Tin Hiệp hội Ngân hàng

Hiệp hội Ngân hàng trao đổi với IFC về thị trường Fintech và tài chính tiêu dùng tại Việt Nam

Minh Ngọc 22/07/2024 21:56

Ngày 22/7, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có buổi làm việc với Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) nhằm trao đổi thông tin về thị trường Fintech và tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.

Tham dự buổi làm việc, về phía VNBA có: Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký VNBA; ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo VNBA; ông Nguyễn Đăng Hùng, Chủ nhiệm CLB VietFintech - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS); ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm CLB Tài chính tiêu dùng - Tổng Giám đốc Mcredit.

Về phía IFC có ông Weichuan Xu, Cán bộ quản lý Đầu tư của IFC phụ trách Việt Nam, Lào và Campuchia.

toan-canh-220724.jpg
Quang cảnh buổi làm việc

Mở đầu buổi làm việc, ông Weichuan Xu bày tỏ lời cảm ơn việc lãnh đạo VNBA đã dành thời gian tiếp đón và chia sẻ thông tin. Ông Weichuan Xu cho biết, trong quá trình làm việc tại Việt Nam, ông đánh giá cao tốc độ phát triển chuyển đổi số tại Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực: thanh toán, Fintech, tài chính tiêu dùng, tài chính số.... Với mong muốn hỗ trợ tốt hơn cho các đối tác của mình, đại diện IFC bày tỏ muốn được lắng nghe ý kiến của VNBA về các vấn đề liên quan đến thị trường Fintech và tài chính tiêu dùng, đồng thời tìm hiểu thêm về Dự thảo Nghị định Quy định Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Hùng hoan nghênh việc IFC mở rộng sự quan tâm tới thị trường Fintech và các công ty tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.

ts-nguyen-quoc-hung-220724.jpg
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA, phát biểu tại buổi làm việc

Giới thiệu về chính sách chung của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA cho biết, Quốc hội đã thông qua Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 và NHNN đã ban hành các Thông tư hướng dẫn triển khai luật, theo đó, các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) đã tích cực triển khai và nghiêm túc thực hiện.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh các TCTD tiếp tục tái cơ cấu nhằm nâng cao vị thế, NHNN đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định Quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng.

Theo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định, các giải pháp được phép thử nghiệm bao gồm 6 giải pháp. Tuy nhiên, căn cứ trên nguồn lực triển khai, Dự thảo Nghị định lần thứ 7 chỉ còn quy định cho phép thử nghiệm đối với 3 giải pháp: (1) chấm điểm tín dụng; (2) chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API); (3) cho vay ngang hàng (P2P Lending).

Giới thiệu về hoạt động Fintech, ông Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia đứng đầu khu vực trong lĩnh vực chuyển đổi số, với 176 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực Fintech; trong đó, khoảng 60% đơn vị liên quan đến thanh toán, công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực ngân hàng.

Thực tế, dù Fintech hoạt động chưa được đồng bộ, cụ thể và toàn diện, hành lang pháp lý chưa rõ ràng, nhưng các đơn vị cũng đã hết sức năng động, đổi mới, góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho doanh nghiệp, hệ sinh thái trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng kỳ vọng, thời gian tới, khi Chính phủ ban hành Nghị định Quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, đây sẽ là hành lang pháp lý cho hoạt động Fintech ở Việt Nam, hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra một “sân chơi” công bằng cho các doanh nghiệp Fintech, qua đó bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.

Đối với lĩnh vực tài chính tiêu dùng, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu tín dụng của hệ thống các TCTD. Cùng với đó, các công ty tài chính tiêu dùng Việt Nam phát triển khá đa dạng, với 16 công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép, tổng số dư nợ là khoảng 150 nghìn tỷ đồng. Về hành lang pháp lý, Luật Các TCTD quy định rõ các khoản cho vay phải xây dựng được phương án kinh doanh rõ ràng, phục vụ nhu cầu cho vay của người dân và nhu cầu tài chính tiêu dùng.

“Đây là 2 lĩnh vực tiềm năng và có điều kiện phát triển trong tương lai. Với kinh nghiệm nhiều năm hợp tác với các ngân hàng, TCTD tại Việt Nam, tôi cho rằng, IFC đã có tầm nhìn lớn”, ông Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ.

ong-hung-napas-220724-1.jpg
Ông Nguyễn Đăng Hùng, Chủ nhiệm CLB VietFintech - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), phát biểu tại buổi làm việc

Hoàn toàn đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Quốc Hùng, ông Nguyễn Đăng Hùng, Chủ nhiệm CLB VietFintech bổ sung thêm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN ban hành Thông tư số 40/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Hai văn bản này cùng Nghị định Quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng dự kiến được ban hành thời gian tới kỳ vọng sẽ định hình khuôn khổ pháp lý ổn định và rõ ràng hơn, giải quyết các hạn chế về ứng dụng công nghệ đối với Fintech.

o-ninh-220724.jpg
Ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm CLB Tài chính tiêu dùng - Tổng Giám đốc Mcredit - , phát biểu tại buổi làm việc

Ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm CLB Tài chính tiêu dùng cho rằng, thời gian hoạt động của lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại Việt Nam là khá mới so với các nước khác và tốc độ tăng trưởng khá nhanh, khoảng 35% mỗi năm. Tuy nhiên, các công ty tài chính tiêu dùng đã gặp nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19 và bị ảnh hưởng bởi xu thế thế giới. Dù dư nợ tín dụng chỉ khoảng 150 nghìn tỷ đồng, chiếm chưa tới 2% trong tổng số 14,5 triệu tỷ đồng dư nợ của ngành Ngân hàng, tuy nhiên, theo thống kê của CIC, số lượng khách hàng mà các công ty tài chính tiêu dùng phục vụ là khoảng 20 triệu khách hàng. Điều đó cho thấy, tác động của hoạt động cho vay trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng khá lớn đối với thị trường Việt Nam.

Theo Chủ nhiệm CLB Tài chính tiêu dùng, thị trường Việt Nam cũng như tài chính tiêu dùng là một trong những lĩnh vực khá hấp dẫn. Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, chắc chắn nhu cầu tiêu dùng cũng phục hồi và tăng trưởng, kéo theo cơ hội phát triển của các công ty tài chính.

Ông Ninh cũng chỉ rõ việc các công ty tài chính đang phải đối mặt với các xu hướng tất yếu mới về tiêu dùng, nổi bật là kênh thương mại qua tiêu dùng điện tử sẽ thay thế dần cho tiêu dùng truyền thông, theo đó, hoạt động cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng đã, đang và sẽ phải đi theo hướng cho vay kỹ thuật số, nhằm tạo ra trải nghiệm nhanh chóng cho khách hàng có nhu cầu tín dụng tiêu dùng.

Với xu thế tất yếu như vậy, các công ty tài chính tiêu dùng cần đầu tư lớn vào chuyển đổi số, chia sẻ dữ liệu tạo ra công cụ chấm điểm, áp dụng phân tích dữ liệu lớn (big data) trong các khâu của quy trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ. “Điều này rất cần kinh nghiệm từ các thị trường đã phát triển như Singapore, Trung Quốc, Thái Lan…. Do đó, tôi mong rằng, IFC sẽ có thêm nhiều sự hợp tác với thị trường trong nước để mang lại tốc độ phát triển nhanh hơn cho thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam”, ông Lê Quốc Ninh bày tỏ.

ifc-220724.jpg
Ông Weichuan Xu, Cán bộ quản lý Đầu tư của IFC phụ trách Việt Nam, Lào và Campuchia, tại buổi làm việc

Kết thúc buổi làm việc, đại diện IFC bày tỏ lời cảm ơn về những thông tin bổ ích mà đại diện VNBA đã chia sẻ; đồng thời mong muốn thời gian tới có thêm nhiều cơ hội trao đổi sâu hơn về các vấn đề liên quan đến thị trường Fintech và tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.

Minh Ngọc