Doanh nghiệp

Vingroup khép lại tham vọng với chuỗi bán lẻ dược phẩm VinFa

Hoàng Hà 23/07/2024 - 12:57

Vingroup khai trương chuỗi nhà thuốc VinFa không lâu sau khi FPT Retail mua lại Long Châu và Thế Giới Di Động thâu tóm An Khang nhưng đến nay “số phận” của 3 chuỗi nhà thuốc này đã có những ngã rẽ khác nhau.

vinfa.jpg
Một nhà thuốc VinFa cạnh cửa hàng VinMart+ (nay là Winmart+) tại TP. Hồ Chí Minh - Ảnh: ICTNews

Ngày 22/7, Tập đoàn Vingroup (mã VIC) công bố đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần sở hữu tại Công ty CP VinFa (mã số doanh nghiệp là 0110014171, thành lập vào tháng 5/2022). Sau chuyển nhượng, VinFa không còn là công ty con của Vingroup.

Báo cáo tài chính quý II/2024 của Vingroup cho thấy, đến ngày 30/6/2024, Vingroup đang nắm giữ 48,78% cổ phần có quyền biểu quyết tại VinFa và đã đầu tư hơn 31,6 tỷ đồng vào công ty này.

Theo tìm hiểu, doanh nghiệp Vingroup vừa thoái vốn không phải là Công ty CP VinFa từng được biết đến là doanh nghiệp có chức năng nghiên cứu, sản xuất thuốc, nhập khẩu và phân phối thuốc mà Vingroup giới thiệu vào năm 2018. Bởi tháng 12/2020, Công ty CP VinFa với lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất thuốc, hóa dược, dược phẩm đã đổi tên thành Công ty CP Vin3S với hoạt động kinh doanh chính là thiết lập trang thông tin điện tử, mạng xã hội, dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, trong khi sản xuất thuốc và dược liệu trở thành ngành kinh doanh phụ.

Việc đổi tên này cũng diễn ra không lâu sau khi các nhà thuốc VinFa thu hẹp quy mô hoạt động. Cụ thể là từ cuối năm 2019, VinFa đã bắt đầu đóng cửa một số nhà thuốc do doanh số bán hàng không tốt nên phải tái cơ cấu. Động thái này của Vingroup cũng dần khép lại tham vọng mở rộng hoạt động kinh doanh sang mảng dược phẩm để tập trung nguồn lực cho các hoạt động kinh doanh chính như bất động sản, sản xuất ô tô, xe máy (VinFast),...

Công ty CP VinFa (sản xuất thuốc, hóa dược, dược phẩm) được thành lập từ tháng 7/2015 bởi 3 cá nhân với vốn điều lệ ban đầu khoảng 3 tỷ đồng. Tháng 1/2018, Vingroup mua lại 9.000 cổ phiếu công ty VinFa (3% vốn điều lệ) và góp thêm 443 tỷ đồng tăng sở hữu lên hơn 96%.

Thời điểm đó, Vingroup kỳ vọng sẽ phát triển VinFa trở thành hệ thống bán lẻ dược phẩm hàng đầu cả nước. Không những thế, đến tháng 4/2018, Vingroup còn công bố sẽ đầu tư 2.200 tỷ đồng để xây dựng Trung tâm nghiên cứu sản xuất thuốc VinFa tại Bắc Ninh trên diện tích khoảng 10 ha với mục tiêu là sản xuất và kinh doanh các bài thuốc Đông y và các loại thuốc Tây y chất lượng tốt, phục vụ thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu. Công ty cũng cũng sẽ tập trung vào các mảng sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, vaccine và thiết bị y tế.

Đến tháng 11/2018, VinFa khai trương 11 nhà thuốc đặt cạnh chuỗi VinMart+ (nay là WinMart+) tại Hà Nội. Đến tháng 6/2019, VinFa khai trương những nhà thuốc đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh nhưng chỉ đến cuối năm thì bắt đầu thu hẹp quy mô cửa hàng.

Thời điểm Vingroup quyết định đầu tư vào mảng dược phẩm cũng là lúc nhiều “đại gia” bán lẻ khác cũng mới bắt đầu “tham chiến” vào lĩnh vực này. Theo đó, năm 2017 Thế Giới Di động (MWG) đã mua lại chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang và đổi tên thành chuỗi nhà thuốc An Khang. Cũng trong năm 2017, FPT Retail (FRT) đã mua lại nhà thuốc Long Châu.

Cho đến nay, Long Châu đang là chuỗi nhà thuốc mở rộng hiệu quả nhất khi đã đạt mốc 1.789 nhà thuốc và dự kiến đạt mốc 1.900 nhà thuốc vào cuối năm 2024. Cùng với tăng trưởng về quy mô cửa hàng, doanh thu chuỗi Long Châu cũng liên tục tăng trưởng. Trong quý I/2024 doanh thu của Long Châu đã tăng 68% so với cùng kỳ, đạt 5.534 tỷ đồng, chiếm 61% tổng doanh thu của FPT Retail. Hiện biên lợi nhuận gộp ước tính của chuỗi Long Châu đã đạt trên 23% nhờ lợi thế về danh mục sản phẩm rộng, đặc biệt là các loại thuốc kê đơn, và lợi thế quy mô với độ phủ lớn.

Trong khi chuỗi Long Châu liên tục mở rộng kể từ sau khi được mua lại thì mãi đến quý IV/2021, khi thị trường bán lẻ dược phẩm có sự dịch chuyển từ kênh truyền thống sang kênh hiện đại trở nên rõ ràng hơn, Thế Giới Di Động mới tăng tốc mở mới chuỗi nhà thuốc An Khang và chuyển sang sở hữu toàn bộ vào tháng 11/2021 - nâng tỷ lệ sở hữu từ 49% lên 99%.

Với sự hậu thuẫn của Thế Giới Di Động, chuỗi An Khang từng đặt mục tiêu nâng số cửa hàng lên con số 2.000 vào cuối năm 2023 nhưng đến nay số lượng cửa hàng của chuỗi này đang dừng lại ở con số 526. Về hiệu quả kinh doanh, Thế Giới Di Động từng đặt kỳ vọng An Khang sẽ đạt điểm hòa vốn vào cuối năm 2023 nhưng đến quý I/2024, mảng dược phẩm của MWG vẫn chưa thể "mang tiền về cho mẹ" khi vẫn lỗ tính thuế gần 70 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế từ năm 2016 tới hết quý I năm nay lên hơn 731 tỷ đồng.

Tương tự, một đối thủ của Long Châu và An Khang là Pharmacity cũng đang dần đuối sức trong “cuộc đua tam mã” giữa các nhà thuốc hiện đại. Sau thời gian “đốt tiền” để đạt đỉnh quy mô gần 1.100 cửa hàng vào cuối tháng 9/2022 đến cuối năm 2023, số lượng cửa hàng Pharmacity đã giảm về gần 1.000 cửa hàng.

Hoàng Hà