Các Hiệp hội ngành, nghề

Nguồn cung khan hiếm giúp một nông sản chiến lược của Việt Nam liên tiếp xô đổ các đỉnh giá cũ

Nguyễn Huyền 25/07/2024 - 14:02

Nguồn cung cà phê Robusta của Việt Nam đang khan hiếm, thị trường phải chờ đợi vụ thu hoạch mới 2024/2025 bắt đầu từ tháng 11/2024, giúp giá cà phê “neo” ở mức cao nhất từ trước đến nay.

nguoi-nong-dan-trong-ca-phe-tham-gia-vao-chuong-trinh-nescafe-plan_hinh-3.jpg
Ảnh minh họa

Nguồn cung khan hiếm, cà phê Robusta liên tiếp lập đỉnh giá mới

Trước đó, vào ngày 9/7/2024, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa được giao dịch ở mức 125.900 – 127.100 đồng/kg, đây là đỉnh giá cao nhất mà ngành hàng cà phê đã thiết lập.

Tuy nhiên, ngày 24/7, giá cà phê Robusta đồng loạt tăng 1.000 đồng/kg tại các địa phương. Theo đó, giao dịch cà phê tại Đắk Lắk và Gia Lai là 128.000 đồng/kg. Mức giá thu mua cao nhất đạt 128.200 đồng/kg là tại tỉnh Đắk Nông, tại Lâm Đồng giao dịch với giá thấp nhất, 127.500 đồng/kg.

Như vậy, giá cà phê ngày 24/7, đã xô đổ đỉnh giá lập trước đó. Động lực thúc đẩy giá cà phê tăng mạnh do nguồn cung nội địa khan hiếm và giá cà phê Robusta trên thế giới neo cao.

Cục Xuất nhập khẩu (XNK) – Bộ Công Thương cho biết, những ngày đầu tháng 7/2024, giá cà phê Robusta và Arabica trên thị trường thế giới tăng mạnh trở lại do lo ngại điều kiện thời tiết khô hạn hơn bình thường có thể ảnh hưởng xấu đến cây cà phê của Brazil và Việt Nam.

Hiện nguồn cung cà phê Robusta của Việt Nam đang khan hiếm, thị trường phải chờ đợi vụ thu hoạch mới 2024/2025 bắt đầu từ tháng 11/2024.

Trên sàn giao dịch London, giá cà phê Robusta giao kỳ hạn tháng 9/2024, được ghi nhận tại mức 4.581 USD/tấn, tăng 1,13%. Giá cà phê Arabica giao tháng 9/2024 tại New York ở mức 243,05 UScent/pound sau khi tăng 2,04%.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, 2 tháng nay giá cà phê có lúc lên, lúc xuống nhưng vẫn ở quanh mốc 125.000 đồng/kg, mức này là quá tốt cho người trồng cà phê.

Cà phê Robusta chủ yếu trồng ở các nước Đông Nam Á, như Việt Nam, Indonesia, một số nước châu Phi và Brazil cũng trồng nhưng ở mức giới hạn. Khả năng chống chịu khô hạn của Robusta kém so với Arabica nên biến đổi khí hậu gây hạn hán, thiếu nước làm ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất và sản lượng. Nửa đầu năm nay, các tác động của El Nino cộng với diện tích giảm khiến cho sản lượng cà phê niên vụ mới của Việt Nam dự báo giảm từ 15-20%.

3 yếu tố tác động lên giá cà phê vụ mới

Mặc dù giá cà phê đang rất tốt và sắp chạm ngưỡng 129.000 đồng/kg, nhưng khi vào vụ mới nguồn cung ra thị trường dồi dào liệu có quay lại mốc 100.000 hoặc dưới 100.000 đồng/kg? Đây là lo lắng của nhiều hộ nông dân trồng cà phê cũng như của doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu.

Theo Chủ tịch Vicofa, có 3 yếu tố ảnh hưởng đến giá cà phê trong niên vụ mới:

Thứ nhất, nguồn cung Robusta ở Việt Nam. Tồn kho Robusta trong dân và trong doanh nghiệp hiện nay hầu như đã hết, phải chờ đến tháng 11, tháng 12 vào vụ thu hoạch mới.

Thứ hai, tồn kho Robusta ở các nước cũng còn rất ít. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của chiến tranh, cấm vận… đẩy giá container, cước tàu vận chuyển tăng cao, nên giá thành cũng sẽ tăng cao.

Thứ ba, nhà đầu cơ dựa vào hai sàn giao dịch cà phê New York và London để kiếm lời.

“Vào vụ thu hoạch giá cà phê có thể xuống nhưng sẽ không xuống nhiều, vì vụ mới có thể giảm đến 20% sản lượng nên nguồn cung không có bao nhiêu để có thể kéo giá cà phê giảm mạnh. Thậm chí nếu sản lượng chỉ giảm 10% vẫn không đủ lực để kéo giá xuống thấp. Mặt khác, vụ mới của Brazil có thể ảnh hưởng tới thị trường nhưng họ cơ bản gần như xong vụ. Trước mắt giá cà phê sẽ vẫn ở mức cao từ nay đến tháng 11 khi Việt Nam chính thức vào vụ mới”, ông Hải nhấn mạnh.

Theo Vicofa, vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024/2025 của Brazil đã hoàn thành 3/4 diện tích và gần như xong vụ. Trong khi đó, sự tăng mạnh của đồng Real Brazil so với đồng USD đã hạn chế người trồng cà phê nước này bán ra, tác động tích cực lên giá cà phê.

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 7/2024, Việt Nam xuất khẩu 32,041 nghìn tấn cà phê nhân, với giá trị 158,434 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng xuất khẩu chỉ tăng 1,37%, giá trị lại tăng 8,12%.

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/7, xuất khẩu cà phê đạt 934,303 nghìn tấn, mang về 3,385 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2023 giảm gần 10% về lượng nhưng tăng đến 33,38% về giá trị, nhờ giá xuất khẩu tăng mạnh.

Giá bình quân xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 6 đạt mức 4.593 USD/tấn, tăng 71,2% so với tháng 6/2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, giá bình quân xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt mức 3.569 USD/tấn, tăng 50,3% so với cùng kỳ.

Dự báo xuất khẩu cà phê trong các tháng của quý III/2024 sẽ giảm dần do nguồn cung dần cạn kiệt. Phải đến tháng 11, khi vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024/2025 bắt đầu, nguồn cung cà phê mới tăng trở lại.

Nguyễn Huyền