì sẽ nâng cao được khả năng tiếp cận ngân hàng điện tử, đồng thời sẽ giúp hoàn thành được mục tiêu đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt mà Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện, giúp đối tượng yếu thế thực sự thụ hưởng được những thành quả từ cuộc cách mạng công nghệ mang lại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bạch Đằng (2017). Bế tắc lao động yếu thế. Trang web: https://nld.com.vn. Truy cập ngày 20/4/2023.

2. Nguyễn Đại Lai (2020). Thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Trang web: https://tapchicongsan.org.vn. truy cập ngày 29/03/2023.

3. Lê Văn Phú (2022). Báo cáo tổng quan thị trường Digital Việt Nam Năm 2022. Trang web: https://lptech.asia. Truy cập ngày 24/2/2023.

4. Quốc Hội (2013). Điều luật Phòng, chống thiên tai. Khoản 4 Điều 3. Trang web: https://thuvienphapluat.vn. Truy cập ngày 20/1/2023.

5. Quốc Hội (2010). Luật người khuyết tật. Trang web: https://thuvienphapluat.vn. Truy cập ngày 28/1/2023.

6. Nguyễn Hồng Quân (2020). Các nhân tố tác động đến sự hài lòng chất lượng dịch vụ ngân hàng điện tử: Nghiên cứu tại ngân hàng thương mại Tiên Phong. Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế. Số 215, 1/2010. Trang 29-43.

7. Statista (2021, Kiến An biên dịch). Việt Nam có lượng người dùng smartphone trong top 10 toàn cầu. Trang web: https://vov.vn. Truy cập ngày 23/1/2023.

8. Đan Thanh (2012). Người yếu thế vẫn… thế. Trang web: https://www.anninhthudo.vn. Truy cập ngày 20/4/2023.

9. Thống kê của Viện Công nhân và Công đoàn (2016). Trích từ bài Tìm giải pháp sinh kế bền vững cho nhóm lao động yếu thế ở Việt Nam. Trang web: https://baohiemxahoi.gov.vn.

10. Anh Tuấn (2021). 70% người trưởng thành ở Việt Nam dùng dịch vụ ngân hàng. Trang web: https://vietnamnet.vn.Truy cập ngày 02/2/2023.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 13 năm 2023

TS. Nguyễn Lan Anh - ThS. Đào Thị Sao