Vấn đề - Nhận định

26,3 triệu khách hàng đã xác thực sinh trắc học

Ngô Hải 23/07/2024 16:36

Với tinh thần quyết liệt, khẩn trương triển khai các quy định tại Quyết định 2345/QĐ-NHNN, đến ngày 22/7, khoảng 26,3 triệu khách hàng đã được xác thực sinh trắc thông qua căn cước công dân (CCCD) gắn chip, hoạt động thanh toán trực tuyến hay thanh toán thẻ của khách hàng diễn ra an toàn, thông suốt.

sinh-trac-hoc-la-gi-rui-ro-khi-thu-thap-du-lieu-sinh-trac-hoc-1.jpg
26,3 triệu khách hàng đã xác thực sinh trắc học

Quyết liệt triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN

Thông tin trên được ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN chia sẻ tại buổi họp báo “Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức ngày 23/7.

Ông Lê Văn Tuyên cho biết, kể từ khi Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định 2345/QĐ-NHNN), có hiệu lực (ngày 1/7/2024) đến nay, có khoảng 26,3 triệu khách hàng đã được xác thực sinh trắc thông qua căn cước công dân (CCCD) gắn chip, trong đó: 22,5 triệu khách hàng xác thực trực tuyến qua App, 3,8 triệu khách hàng xác thực tại quầy. Có 37 tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai xác thực sinh trắc học qua điện thoại di động, 47 tổ chức tín dụng có thực hiện xác thực tại quầy; 25 tổ chức tín dụng đã kết nối dữ liệu với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an; 22 tổ chức tín dụng đang triển khai trên nền tảng VNeID.

Chia sẻ về kết quả thực hiện Quyết định 2345/QĐ-NHNN tại ngân hàng, ông Lê Hoàng Tùng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, đến nay, tổng số lượng khách hàng đã xác thực sinh trắc học tại ngân hàng đạt 3,4 triệu khách hàng, trong đó 600.000 khách hàng thực hiện xác thực trực tiếp app-to-app tới VNeID, hoạt động xác thực sinh trắc học khách hàng diễn ra thuận lợi. Thời gian tới, Vietcombank sẽ tiếp tục tăng cường kết nối với VNeID và triển khai Đề án 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030).

Còn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng này cho hay, Agribank có đặc thù là có số lượng khách hàng lớn ở khắp các vùng miền, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa nên việc sử dụng điện thoại thông minh cũng ít hơn so với các khu vực khác. Để thực hiện Quyết định 2345/QĐ-NHNN, Agribank triển khai thu thập sinh trắc học trên 2 kênh: kênh điện tử và giao dịch tại quầy. Đến nay, ngân hàng đã thu thập được hơn 2 triệu khách hàng, đạt 22% trên số tài khoản đang hoạt động. Thời gian tới, Agribank sẽ tiếp tục đẩy mạnh xác thực sinh trắc học cho khách hàng trên cả 2 kênh.

Hướng đến mục tiêu bảo đảm an toàn cho các giao dịch thanh toán

Nhằm đảm bảo an toàn cho các giao dịch thanh toán, ngoài việc quyết liệt triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN, ông Lê Văn Tuyên cho biết, thời gian qua, NHNN cũng đã ban hành rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách trong lĩnh vực thanh toán, như trong Luật Các TCTD 2024 hay Nghị định 52/2024/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt (Nghị định 52) cũng đã có nhiều quy mới nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.

NHNN đã ban hành 7 thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Các TCTD, hướng dẫn Nghị định 52, trong đó có thông tư quy định sử dụng tài khoản thanh toán và sử dụng thẻ ngân hàng. Ví như, tại Thông tư 17/2024/TT-NHNN (quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán) và Thông tư 18/2024/TT-NHNN (quy định về hoạt động thẻ ngân hàng), quy định chỉ được rút tiền thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân, thông tin về sinh trắc học của chủ tài khoản và chủ thẻ, hoặc người đại diện đối với khách hàng cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp đối với khách hàng tổ chức.

Ông Lê Văn Tuyên cho biết, các quy định trên nhằm kiểm tra xác minh thông tin chủ tài khoản thanh toán, chủ thẻ, người đại diện trong trường hợp khách hàng cá nhân, người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản thanh toán trong trường hợp là khách hàng tổ chức đảm bảo những thông tin đó là chính chủ và người mở tài khoản thanh toán, mở thẻ cũng là người sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng. Đối với các giao dịch phi tài chính (sao kê, vấn tin) cũng được quy định chặt chẽ để ngăn ngừa việc sử dụng các giấy tờ giả để mở thẻ ngân hàng, mở tài khoản thanh toán nhằm mục đích gian lận, giả mạo.

Chia sẻ thêm về các giải pháp ngăn chặn rủi ro, gian lận, giả mạo trong các giao dịch thanh toán, ông Lê Hoàng Chính Quang, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Công nghệ thông tin, NHNN, sau khi Quyết định 2345/QĐ-NHNN có hiệu lực đã xuất hiện hiện tượng giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại hỗ trợ xác thực sinh trắc học; hay lừa đảo khách hàng xác thực sinh trắc học qua các link giả mạo, App giả mạo… nhằm chiếm quyền điều khiển điện thoại và thực hiện các giao dịch bất hợp pháp.

“Với những hiện tượng như vậy, NHNN cũng đã có văn bản hướng dẫn, cảnh báo để ngân hàng và khách hàng có giải pháp phòng tránh rủi ro”, ông Lê Hoàng Chính Quang chia sẻ và cho biết, NHNN đã chỉ đạo các TCTD có những cảnh báo cụ thể đến khách hàng, như: chỉ cập nhật thông tin sinh trắc học trên App hay website chính thức của ngân hàng hoặc tại quầy giao dịch, không cung cấp và xác thực sinh trắc học qua các đường link lạ; các TCTD có những hướng dẫn để khách hàng có các kỹ năng cơ bản khi thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử (không cài đặt App lạ, không click vào đường link lạ, không cung cấp quyền trợ năng, phá khóa điện thoại để sử dụng, tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản, mật khẩu và mã OTP cho người khác).

Ngoài giải pháp sinh trắc học, ngành Ngân hàng cũng triển khai nhiều giải pháp khác để phòng chống lừa đảo trên không gian mạng, như: làm sạch tài khoản khách hàng, áp dụng xác thực mạnh trong giao dịch (xác thực OTP, chữ ký số); áp dụng cơ chế giám sát các giao dịch bất thường để cảnh báo, xử lý, ngăn chặn kịp thời; với các điện thoại của khách hàng đã bị phá khóa bảo mật ngành Ngân hàng cũng có giải pháp phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn.

Ngoài ra, NHNN đang thí điểm giải pháp giám sát về tài khoản thanh toán, ví điện tử nghi ngờ gian lận, giả mạo đến các TCTD, thông qua đó các TCTD sẽ báo cáo các tài khoản trong quá trình thực hiện có nghi ngờ gian lận về NHNN, thực hiện chặn lại các giao dịch có nguy cơ về gian lận giả mạo hoặc yêu cầu khách hàng xác thực lại giao dịch.

Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đánh giá cao các kết quả đã đạt được trong triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN, nhằm đảm bảo an toàn cho các giao dịch của khách hàng. Các ngân hàng sẽ phải dành rất nhiều nguồn lực để thực hiện các yêu cầu tại Quyết định 2345/QĐ-NHNN. “Đây là chính sách mang đến quyền lợi, đảm bảo an toàn, lành mạnh cho nền kinh tế nói chung, cho các chủ tài khoản ngân hàng nói riêng. Đây là nhiệm vụ lớn lao của chúng ta”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Ngô Hải